Trong quá trình rà soát các dự án được triển khai trên địa bàn, tỉnh Nghệ An đã “khai tử” một số dự án tỷ USD, ưu tiên quỹ đất thu hút đầu tư các ngành công nghiệp sạch.
Gần 10 năm trước, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An (vùng Khu công nghiệp Đông Hồi thuộc Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An) được giới đầu tư biết tới là mảnh đất của các dự án triệu đô, tỷ đô. Thời điểm đó, hàng nghìn héc-ta đất nơi đây đã nhanh chóng được chuyển đổi, giải phóng mặt bằng cho các dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện, sắt xốp. Tuy nhiên, sau đó, các nhà đầu tư đã nhanh chóng tìm bến đỗ mới mà không hề “làm tổ” ở đây như kỳ vọng…
Ông Lê Tiến Trị, Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An cho biết, mới đây, UBND tỉnh Nghệ An đã thống nhất báo cáo Văn phòng Chính phủ và Bộ Công thương cho dừng thực hiện Dự án Trung tâm nhiệt điện Quỳnh Lập và đưa ra khỏi Quy hoạch điện VII, không bổ sung vào Quy hoạch điện VIII.
“Ngoài lý do dự án chậm tiến độ, tỉnh Nghệ An còn xét đến nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường (thực tế nhiều nhà máy nhiệt điện đã gây ô nhiễm môi trường) và chú trọng vấn đề phát triển bền vững (dành đất cho công nghiệp sạch và du lịch nghỉ dưỡng quốc tế)”, ông Trị cho biết.
Dự án Trung tâm điện lực Quỳnh Lập được Bộ Công thương phê duyệt quy hoạch tại Quyết định số 1359/QĐ-BCT ngày 20/3/2009, với tổng diện tích khoảng 283 ha thuộc quy hoạch Khu công nghiệp Đông Hồi. Dự án có tổng công suất lên đến 2.400 MW với 4 tổ máy, được chia thành 2 giai đoạn: Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập I và Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập II, với quy mô 1.200 MW/nhà máy.
Dự án Nhiệt điện Quỳnh Lập I đã được Chính phủ giao Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản (TKV) làm chủ đầu tư vào năm 2009, được động thổ xây dựng vào tháng 10/2015. Dự án có tổng mức đầu tư 48.516 tỷ đồng (20% của chủ sở hữu TKV và các nhà đầu tư khác, 80% còn lại đi vay).
Dự án Nhiệt điện Quỳnh Lập II được thiết kế với tổng công suất 1.200 MW, gồm 2 tổ máy, dự kiến được triển khai trên diện tích đất 171 ha và khoảng 37 ha mặt nước, tổng mức đầu tư gần 2,5 tỷ USD. Dự án được Chính phủ giao nhà đầu tư Posco Energy (Hàn Quốc) nghiên cứu phát triển. Chủ đầu tư đã cùng các đơn vị tư vấn triển khai khảo sát địa hình, địa chất và trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, chưa biết thời gian nào mới triển khai thực hiện.
Theo phản ánh của người dân, sau sự kiện động thổ Dự án Nhiệt điện Quỳnh Lập I, chủ đầu tư gần như không có động thái gì tiếp theo, quá trình giải phóng mặt bằng hiện chưa hoàn tất, điều kiện sinh sống của nhân dân vùng Dự án bị ảnh hưởng…
Trong khi đó, theo Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An, tháng 7/2010, Công ty TNHH Thép Kobe (Nhật Bản) đã phối hợp với tỉnh Nghệ An tổ chức lễ khởi công xây dựng Nhà máy Sản xuất sắt thép Kobelco tại Khu công nghiệp Đông Hồi với công suất 2 triệu tấn/năm, tổng vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD. Thời điểm đó, nhà đầu tư cam kết, sau 2 năm thi công, Nhà máy sẽ đi vào hoạt động, đáp ứng nguồn nguyên liệu sắt xốp rất lớn cho thị trường trong và ngoài nước.
Thế nhưng, 10 năm trôi qua, dự án 1 tỷ USD được khởi công rầm rộ ngày nào vẫn không thể triển khai hoàn thành các hạng mục như đã đề ra, dù các bộ, ban, ngành cùng với tỉnh Nghệ An đã nhiều lần liên hệ chủ đầu tư để bàn giải pháp tháo gỡ. Vì vậy, tháng 6/2019, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 2330/QD-UBND về việc chấm dứt hoạt động dự án này.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.