Những ngân hàng Mỹ hàng đầu rời Nga: Goldman Sachs, JPMorgan tiên phong

Quỳnh Anh - 11/03/2022 12:25 (GMT+7)

(VNF) - Ngày 10/3, Goldman Sachs Group Inc (GS.N) và JPMorgan Chase & Co (JPM.N) ra thông báo ngừng hoạt động kinh doanh ở Nga, trở thành những ngân hàng lớn đầu tiên của Mỹ rút lui sau Nga thực hiện chiến dịch quân sự tại Ukraine.

VNF
Goldman Sachs và JPMorgan là những ngân hàng Mỹ đầu tiên rời Nga.

"Goldman Sachs đang kết thúc dần hoạt động kinh doanh của mình ở Nga để tuân thủ các yêu cầu cấp phép và quy định", ngân hàng gửi thông báo qua email cho khách hàng.

Thay vì kết thúc hoạt động ngay lập tức và rút khỏi Nga, ngân hàng Mỹ sẽ kết thúc các hoạt động kinh doanh theo quy trình để tránh các tổn thất về vật chất, Reuters đưa tin.

Được biết, ngân hàng có khoảng 80 nhân viên ở Moscow. Sau cuộc tấn công của Nga vào Ukraine từ tháng trước, khoảng một nửa số nhân viên của Goldman Sachs tại đây bắt đầu chuyển qua Dubai. Trong khi đó, người đứng đầu ngân hàng tại Nga được cho là vẫn ở lại Moscow.

Theo báo cáo hàng năm, Goldman Sachs tiết lộ khoản tín dụng dành cho Nga vào khoảng 650 triệu USD.

Sau thông báo, cổ phiếu của Goldman Sachs giảm 2,8% xuống 325,97 USD trong phiên giao dịch giữa ngày 10/3.

Cùng ngày, ngân hàng JPMorgan tuyên bố đã tích cực gỡ bỏ hoạt động kinh doanh tại Nga và sẽ không theo đuổi bất kỳ hoạt động kinh doanh mới nào tại quốc gia này, nhằm tuân thủ theo chỉ thị từ các chính phủ trên thế giới.

Các hoạt động hiện tại sẽ được hạn chế và JPMorgan sẽ giúp các khách hàng toàn cầu giải quyết và hoàn tất các nghĩa vụ tồn tại từ trước.

Như vậy, Goldman Sachs và JPMorgan là 2 ngân hàng lớn đầu tiên của Mỹ tuyên bố rời Nga để hưởng ứng các lệnh trừng phạt của phương Tây và phản đối chiến tranh. Động thái của các ngân hàng này cũng tạo sức ép lên các ngân hàng đa quốc gia khác vẫn đang tiếp tục hoạt động tại Nga.

Theo dữ liệu từ Refinitiv, Goldman Sachs đã tạo ra 19,5 triệu USD vào năm 2021, đứng thứ 7 về tổng thu nhập từ ngân hàng đầu tư ở Nga. VTB Capital của Nga đứng đầu, JPMorgan thứ 2 với 32,8 triệu USD, Morgan Stanley thứ 4 với 27,3 triệu USD và Citigroup thứ 5 với 22,8 triệu USD.

Theo dữ liệu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, các ngân hàng châu Âu tiếp xúc nhiều nhất với Nga, nhưng các ngân hàng Mỹ vẫn có mức rủi ro đáng kể, với tổng trị giá khoảng 14,7 tỷ USD.

Mới đây, ngân hàng lớn nhất của Mỹ là Citigroup Inc (C.N) cho biết đang điều hành hoạt động kinh doanh tiêu dùng ở Nga trên cơ sở hạn chế hơn trong khi vẫn giữ nguyên kế hoạch thoái vốn nhượng quyền thương mại được công bố 1 năm trước đây.

Citigroup có tổng tài sản tại Nga lên tới gần 10 tỷ USD dưới dạng các khoản cho vay, nợ của chính phủ và các tài sản khác, một phần được quản lý bởi mảng ngân hàng bán lẻ tại Nga. Giám đốc tài chính của tập đoàn đã cảnh báo về một kịch bản “nghiêm trọng”, trong đó khoản lỗ mà Citigroup phải chịu có thể lên tới một nửa tổng tài sản.

Ở châu Âu, Ngân hàng Quốc tế Raiffeisen (RBI) của Áo cũng đang xem xét rời khỏi Nga, theo Reuters.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, quá trình tách khỏi Nga của các ngân hàng sẽ không thể hoàn thành nhanh chóng, thậm chí sẽ mất từ vài tháng tới vài năm để có thể hoàn thành mọi thủ tục và dừng tất cả hoạt động.

Xem thêm >> Khối tài sản của các công ty phương Tây rời bỏ Nga sẽ ra sao?

Theo Reuters
Cùng chuyên mục
Tin khác