Nhà đầu tư ngoại thêm cửa bỏ vốn vào bán lẻ xăng dầu: Miếng bánh thị phần sẽ thay đổi

Thế Hải - 19/07/2020 21:41 (GMT+7)

Bộ Công thương đang đề xuất mở rộng cửa cho nhà đầu tư ngoại tham gia sâu hơn vào thị trường bán lẻ xăng dầu.

VNF
Trước nay, kinh doanh xăng dầu gần như là vùng dành riêng cho doanh nghiệp trong nước.

Mở rộng vùng cấm địa

Nếu Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề xuất cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia nhiều hơn vào thị trường bán lẻ xăng dầu mà Bộ Công thương đưa ra, thị trường xăng dầu trong nước chắc sẽ có thay đổi đáng kể, cả ở chất lượng và số lượng.

Theo Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 9/3/2014 về kinh doanh xăng dầu, ngoài các thương nhân kinh doanh xăng dầu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, thương nhân kinh doanh xăng dầu được quyền chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, nhưng không quá 35%.

“Kinh doanh xăng dầu là hoạt động kinh doanh có điều kiện, doanh nghiệp trong nước tiếp tục giữ chi phối, nhưng sửa đổi tới đây cho phép thu hút thêm một phần vốn của nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này”, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết.

Trước nay, kinh doanh xăng dầu gần như là vùng dành riêng cho doanh nghiệp trong nước. Tỷ lệ các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này có, nhưng ở quy mô nhỏ lẻ. Ví như JX Nippon Oil & Enegry, Tập đoàn năng lượng số 1 của Nhật Bản cũng mới sở hữu khoảng 8% vốn tại Petrolimex...

Idemitsu Q8 (IQ8) - Công ty liên doanh giữa Kuwait International Petroleum của Kuwait và Idemitsu Kosan của Nhật Bản hiện là tên tuổi duy nhất đến thời điểm này được cấp phép gia nhập thị trường bán lẻ xăng dầu.

Trạm xăng dầu 100% vốn đầu tư nước ngoài đầu tiên được Idemisu Q8 khai trương vào năm 2017, tại Khu công nghiệp Thăng Long Hà Nội. Đến nay, IQ8 đã có 4 trạm, gần đạt mục tiêu cán mốc 5 trạm bán lẻ xăng dầu trong năm 2020.

Trước Idemitsu Kosan, Tập đoàn Total (Pháp) đã xuất hiện tại thị trường bán lẻ xăng dầu Việt Nam từ những năm 1990, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực khí hoá lỏng, dầu nhờn và xăng dầu. Tuy nhiên, hình thức vận hành của Total là nhượng quyền thương hiệu và sau gần 20 năm hoạt động, Total vẫn chưa thể chen chân vào bất kỳ vị trí nào trong bản đồ thị phần bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam.

Đại diện một doanh nghiệp FDI đã góp vốn trong một liên doanh thăm dò dầu khí tại Việt Nam thừa nhận, khó khăn trong tuân thủ điều kiện đầu tư, thủ tục hành chính… khiến sân chơi này càng hẹp hơn với nhà đầu tư ngoại. Chưa kể, thị trường đã có sự phân chia trước đó với lợi thế nghiêng về doanh nghiệp trong nước.

Miếng bánh có thể chia lại

Mở rộng vùng cấm địa trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ xăng dầu tới các nhà đầu tư nước ngoài có thể làm miếng bánh thị phần được chia lại.

JX Nippon Oil & Enegry đã bày tỏ mong muốn tăng tỷ lệ sở hữu tại Petrolimex lên 20%. Idemisu Q8 từng nói về kế hoạch mở rộng nhanh hơn các trạm bán lẻ của mình. Trong phương án cổ phần hóa, PVOil cũng đặt mục tiêu tăng mức sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài tới 35%...

Sẽ còn có thêm nhiều gương mặt tham gia thị trường này.

Thực tế, sau hơn 5 năm ban hành và triển khai, Nghị định số 83/2014/NĐ-CP là cơ sở pháp lý để Liên bộ Công thương – Tài chính điều hành thị trường xăng dầu trong nước, bảo đảm nguồn cung phục vụ sản xuất, tiêu dùng, góp phần kiểm soát lạm phát, tạo sự bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Nhưng tình hình thay đổi khá nhiều so với khi Nghị định được ban hành.

Thứ nhất, hiện nguồn cung từ sản xuất trong nước chiếm 70-75% tổng nguồn cung, nên công thức tính giá cơ sở dựa trên số liệu từ nguồn nhập khẩu không còn phù hợp. Chưa kể, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do với các cam kết khác nhau về ưu đãi thuế quan dẫn đến thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu từ các thị trường, khu vực khác nhau có thể khác nhau.

Thứ hai, sau quá trình cổ phần hóa, nhằm thu hút nguồn vốn để nâng cao năng lực tài chính đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, được sự cho phép của Chính phủ, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước đã có nhà đầu tư nước ngoài tham gia.

Do đó, Ban soạn thảo cho biết, việc mở cửa rộng hơn cho nhà đầu tư nước ngoài là phù hợp. Tuy nhiên, Dự thảo Nghị định đã cân nhắc kỹ và đưa ra mức giới hạn cổ phần chuyển nhượng là 35%.

Với tỷ lệ này, nhà đầu tư vẫn  thấy sự hấp dẫn cho khoản đầu tư của mình, giúp doanh nghiệp trong ngành thu hút được vốn, công nghệ kỹ năng quản trị từ các nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng, tỷ lệ trên cũng giới hạn được mức độ can thiệp vào hoạt động kinh doanh của nhà đầu tư ngoại với doanh nghiệp trong nước, nhất là không để họ có quyền phủ quyết trong các quyết định quan trọng của doanh nghiệp.

Điều này có nghĩa là miếng bánh thị phần trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ xăng dầu có thể chia lại, nhưng ưu thế có lẽ vẫn nằm ở các doanh nghiệp vốn đã nắm được miếng bánh lớn. Cũng có nghĩa, các doanh nghiệp này sẽ trở thành mục tiêu được săn đón của nhà đầu tư quan tâm đến thị trường bán lẻ xăng dầu của Việt Nam.

Theo Đầu tư
Cùng chuyên mục
Tin khác