Nhiều bộ cùng quản giá điện: Bộ Công Thương muốn nhưng 'không thể'

Huyền Trang - 17/03/2024 23:59 (GMT+7)

(VNF) - Theo các quy định của luật thì Bộ Công Thương là cơ quan “đầu mối” chịu trách nhiệm về những liên quan đến điện và năng lượng điện nói chung. Không nên có một cơ chế ngang, quá nhiều bộ ngành can thiệp để giải quyết cùng một vấn đề.

Lo ngại EVN lạm quyền

Bộ Công Thương vừa có tờ trình báo cáo Thủ tướng về dự thảo sửa đổi Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.

Điểm đáng chú ý trong dự thảo lần này là hướng đến rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện từ 6 tháng xuống 3 tháng. Đồng thời, đề xuất Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được quyền quyết định tăng hoặc giảm giá điện ở mức dưới 5% và mỗi năm có thể tăng tới 4 lần.

Điều này khiến dư luận lo ngại EVN sẽ lạm quyền khi dự thảo mới trao thêm cho EVN thẩm quyền như vậy.

Đề xuất Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được quyền quyết định tăng hoặc giảm giá điện ở mức dưới 5% và mỗi năm có thể tăng tới 4 lần.

Nhận định về vấn đề này, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam Nguyễn Tiến Thỏa cho biết, trong quy định về chính sách giá điện của Luật Điện lực thì "giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước…". Vì thế, việc rút ngắn thời gian giữa các lần điều chỉnh giá là điều cần thiết. Điều này giúp các nhân tố hình thành giá điện sẽ phản ánh kịp thời hơn, sát hơn với sự biến động của thị trường.

Bên cạnh đó, rút ngắn thời gian điều chỉnh giá cũng là bước chuẩn bị điều kiện cần thiết để vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, tạo ra môi trường để giá có lên có xuống theo tín hiệu thị trường.

Cùng với việc rút ngắn thời gian điều chỉnh giá, ông Thỏa cho rằng, dự thảo mới vẫn giữ như quyết định Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg  là trao quyền cho EVN được điều chỉnh giá tăng từ 3 - 5%, là phù hợp với quy định của Luật Điện lực (khoản 4 Điều 29), nhằm đảm bảo quyền tự quyết định giá mua, giá bán điện trong khung giá, cơ cấu biểu giá điện do Nhà nước quy định.

Còn về câu chuyện lạm quyền mà dư luận lo ngại thì theo ông Thỏa, chúng ta đừng quá lo ngại việc này, bởi quy định là vậy nhưng EVN không phải "muốn làm gì thì làm", mà dự thảo quyết định đã quy định khá chặt chẽ cơ chế tiền kiểm và hậu kiểm việc điều chỉnh giá của EVN.

Theo đó, EVN phải báo cáo chi phí sản xuất điện cho Bộ Công Thương sau khi đã được kiểm toán và công bố công khai kết quả kiểm tra chi phí sản xuất điện; sau đó, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra xem xét tính toán của EVN.

“Nếu phát hiện sai sót thì Bộ Công Thương yêu cầu EVN dừng điều chỉnh hoặc hoặc điều chỉnh lại giá bán điện. Trường hợp giá bán điện cần điều chỉnh giảm mà EVN không làm thì Bộ Công Thương có trách nhiệm yêu cầu EVN thực hiện…”, ông Thoả chia sẻ.

Không để quá nhiều bộ ngành can thiệp, giải quyết cùng một vấn đề

Liên quan đến vấn đề quản lý và chịu trách nhiệm về điều chỉnh giá điện. Đề xuất mới đây của Bộ Công Thương đã gây tranh cãi, khi Bộ này đưa thêm trách nhiệm của các Bộ liên quan. Trong đó, Bộ Tài chính giữ vai trò là cơ quan "quản lý nhà nước về giá"; Tổng cục thống kê đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá điện đến kinh tế vĩ mô (EVN cung cấp số liệu); còn các Bộ, cơ quan liên quan phối hợp theo "chức năng, nhiệm vụ”. 

Về vấn đề này, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam đã bày tỏ sự không đồng tình với đề xuất của Bộ Công Thương khi các quy định này cần được cân nhắc trên cơ sở rà soát lại chức năng nhiệm vụ của các bộ, ngành.

Các chuyên gia cho rằng không nên để cho các bộ ngành cùng quản vấn đề gía điện.

Ông Thỏa cho rằng, trước hết phải khẳng định, theo quy định của Luật Điện lực thì công tác quản lý, điều tiết về giá điện là nhiệm vụ chính của Bộ Công Thương. Bộ Công Thương phải là cơ quan chủ trì, vì Bộ này là cơ quan quản lý Nhà nước về giá điện, còn quản lý Nhà nước về giá nói chung của Luật Giá năm 2023 thuộc nhiệm vụ của Chính phủ, với quy định “Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về giá, thẩm định giá” và Bộ Tài chính chỉ là “cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về giá, thẩm định giá”, được quy định tại điều 12, Luật Giá.

Do đó, không thể quy định “Bộ Tài chính có trách nhiệm với Bộ Công Thương thực hiện quyết định này với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về giá”.

Cũng theo Luật Giá năm 2023 thì “giá điện và giá các dịch vụ về điện được thực hiện theo quy định của pháp luật về điện”. Vì thế, Điều 31, Luật Điện lực hiện hành quy định Bộ Tài chính thực hiện chức năng phối hợp với Bộ Tài chính việc gì thì thực hiện đúng việc đó.

Đối với Tổng cục Thống kê cũng vậy, cơ quan này cũng không có nhiệm vụ là cơ quan chính, chủ trì trong việc tính toán, đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá điện từng mặt hàng, mà chỉ là cơ quan phối hợp cung cấp những chỉ tiêu, tiêu chí cần thiết giúp bộ, ngành tự tính toán, đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá trình Chính phủ quyết định.

Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho rằng, càng nhiều cơ chế hội đồng phối hợp ngang thì càng rắc rối và không có “đầu mối” chịu trách nhiệm cụ thể.

“Không nên có một cơ chế ngang, quá nhiều bộ ngành can thiệp để giải quyết cùng một vấn đề. Chúng ta vẫn áp dụng cơ chế xin ý kiến và trao đổi giữa các bộ ngành có liên quan nhưng bộ ngành nào phụ trách mảng việc gì thì phải tự chịu trách nhiệm và chịu trách nhiệm từ trên xuống dưới một cách thống nhất”, ông Việt nhân mạnh.

Theo ông Việt, Bộ Công Thương phải là cơ quan “đầu mối” chịu trách nhiệm về những liên quan đến điện và năng lượng điện nói chung. Về các cơ chế phối hợp thì trong các thể chế chính sách của Việt Nam, đặc biệt là Luật Tổ chức Chính phủ đã quy định rõ. Về nguyên tắc trách nhiệm thì các bộ ngành đều phải phối hợp với nhau để triển khai công việc một cách trôi chảy.

Cùng chuyên mục
Tin khác