Ngành du lịch 'xin' 5.000 tỷ đồng để kích cầu

Hà Mai - 09/09/2020 15:48 (GMT+7)

Ngành du lịch Việt Nam đề xuất ngân sách nhà nước chi gói kích thích tiêu dùng trị giá 5.000 tỷ đồng để phát ra 10 triệu voucher giảm giá cho khách du lịch.

VNF
Vừa nhen nhóm hồi phục, ngành du lịch Việt Nam tiếp tục đối mặt với cuộc chiến mới được đánh giá là “khốc liệt” hơn khi Covid-19 trở lại.

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đang lấy ý kiến hoàn thiện tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành nghị quyết triển khai gói kích thích tiêu dùng du lịch và dịch vụ liên quan thông qua hỗ trợ tài chính cho khách du lịch.

Ngành du lịch chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ

Trong dự thảo tờ trình, lãnh đạo ngành du lịch cho biết trong năm 2020, đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực tới nhiều mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó du lịch là ngành chịu tác động và thiệt hại nặng nề nhất qua hai đợt bùng phát của đại dịch.

Hiện nay, tình hình doanh nghiệp du lịch nhìn chung vô cùng khó khăn. Doanh nghiệp vận tải du lịch (ô tô) gần như đóng cửa vì không có khách. Doanh nghiệp lữ hành thì đến 95% dừng hoạt động, trong đó 10% xin thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành, chấm dứt hoạt động.

Công suất phòng trung bình của các cơ sở lưu trú rất thấp chỉ đạt khoảng 10%, nhiều khách sạn 4 - 5 sao hoạt động rất khó khăn, các cơ sở lưu trú chuyên đón khách quốc tế phải đóng cửa trong thời gian dài từ tháng 3 đến nay và còn dự báo tiếp tục đến hết năm. Nhiều lĩnh vực, ngành nghề gián tiếp liên quan đến hoạt động du lịch cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trong thời gian qua, Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tuy nhiên với ngành du lịch lại chưa tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ.

Đặc điểm của ngành là phụ thuộc hoàn toàn vào khách du lịch, nếu không có khách thì không có hoạt động kinh doanh. Có thể thấy các chính sách hỗ trợ hiện nay chủ yếu hỗ trợ về cung, nhưng với ngành du lịch nếu không kích cầu thì hoạt động kinh doanh du lịch sẽ chỉ diễn ra cầm chừng.

Cụ thể, các chính sách hỗ trợ giãn nợ, giãn thuế, phí… có ý nghĩa đối với các ngành sản xuất kinh doanh khác nhiều hơn đối với ngành du lịch vì khi không có hoạt động du lịch thì doanh nghiệp lữ hành, khách sạn... phải đóng cửa, ngừng hoạt động, không phát sinh về khách, không có doanh thu và như vậy thì cũng không được hưởng lợi từ những chính sách hỗ trợ trên.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp lữ hành cũng gặp khó khăn khi tiếp cận được với các nguồn vốn vay lãi suất thấp của ngân hàng vì bản chất của doanh nghiệp lữ hành là chi hộ, thu hộ, thường không có tài sản thế chấp, do đó ngân hàng xếp doanh nghiệp lữ hành vào đối tượng nguy cơ rủi ro cao.

"Do đó, cần phải có một chính sách kích cầu hỗ trợ đặc thù nhằm tạo hiệu ứng mạnh mẽ kích cầu cho ngành du lịch nội địa, góp phần phục hồi ngành du lịch, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch. Trên thực tế, các quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan, Singapore... đều có các chiến dịch kích cầu ngành du lịch nội địa với các gói hỗ trợ tiền hoặc chiết khấu giá dịch vụ cho khách du lịch", văn bản của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch nêu rõ.

10 triệu voucher kích cầu, thu về 800 tỷ đồng từ du lịch

Với mục tiêu tăng tiêu dùng của khách, tăng thu du lịch, đồng thời đưa du lịch lên tầm cao mới bằng việc nâng cao chất lượng, đa dạng hóa dịch vụ, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đề xuất nội dung chủ yếu của gói kích thích tiêu dùng du lịch và dịch vụ liên quan thông qua hỗ trợ tài chính cho du khách.

Cụ thể, bộ này đề xuất mỗi khách du lịch được hỗ trợ bằng 10% giá tour du lịch trọn gói, chỉ áp dụng cho chương trình du lịch trọn gói có giá bán từ 2 triệu đồng trở lên, có ngày khởi hành trước 31/12.  Đối tượng của gói kích thích tiêu dùng là công dân Việt Nam mua chương trình du lịch nội địa trọn gói của các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam.

Việc hỗ trợ được thực hiện qua hình thức ban hành voucher điện tử. Các doanh nghiệp lữ hành áp dụng voucher khi khách du lịch mua chương trình du lịch. Ngân sách trung ương hoàn tiền cho doanh nghiệp lữ hành khi quyết toán thuế theo tháng.

Các doanh nghiệp được đề xuất tham gia gói hỗ trợ phải là doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế hoặc giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa được cơ quan có thẩm quyền cấp trước năm 2018 (có thòi gian hoạt động trong ngành 2 năm trở lên); số lượng khách du lịch nội địa phục vụ tối thiểu 20.000 khách/năm (căn cứ số liệu của năm 2019).

Lãnh đạo ngành du lịch dự kiến nếu triển khai, gói kích thích tiêu dùng du lịch từ ngân sách nhà nước sẽ giúp thu hút thêm 10 triệu khách du lịch nội địa, nâng tổng số người Việt Nam đi du lịch Việt Nam trong 4 tháng cuối năm 2020 lên thành 30 triệu lượt (duy trì bằng với con số năm 2019), và cả năm 2020 du lịch nội địa đạt 63 triệu lượt khách.

Ước tính một chương trình du lịch nội địa trọn gói có giá trung bình 5 triệu đồng. Vậy 10% của 5 triệu là 500.000 đồng. Nếu từ nay đến cuối năm có 10 triệu khách du lịch nội địa nhận hỗ trợ kinh phí thì số tiền nhà nước hỗ trợ khoản kinh phí là 5.000 tỷ đồng, với tổng chi phí tour ước tính cho 10 triệu khách du lịch là 50.000 tỷ đồng sẽ được đưa vào nền kinh tế và tạo gói quay vòng cho ngành du lịch...

Trung bình lãi gộp của doanh nghiệp ước chiếm 8% giá tour. Như vậy nếu lấy con số trung bình là 50.000 tỷ đồng thu được từ chi phí chương trình du lịch của khách du lịch thì ngân sách nhà nước thu về tạm tính khoảng 800 tỷ đồng.

Đồng thời, du lịch nội địa sẽ góp phần quan trọng trong việc duy trì công ăn việc làm cho 2,5 triệu lao động trực tiếp và gián tiếp trong xã hội. Doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, vận chuyển du lịch... và các hộ kinh doanh cá thể, đối tượng cung cấp dịch vụ du lịch khác duy trì hoạt động kinh doanh trong trạng thái bình thường mới, góp phần ổn định nền kinh tế.

Theo TNO
Cùng chuyên mục
Tin khác