Ngành ngân hàng Việt Nam: Tín dụng tăng cao nhưng thiếu vốn

Trang Lê - 22/11/2017 07:10 (GMT+7)

(VNF) – Theo tờ Finance Asia, tín dụng ở Việt Nam đang trên đà tăng trưởng trở lại. Liệu Việt Nam có thể áp dụng các công cụ quản lý tốt hơn để xử lý nợ xấu?

VNF
Trong 10 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng tại Việt Nam đạt 13,5%, không quá cao nếu xét trong bối cảnh chung. Nhưng trong tháng 8/2017, Chính phủ đã nâng mục tiêu tín dụng năm 2017 từ 18% lên 21%.

Tờ Finance Asia cho biết, mặc dù không đạt được mục tiêu về GDP 6,7% trong năm 2016, nhưng Việt Nam đang trên đà đạt mục tiêu GDP năm 2017 với mức tăng trưởng quý III đạt 7,5%.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, Chính phủ Việt Nam dường như đang cố gắng theo đuổi mục tiêu này bằng cách đẩy nhanh mức tín dụng lên quá cao. Trong 10 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng tại Việt Nam đạt 13,5%, không quá cao nếu xét trong bối cảnh chung. Nhưng trong tháng 8/2017, Chính phủ đã nâng mục tiêu tín dụng năm 2017 từ 18% lên 21%.

"Chính phủ đã làm rất tốt việc duy trì tốc độ tăng trưởng GDP, nhưng vì quá phụ thuộc vào con số 6,7% nên quá trình này đang bị đẩy nhanh", ông Kevin Snowball, Tổng Giám đốc của PXP Vietnam Asset Management, cho biết. "Chúng tôi lo ngại rằng tăng trưởng tín dụng quá mức có thể khiến chu kỳ kinh tế giảm trở lại giống như hồi đầu thế kỷ này".

"Tình trạng này sẽ ảnh hưởng xấu tới sự tăng trưởng ổn định trong dài hạn của nền kinh tế vĩ mô. Chúng tôi cho rằng một mốc tăng trưởng thấp hơn sẽ hợp lý, đặc biệt là hòa hợp hơn trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu cũng đang yếu đi".

Việt Nam vẫn chưa làm tốt việc xử lý hậu quả của tăng trưởng nợ quá mức.

Ông Dominic Scriven, Chủ tịch kiêm nhà sáng lập Công ty quản lý tài sản Dragon Capital, cũng đồng ý rằng năm 2017 chỉ là năm thứ hai trong quá trình tăng trưởng tín dụng kể từ khi Việt Nam thoát khỏi cuộc khủng hoảng năm 2012.

"Bây giờ, mức tăng trưởng tín dụng hiện tại vẫn ổn", ông Scriven nhận xét, "Nếu mức tín dụng leo lên 20%, chúng tôi thực sự lo ngại đến những ngành vẫn đang ổn định như xây dựng hay tài chính tiêu dùng".

Ông Dominic cho rằng mức tăng trưởng GDP đã cao hơn 6,7% bởi Chính phủ vẫn chưa thống kê chính xác khu vực tư nhân, một trong những khu vực năng động nhất của nền kinh tế.

Ông Marshall Stocker, Phó Chủ tịch quỹ Eaton, Boston khẳng định: "Tốc độ tăng trưởng tín dụng hiện nay không quá vô lý so với tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam". Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa làm tốt việc xử lý hậu quả của tăng trưởng nợ quá mức.

Thiếu vốn

Thực tế, việc duy trì mức tăng trưởng tín dụng cao không hề khó nếu ngân hàng đạt được đủ vốn tự có. Tuy nhiên, tình hình tại Việt Nam lại không được như vậy.

Chính phủ Việt Nam liên tục trì hoãn việc triển khai thực hiện Basel II và giới quan sát cũng cho rằng kế hoạch 2020 cũng sẽ chỉ nằm trên giấy.

Công ty Chứng khoán Bản Việt (VietCapital) ước tính hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) của Basel I là 12,8%, trong khi tỷ lệ nợ/GDP đã là 124%. Ngoài ra, VietCapital cũng tính rằng mức yêu cầu tái cấp vốn cho ngân hàng khi phải bán tháo tài sản vào khoảng 30 – 40 tỷ USD, tương đương 15 – 20% GDP nợ tiềm tàng.

Tỷ lệ nợ xấu (NPL) của ngân hàng hiện đang khó xác định. Con số này đã tăng đột biến do cuộc khủng hoảng năm 2012 - hệ quả từ sự sụt giảm tín nhiệm đối với các doanh nghiệp nhà nước trong công cuộc chống lại cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và khủng hoảng tại Việt Nam năm 2007.

Đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thừa nhận khoản nợ xấu cao hơn mức dự báo và đưa con số này lên 8,86%.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thừa nhận khoản nợ xấu cao hơn mức dự báo và đưa con số này lên 8,86%.

Sau cuộc khủng hoảng gần đây, Chính phủ đã thành lập Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam (Vietnam Asset Management Company – VAMC) để giải quyết các khoản nợ xấu của ngân hàng. Tuy phần nào xoa dịu được vấn đề nhưng VAMC có lượng vốn khá ít, chỉ rơi vào khoảng 2.000 tỷ đồng (100 triệu USD). Con số này dự kiến sẽ tăng lên 5.000 tỷ trong năm 2018 và 10.000 tỷ vào năm 2020.

Theo bà Natasha Ansell, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Citi: "Thị trường vốn cổ phần và nợ vẫn còn kém phát triển và mức bảo hiểm tiền gửi của Việt Nam vẫn còn nhỏ so với lượng tiền gửi tiết kiệm ngân hàng".

"Rất may, Chính phủ Việt Nam đã nhận thức được đầy đủ tình hình khó khăn hiện tại", bà Ansell nói thêm.

Chính phủ có thể giải quyết tình hình này như thế nào?

Việt Nam có 7 ngân hàng có vốn nhà nước (bao gồm 3 ngân hàng mua 0 đồng, Vietcombank, BIDV, Vietinbank và Agribank). Trong những năm gần đây, Chính phủ đã khuyến khích các ngân hàng này tìm kiếm đối tác chiến lược, nhưng điều này lại khá phức tạp bởi sự e ngại từ phía Chính phủ trong việc "tự do hóa" ngân hàng và những quan điểm khác nhau trong định giá cùng số lượng nhà đầu tư tiềm năng giảm, đặc biệt là các ngân hàng nước ngoài.

"BIDV vẫn đang cố gắng tìm kiếm một nhà đầu tư chiến lược trong nhiều năm nay", một chuyên gia trong ngành ngân hàng cho biết, "Việt Nam ngày càng thiếu những cái tên ngân hàng Nhật tiềm năng".

Ví dụ, ngân hàng Tokyo Mitsubishi hiện đang nắm 19,73% cổ phần trong VietinBank, trong khi ngân hàng Mizuho có 15% cổ phần tại Vietcombank và ngân hàng Sumitomo Mitsui có 15% cổ phần tại EximBank. Standard Chartered cũng có 15% cổ phần tại Ngân hàng Á Châu, trong khi HSBC đã bán 20% cổ phần tại Techcombank vào đầu hè năm nay.

Mối quan tâm của các ngân hàng nước ngoài ngày càng giảm do tính chất thay đổi của ngành ngân hàng toàn cầu cũng như ảnh hưởng của Fintech (công nghệ tài chính). Những hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á cũng làm cho nhiều ngân hàng đối tác nhận ra rằng những cổ phần thiểu số trong ngân hàng Việt Nam và việc chuyển giao công nghệ trong thời gian tới sẽ chỉ tạo ra những đối thủ đáng gờm trong nước.

"Các ngân hàng quốc tế ít có khả năng xem xét một khoản đầu tư nhỏ vào ngân hàng Việt do những tác động về vốn của Basel III", ông Rehan Anwer, Giám đốc điều hành phụ trách thị trường sơ khởi của Credit Suisse, nhận định.

"Mặc dù vậy, sự quan tâm từ phía khu vực quỹ đầu tư tư nhân và các quỹ quốc gia thì ngày càng lớn", ông Anwer bổ sung thêm.

Việt Nam ngày càng thiếu những cái tên tiềm năng như các ngân hàng Nhật

Tuy nhiên, những vấn đề rắc rối trong đề xuất đầu tư chiến lược vào Vietcombank của quỹ đầu tư quốc gia Singapore (GIC) càng nhấn mạnh lỗ hổng này. Cổ đông chấp thuận việc bán 7,7% cổ phần ở mức chiết khấu 30% mùa hè năm 2016. Ngân hàng Nhà nước từ chối đề nghị này với lý do giá như vậy quá rẻ. Thỏa thuận này hiện vẫn ở trong tình trạng "chờ giải quyết".

Bà Ansell cũng cho biết, Chính phủ đã nhận thức rõ ngành ngân hàng cần được tăng cường và củng cố. Bà lưu ý rằng có 31 ngân hàng thương mại cổ phần bên cạnh 7 ngân hàng quốc doanh và 2 ngân hàng liên doanh.

"Không phải tất cả ngân hàng đều có thể chứng minh được họ có một chiến lược đáng tin cậy để cạnh tranh trong môi trường số đang bùng nổ", bà Ansell cho biết, "Chính phủ Việt Nam đang cố gắng tìm ra một quy trình để giải quyết vấn đề này mà không ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung".

Giám đốc nghiên cứu của VietCapital, ông Barry Weisblatt, cũng chỉ ra một số ngân hàng yếu kém vẫn đang tăng mức nợ 15 – 20%/năm. "Ngành ngân hàng là lo ngại kinh tế vĩ mô chính của tôi. Chúng ta sẽ vẫn ổn trong một hai năm tới, nhưng về lâu dài thì rất khó nói".

Chính phủ cần đưa ra một cơ chế tốt hơn để giải quyết tỷ lệ nợ xấu (NPL). Việt Nam đang nhờ các chuyên gia quốc tế tư vấn cách thức cho phép VAMC bán những tài sản yếu kém với giá chiết khấu, bà Ansell cho biết.

"Cả nhà đầu tư trong và ngoài nước đều quan tâm nhưng các ngân hàng cần nhận ra giá trị chứng khoán, bao gồm quyền sở hữu tài sản thế chấp và khả năng bán lại", bà kết luận.

Theo Finance Asia

Cùng chuyên mục
Tin khác