Những doanh nghiệp 'sống khỏe' trong đại dịch

Hồng Hạnh - 02/05/2020 13:41 (GMT+7)

Nhiều doanh nghiệp Mỹ trong lĩnh vực trực tuyến vẫn "ăn nên làm ra" cho dù có rất nhiều doanh nghiệp bên bờ vực phá sản vì tác động của dịch COVID-19.

VNF
Robot giao hàng của công ty Starship Technologies được giới thiệu tại Triển lãm ô tô ở Washington, DC., Mỹ ngày 26/1/2017. Ảnh: AFP/ TTXVN

Bất chấp dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vẫn tiếp tục hoành hành tại Mỹ, tâm dịch của thế giới với 879.430 ca nhiễm và gần 50.000 ca tử vong (số liệu của worldometers.info tính đến 10h ngày 24/4 theo giờ Việt Nam), nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực trực tuyến của nước này vẫn "ăn nên làm ra", trái ngược với con số kỷ lục 26,4 triệu người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong 5 tuần qua.

Doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) chuyên về giao hàng Instacart ngày 23/4 cho biết đang tuyển thêm 250.000 nhân viên để đáp ứng nhu cầu gia tăng mạnh trong bối cảnh xã hội chịu tác động của các biện pháp cách ly, giãn cách để tránh dịch bệnh lây lan.

CEO và nhà sáng lập, Apoorva Mehta cho biết Instacart đã trở thành một dịch vụ thiết yếu với hàng triệu gia đình: "Chỉ qua một đêm, chúng tôi trở thành dịch vụ cần thiết cho hàng triệu người và đội ngũ của chúng tôi đang làm việc không biết mệt mỏi để đưa ra sản phẩm mới nhằm tăng tốc độ dịch vụ và mở thêm nhiều lựa chọn giao hàng cho khách".

Với mô hình sử dụng nhân viên độc lập để mua và giao hàng, Instacart, có trụ sở tại San Francisco, cũng đã thông báo nhiều biện pháp an toàn mới cho người lao động trong bối cảnh xuất hiện làn sóng phản đối liên quan đến những nguy cơ sức khỏe đối với người giao hàng.

Instacart cho biết đã lấp đầy 300.000 vị trí mới mà doanh nghiệp này đăng tuyển trong tháng qua, nâng tổng số nhân viên giao hàng độc lập lên khoảng 500.000 người. Ngoài ra, quy mô công ty cũng đã mở rộng tới 500% trong một năm qua, với số đơn hàng tăng trung bình 35%.

Theo thông báo của Instacart, doanh nghiệp này sẽ tập trung vào việc phân bổ cộng đồng giao hàng ở các khu vực trọng điểm có nhu cầu cao nhất hiện nay, như California, Massachusetts, New York, Pennsylvania, Washington và Toronto.

Chiến lược của Instacart được đưa ra sau khi có thông tin cho rằng khoảng 26 triệu khách hàng Mỹ đã phải xin trợ cấp thất nghiệp trong những tuần qua do lệnh phong tỏa chống dịch bệnh COVID-19 và các cửa hiệu tạp hóa được xem là nơi có nguy cơ phát tán dịch bệnh nhất.

Các ông lớn như Amazon, Walmart và nhiều doanh nghiệp khác cũng đang tuyển thêm một đội ngũ lớn nhân viên giao hàng và lưu kho.

Trong khi đó, lượng người dùng ứng dụng hội nghị trực tuyến Zoom đã tăng thêm 50% lên 300 triệu khách hàng trong 3 tuần qua, dù vấp phải nhiều chỉ trích liên quan đến vấn đề an ninh và bảo mật đã khiến nhiều chính phủ và doanh nghiệp cấm ứng dụng này. 

Giá cổ phiếu của Zoom, vốn đã tăng gần 5 lần từ khi công ty ra mắt vào tháng 3 năm ngoái, hôm 23/4 đã vọt lên 12% để đạt mức kỷ lục 168,24 USD.

Trong bối cảnh hàng triệu người trên toàn cầu phải chấp hành lệnh phong tỏa phòng chống dịch bệnh COVID-19, nhu cầu với những nền tảng học tập và làm việc trực tuyến như Zoom, Skype hay Microsoft's Teams đã tăng vọt. 

Zoom đã chỉ định cựu Giám đốc an ninh của Facebook Alex Stamos và nhiều chuyên gia khác khắc phục những vấn đề về an toàn và quyền riêng tư.

Theo TTXVN
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.