Nhật Bản cho phép người nước ngoài làm việc tại nhà máy Fukushima 1

Ngọc Hà - 18/04/2019 21:18 (GMT+7)

Các lao động nước ngoài có thể tham gia các công việc như dọn dẹp và cung cấp thực phẩm tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, vốn bị ngừng hoạt động từ sau thảm họa động đất và sóng thần năm 2011.

VNF
Tổ máy số 4 của nhà máy điện hạt nhân Fukushima, ở Okuma, tỉnh Fukushima, Nhật Bản, ngày 31/1/2018

Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) ngày 18/4 thông báo kế hoạch cho phép người nước ngoài làm việc tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, vốn bị ngừng hoạt động kể từ sau thảm họa động đất và sóng thần hồi năm 2011 kéo theo việc rò rỉ phóng xạ.

Theo TEPCO, các lao động nước ngoài sẽ làm việc tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima theo chương trình thị thực mới vừa được áp dụng hồi đầu tháng nhằm đối phó với tình trạng thiếu hụt lao động tại Nhật Bản.

Các lao động nước ngoài có thể tham gia các công việc như dọn dẹp và cung cấp thực phẩm tại nhà máy này.

Để ngăn chặn việc phơi nhiễm phóng xạ, TEPCO cho biết các lao động nước ngoài làm việc tại đây buộc phải nắm vững tiếng Nhật đủ để có thể hiểu chính xác các nguy cơ cũng như thực hiện đúng theo quy trình và yêu cầu.

Tại những khu vực bị kiểm soát nồng độ phóng xạ, người lao động sẽ phải mang theo dụng cụ đo lượng bức xạ. Trung bình mỗi ngày có khoảng 4.000 lao động làm việc cho các nhà thầu phụ của TEPCO tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1.

TEPCO cho biết đã thông báo với Bộ Tư pháp Nhật Bản về việc các lao động nước ngoài có thị thực theo chương trình mới sẽ được phép làm việc tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1.

Hiện TEPCO cũng đang cân nhắc cho phép lao động nước ngoài làm việc tại Nhà máy điện hạt nhân Kashiwazaki-Kariwa thuộc tỉnh Niigata.

Kể từ ngày 1/4, Nhật Bản đã triển khai hệ thống thị thực mới nhằm thu hút thêm lao động nước ngoài. Theo đó, lao động nước ngoài từ 18 tuổi trở lên sẽ được tiếp nhận theo hai loại thị thực.

Loại số 1 đòi hỏi người lao động có trình độ học vấn và kinh nghiệm nhất định, trong khi loại số 2 dành cho nhóm có kỹ năng làm việc cao hơn.

Để được cấp thị thực loại 1, có hiệu lực tới 5 năm, người lao động phải chứng minh có khả năng giao tiếp cơ bản bằng tiếng Nhật thông qua các bài kiểm tra tiếng Nhật. Những người đã trải qua chương trình tu nghiệp sinh kỹ thuật kéo dài hơn 3 năm có thể đăng ký xin thị thực loại này mà không cần phải thực hiện các bài kiểm tra.

Tuy nhiên, những người lao động trong nhóm này sẽ không được phép đưa gia đình tới Nhật Bản.

Trong khi đó, loại 2 có khung yêu cầu cao hơn, theo đó người lao động phải vượt qua bài kiểm tra kỹ năng cấp độ cao hơn. Tuy nhiên, những người này được phép đưa gia đình đi cùng, số lần gia hạn thị thực cũng không bị hạn chế, từ đó mở ra cơ hội định cư tại Nhật Bản.

Nhật Bản hy vọng hệ thống thị thực mới mà nước này áp dụng sẽ thu hút khoảng 350.000 lao động nước ngoài, làm việc trong 14 lĩnh vực đang thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng, trong đó có xây dựng, nông nghiệp và chăm sóc người già, trong 5 năm tới.

Theo TTXVN
Cùng chuyên mục
Tin khác