Nhẹ gánh nợ xấu, TPBank trở lại đường đua lợi nhuận

Kình Dương - 23/10/2017 14:43 (GMT+7)

(VNF) - Với TPBank, dường như đã đến thời điểm ngân hàng này có thể "bung" hết sức cho cuộc đua lợi nhuận.

VNF
TPBank đang tiến gần hơn đến đích lợi nhuận nghìn tỷ trong năm nay

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2017. Điểm nhấn lớn nhất trong báo cáo có thể thấy ngay là việc lợi nhuận của ngân hàng này tăng rất mạnh, cả trong quý III lẫn trong 9 tháng đầu năm 2017.

Xét riêng quý III, lợi nhuận trước thuế của TPBank đạt mức 323 tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ năm ngoái. Còn trong 9 tháng đầu năm, tổng lợi nhuận trước thuế là 806 tỷ đồng, gấp 2,3 lần cùng kỳ.

Sự khởi sắc rõ rệt trong hoạt động kinh doanh cốt lõi tín dụng – đầu tư là nguyên nhân. Hoạt động này đem về 2.203 tỷ đồng thu nhập lãi thuần trong 9 tháng đầu năm 2017, tăng tới 54% so với cùng kỳ.

Một số hoạt động kinh doanh khác cũng đang trong xu hướng đi lên ấn tượng. Chẳng hạn như mảng dịch vụ đem về 126 tỷ đồng lãi thuần trong 9 tháng đầu năm nay, gấp đôi cùng kỳ. Hay mảng mua bán chứng khoán đầu tư đem về 173 tỷ đồng lãi thuần, gấp 6,4 lần cùng kỳ.

Ghi nhận lợi nhuận cao trên sổ sách đối với nhiều ngân hàng không phải là điều quá khó, nhưng để ghi nhận lợi nhuận cao một cách thực chất, cùng với đó là duy trì mức tăng lợi nhuận khá trong thời gian dài thì không dễ dàng. Trường hợp lợi nhuận không thực chất thường xảy ra tại các ngân hàng có nợ xấu lớn, nhưng lại không trích lập dự phòng đúng quy định.

Với TPBank, dường như đã đến thời điểm ngân hàng này có thể "bung" hết sức cho cuộc đua lợi nhuận thực chất.

Nợ xấu, mối nhức nhối dai dẳng cách đây 6 năm khi TPBank lọt vào nhóm 9 ngân hàng yếu kém, đến nay đã thôi ám ảnh ngân hàng này. Tính đến hết ngày 30/9/2017, nợ xấu nội bảng của TPBank ở mức 514 tỷ đồng, chỉ chiếm 0,9% dư nợ tín dụng. Nếu tính cả nợ xấu tại VAMC và DATC, tỷ lệ nợ xấu cũng chỉ 1,9%, thấp hơn nhiều ngưỡng quy định 3% của Ngân hàng Nhà nước.

Với tình hình nợ xấu hiện tại, TPBank hoàn toàn có thể tiếp bước Vietcombank và Techcombank mua lại toàn bộ nợ xấu tại VAMC.

Trước mắt, nhiều khả năng TPBank sẽ đạt mức lợi nhuận nghìn tỷ trong năm nay và duy trì tăng trưởng nhanh trong một vài năm tới. Tuy nhiên, ở ngân hàng này vẫn còn một yếu điểm làm cản trở đà tăng bền vững, đó là vấn đề huy động vốn.

Thời điểm trước năm 2012, hệ thống ngân hàng phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn đi mượn của nhau. Tuy nhiên, việc vay mượn chéo này sau đó trở thành một trong những nguyên nhân chính dẫn đến khủng hoảng tại nhiều ngân hàng và hầu hết ngân hàng đến nay đã đưa lượng vay mượn chéo về mức không còn phụ thuộc.

TPBank là ngân hàng hiếm hoi hiện vẫn còn phụ thuộc vào nguồn vốn đi mượn từ ngân hàng khác.

Tính đến hết ngày 30/9/2017, tiền gửi và vay các tổ chức tín dụng của TPBank lên đến 43.696 tỷ đồng, trong khi tiền gửi khách hàng – nguồn vốn huy động mang tính cốt lõi và bền vững – chỉ nhỉnh hơn nguồn vốn đi mượn trên khoảng 15.000 tỷ, hiện ở mức 58.903 tỷ đồng.

Dư nợ tín dụng của TPBank hiện là 56.708 tỷ đồng, nghĩa là gần như toàn bộ nguồn vốn huy động từ khách hàng (58.903 tỷ đồng) đã được tài trợ cho hoạt động tín dụng, cũng nghĩa là các hoạt động khác của TPBank phụ thuộc hầu hết vào nguồn vốn đi mượn từ các ngân hàng khác.

Bên cạnh việc dồn lực cho cuộc đua lợi nhuận, việc gia tăng nguồn vốn huy động từ khách hàng, giảm dần nguồn vốn đi mượn từ các ngân hàng khác cũng là điều TPBank cần tiến hành sớm.

Cùng chuyên mục
Tin khác