Nguy cơ lỡ cơ hội từ Mỹ: Việt Nam phải hành động càng nhanh càng tốt
(VNF) - Ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN cho rằng, Việt Nam có cơ hội làm ra các sản phẩm chiến lược trong ngành điện tử, ví dụ drone tầm gần hoặc camera an ninh kết hợp trí tuệ nhân tạo.
Lo bỏ lỡ cơ hội từ Mỹ
Các chuyên gia cho rằng, với các sự kiện phức tạp đang diễn ra trên thế giới, Việt Nam đang đứng trước cơ hội tham gia vào phân khúc chất lượng cao trong sự dịch chuyển toàn cầu. Đặc biệt là sự chuyển giao công nghệ cũng như sự hỗ trợ trong quá trình chuyển đổi xanh dựa trên đổi mới sáng tạo.
Tuy nhiên, thời cơ tận dụng những cơ hội này không kéo dài. Do đó, giới nghiên cứu cho rằng Việt Nam phải hành động càng nhanh càng tốt để đem những cơ hội này về trong nước trước khi chúng đến những quốc gia khác.
Ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN cho biết hiện nay phía Mỹ đang rất quan tâm tới việc hỗ trợ Việt Nam xây dựng năng lực sản xuất điện tử.
Theo ông Thành, trong việc triển khai đối tác chiến lược toàn diện, có một sáng kiến Delta Network, nôm na là xây dựng chuỗi cung ứng ngành điện tử và muốn thí điểm ở Việt Nam trước khi mở rộng ra các nước khác.
“Nhưng rất tiếc là phía Việt Nam chưa sẵn sàng do chưa được chuẩn bị kỹ. Sáng kiến này nằm trong việc triển khai đối tác chiến lược toàn diện do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết, nhưng chúng ta lại chưa sẵn sàng”, ông Thành nói.
Ông Thành cũng cho biết, một số doanh nghiệp chuyên làm tư vấn về chuyển giao công nghệ từ Mỹ ra nước ngoài nói rằng khách hàng chủ yếu của họ chọn Trung Quốc. Nhưng chính sách của Mỹ về công nghệ đã siết lại, nên họ không còn chuyển giao cho Trung Quốc được nữa. Tuy nhiên, nhu cầu chuyển giao công nghệ, thực chất là đặt sản xuất ở nước ngoài, vẫn còn đó, thậm chí tăng lên.
“Do đó, họ đang nhìn vào Việt Nam như một thị trường để dịch chuyển công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử. Thế mà Việt Nam chưa sẵn sàng thì chúng ta đang biến cơ hội thành thách thức”, ông Thành bày tỏ.
Theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Việt Nam đang ở một vị thế thuận lợi, có thể tranh thủ được những luồng đầu tư từ các bên dù giữa họ đang có sự cạnh tranh chiến lược với nhau, trong đó điển hình là Mỹ và Trung Quốc.
Theo ông, để tận dụng được những luồng đầu tư này, Việt Nam cần lựa chọn đối tác thuận lợi nhất cho mình và hướng tới các mục tiêu nâng cao bản thân. Ngoài ra, cần phải đề phòng sự chuyển dịch ngược trong các luồng đầu tư.
“Chuyển dịch thông thường có cả chất lượng cao và thấp. Những xu hướng chuyển dịch giảm rủi ro và đưa dây chuyền về các khu vực đồng minh thường có chất lượng cao. Tuy nhiên, cũng có những luồng đầu tư thông thường đến những phân khúc thấp hơn trong đó có hướng tới Việt Nam”, ông Vinh nói.
Theo đó, khi cạnh tranh nước lớn gia tăng, Việt Nam có thể tranh thủ được cả 2 bên, nhưng có nguy cơ có quá nhiều sản phẩm chuyển dịch sang Việt Nam, dẫn đến tình trạng sản xuất quá mức, thao túng thị trường các quốc gia khác. Trong thời gian gần đây, Indonesia đã phải đánh thuế vào hàng hóa Trung Quốc vì lo ngại những mặt hàng này tràn vào thị trường. Đây cũng là một vấn đề cần phải chú ý.
Tiếp theo, ông Vinh cũng cho rằng khung chính sách và giải quyết vấn đề thực tế của Việt Nam còn nhiều điểm nghẽn. Những điểm nghẽn trên ảnh hưởng đến các dự án đang được tiến hành và cả các dự án trong tương lai.
“Việc tranh thủ những luồng đầu tư mới và chính sách vĩ mô của Việt Nam đang rất thuận lợi, được thể hiện trong các tuyên bố và cam kết của Chính phủ. Tuy nhiên, việc đi giải quyết các vấn đề thực tế không hề đơn giản”, ông Vinh chia sẻ.
Cơ hội làm ra các sản phẩm chiến lược
Theo ông Vũ Tú Thành, Việt Nam có cơ hội làm ra các sản xuất chiến lược trong ngành điện tử. Ví dụ, ngành công nghiệp về máy bay không người lái hạng nhẹ, hay còn gọi là drone tầm gần.
“Trên thế giới không có nhiều quốc gia sản xuất được mặt hàng này, ngoài Trung Quốc. Thị trường drone tầm gần toàn cầu năm 2023 là hơn 63 tỉ USD, trong đó Trung Quốc chiếm 80%. Nhưng chúng ta biết rằng 80% đó trong tương lai sẽ không xuất khẩu được sang Mỹ khi cảm thấy đó là sản phẩm nhạy cảm và cần kiểm soát. Đấy là cơ hội cho Việt Nam”, ông Thành nói.
Chuyên gia này cũng nhấn mạnh, các kỹ sư và doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể thiết kế và sản xuất sản phẩm này. Thậm chí có doanh nghiệp có thể sản xuất mà không phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc, hoàn toàn đáp ứng tiêu chuẩn NDAA của Mỹ, tức là đạo luật quốc phòng.
“Doanh nghiệp VIệt Nam có thể vừa sản xuất và nhận đơn hàng sản xuất từ nước ngoài. Việt Nam có thể xác định sản phẩm chiến lược này”, ông Thành nêu.
Một gợi ý khác nữa của ông Thành là camera an ninh tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI). Sản phẩm này cũng hoàn toàn nằm trong khả năng của doanh nghiệp Việt.
"Việt Nam hoàn toàn có thể thay thế vào chỗ mà các nước không nhập khẩu từ Trung Quốc nữa", ông Thành nói.
Đó là 2 ví dụ mà, theo ông Thành Việt Nam có thể tạo ra không gian tăng trưởng mới.
Doanh số 1 sản phẩm công nghệ tăng 21 lần sau vụ Châu Bùi bị quay lén
'Ngắm' khu đất xây tổ hợp thương mại, văn phòng của TAH Invest tại Tây Hồ Tây
(VNF) - Dự án tổ hợp thương mại và dịch vụ kết hợp văn phòng được triển khai trên lô đất B2-CC4 thuộc Khu đô thị Tây Hồ Tây dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2027.