Những hãng hàng không châu Á bị thiệt hại nặng vì dịch COVID-19

Đào Tùng - 12/03/2020 09:18 (GMT+7)

Sự sụt giảm mạnh về số lượng hành khách do sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có thể là bài kiểm tra về sự tồn tại trong dài hạn của một số hãng hàng không châu Á.

Hành khách đeo khẩu trang phòng dịch tại sân bay. Ảnh: AFP

Theo tờ Nikkei Asia Review, các hãng hàng không dễ bị tổn thương nhất là những hãng phụ thuộc nặng nề vào thị trường Trung Quốc như Cathay Pacific Airways của Hong Kong (Trung Quốc), AirAsia Group của Malaysia, Scoot của Singapore, Philippine Airlines và Garuda Indonesia.

Trong báo cáo phân tích gần đây, công ty nghiên cứu hàng không Centre for Aviation (CAPA) dự báo tác động của dịch COVID-19 đối với các hãng hàng không "là đột ngột và tiêu cực" khi mà dịch bệnh có thể sẽ tác động nghiêm trọng tới các thời điểm cao điểm về đi lại bằng đường hàng không như kỳ nghỉ lễ Phục Sinh vào tháng Tư tới.

Theo CAPA, số lượng ghế đặt trước trên các chuyến bay quốc tế ở Trung Quốc đã giảm gần 80% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi số lượng ghế đặt trước trên các chuyến bay nội địa cũng giảm gần 60%. Tỷ lệ đặt chỗ trên các chuyến bay ở Singapore cũng giảm mạnh, từ 1,75 triệu ghế tháng 2/2019 xuống còn 1,35 triệu ghế. Tình hình ở Nhật Bản và Malaysia cũng không khá hơn khi số lượng ghế trên các chuyến bay quốc tế ở Nhật Bản giảm 20% và ở Malaysia giảm khoảng 10%.

Hàn Quốc có thể sẽ là một trong những nước bị tác động tồi tệ nhất của dịch COVID-19 khi mà số lượng ghế trên các chuyến bay quốc tế ở nước này giảm 20%, nhưng có lẽ giai đoạn tồi tệ nhất vẫn còn ở phía trước.

Ông Peter Harbison, Chủ tịch danh dự của CAPA, nói: "Trong bối cảnh virus SARS-CoV-2 đang lây lan ra khắp toàn cầu, có khả năng xảy ra hiệu ứng boomerang khi Trung Quốc có thể khống chế được dịch COVID-19, nhưng các quốc gia ở đầu còn lại trên các tuyến hàng không ở châu Á lại bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh này, và điều này sẽ làm chậm quá trình hồi phục của ngành hàng không. Tình trạng suy thoái kinh tế có thể sẽ khiến vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn".

Cathay Pacific – hãng hàng không hàng đầu của Hong Kong – là một trong số những hãng hàng không bị thiệt hại nặng nề nhất ở châu Á do hãng này phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc, với khoảng 1/5 trong tổng số chuyến bay của Cathay Pacific là hướng tới Trung Quốc Đại lục. Trong tháng Ba, Cathay Pacific đã hủy bỏ 3/4 số chuyến bay hàng tuần.

Ivan Su, một chuyên gia phân tích tại Morningstar, dự báo Cathay Pacific sẽ báo lỗ trong năm 2020 khi dịch COVID-19 có thể khiến lợi nhuận của hãng giảm tới 9%. Thiệt hại sẽ lớn hơn nếu dịch bệnh tiếp tục lây lan sang các thị trường quan trọng khác.

Ngay cả khi dịch bệnh này đã được khống chế, tình trạng bất ổn kéo dài ở Hong Kong sẽ tiếp tục phủ bóng đen lên triển vọng của hãng này. Ông Su nói: "Chỉ cần một sự sụt giảm nhẹ về nhu cầu đi lại có thể ảnh hưởng lớn tới lợi nhuận của Cathay Pacific".

Một hãng hàng không khác cũng đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn là AirAsia – hãng hàng không giá rẻ hàng đầu của châu Á. AirAsia đã phải tạm ngừng khai thác các chuyến bay tới các thị trường trọng điểm ở khắp khu vực, trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, AirAsia đã bị lỗ 384,5 triệu ringgit (92 triệu USD) trong quý IV/2019.

Đáng chú ý, lỗ ròng của AirAsia X – công ty con quản lý các chuyến bay đường dài của AirAsia – đã tăng từ 88,1 triệu ringgit trong quý IV/2018 lên 95,8 triệu ringgit trong quý IV/2019. Doanh số bán vé của AirAsia X tới các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia đã giảm mạnh do dịch COVID-19.

Theo chuyên gia Adam Mohamed Rahim của tổ chức MIDF Research, các chuyến bay tới Trung Quốc chiếm từ 25% đến 45% trong tổng số các chuyến bay của AirAsia X, trong khi tỷ lệ này đối với thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản là 40%.

Trong báo cáo nghiên cứu mới đây, chuyên gia Rahim cho rằng để đối phó với dịch COVID-19, AirAsia X có kế hoạch hủy các đường bay không có lợi nhuận như Thiên Tân, Lan Châu (Trung Quốc) và Jaipur (Ấn Độ). Ban lãnh đạo hãng cũng cho biết hơn 600 chuyến bay trên 8 đường bay sẽ bị hủy trong tháng 3/2020.

Tình hình của Malaysia Airlines – đối thủ của AirAsia – cũng không khá hơn. Với hơn 3 triệu lượt du khách Trung Quốc tới Malaysia năm ngoái và việc Malaysia đặt mục tiêu thu hút 30 triệu lượt du khách quốc tế trong năm nay, Malaysia Airlines có thể cũng phải chứng kiến sự sụt giảm mạnh về lượng đặt vé.

Trong khi đó, Philippine Airlines đang chuẩn bị cho cú sốc lớn về tài chính do các lệnh hạn chế về đi lại để đối phó với COVID-19. Hãng hàng không hàng đầu của Philippines đã rơi vào tình trạng thua lỗ kể từ năm 2017, với mức lỗ trong năm ngoái lên tới 208 triệu USD. Cuối tuần trước, hãng đã sa thải 300 nhân viên mặt đất. Philippine Airlines dự báo tình hình sẽ trầm trọng hơn do các lệnh hạn chế đi lại và việc tạm ngừng khai thác các chuyến bay tới những khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Phát ngôn viên Cielo Villaluna của Philippine Airlines cho biết, hãng đã hủy 69 chuyến bay hàng tuần tới Trung Quốc, trong đó có Hong Kong và Macau, và 17 chuyến bay hàng tuần tới Hàn Quốc. Để bù đắp cho sự sụt giảm về doanh thu, hãng đang nghiên cứu một số đường bay mới tới Perth (Australia) và Kota Kinabalu và Manado (Indonesia).

Mặc dù không ở trong tình trạng khó khăn như Philippine Airlines, nhưng các hãng hàng không ở Indonesia cũng đang bị tác động mạnh bởi dịch bệnh. Các hãng này đã phải tạm ngừng khai thác các chuyến bay tới hai điểm đến hàng đầu ở nước ngoài là Trung Quốc và Saudi Arabia.

Bộ Giao thông Indonesia đã cấm tất cả các chuyến bay từ/đến Trung Quốc và quyết định này đã tác động tới 5 hãng hàng không trong nước, gồm hãng hàng không quốc gia Garuda Indonesia, Citilink - công ty con chuyên điều hành các đường bay giá rẻ của Garuda Indonesia, Lion Air - hãng hãng không tư nhân lớn nhất Indonesia, Batik Air – công ty con của Lion Air, và Sriwijaya Air.

Tình cảnh trở nên khó khăn hơn với các hãng này khi Saudi Arabia cấm du khách đến từ 16 quốc gia, trong đó có Indonesia, nhập cảnh vào nước này.

Faik Fahmi, Chủ tịch Angkasa Pura I, một doanh nghiệp quốc doanh đang quản lý 15 sân bay ở Indonesia, nói: "Hiện có khoảng 35 chuyến bay/ngày từ Bali tới Trung Quốc với khoảng 6.800 lượt khách. Theo tính toán của chúng tôi, dịch bệnh có thể gây thiệt hại cho chúng tôi khoảng 40 tỷ rupiah (2,8 triệu USD)/tháng".

Ông Mitra Piranti, Phó Chủ tịch Garuda Indonesia, cho biết hãng đã giảm các chuyến bay nối Indonesia và Singapore từ 9 chuyến/ngày xuống còn 3-5 chuyến. Các chuyến bay tới Seoul và Hong Kong cũng bị cắt giảm. Tần suất các chuyến bay có thể sẽ được điều chỉnh tùy theo tình hình thị trường.

Theo TTXVN
Cùng chuyên mục
Tin khác