Những yếu tố nào 'nâng bước' lợi nhuận ngân hàng trong quý III/2018?

Minh Tâm - 12/10/2018 13:38 (GMT+7)

(VNF) - Dù tăng trưởng tín dụng chậm lại nhưng dự báo, lợi nhuận ngân hàng quý III/2018 được dự báo vẫn tăng mạnh nhờ lãi suất cho vay tăng, các dòng thu nhập ngoài lãi tăng mạnh, chi phí dự phòng giảm, cùng với đó là tăng ghi nhận các khoản thu nhập không thường xuyên.

VNF
Những yếu tố nào 'nâng bước' lợi nhuận ngân hàng trong quý III/2018?

Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC) vừa có báo cáo nhận định về ngành ngân hàng.

"Khi mùa công bố kết quả kinh doanh quý III đang đến gần, chúng tôi dự báo các ngân hàng sẽ cho lợi nhuận tốt trong 9 tháng đầu năm mặc dù tăng trưởng tín dụng chậm lại. Dự báo lợi nhuận khả quan nhờ tỷ lệ NIM có vẻ cao hơn khi lãi suất cho vay tăng và các dòng lợi nhuận khác tăng mạnh. Cổ phiếu ngành ngân hàng đã điều chỉnh khoảng 10% từ mức cao gần đây và mặc dù rủi ro giảm vẫn còn, chúng tôi tiếp tục đánh giá ngành ngân hàng bằng mặt bằng chung thị trường. Và dự báo lợi nhuận năm 2019 vẫn duy trì đà tăng trưởng khá", HSC kết luận tổng quan.

Theo HSC, tăng trưởng tín dụng trong 3 tháng gần đây giảm tốc sau khi đã tăng khá nhanh trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, do lo ngại về lạm phát, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chỉ đạo các ngân hàng không được cho vay quá nhiều đối với các ngành có rủi ro cao như phát triển bất động sản, cho vay tiêu dùng và chứng khoán. Cùng với đó là giữ nguyên hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại (NHTM) là 15% thay vì có động thái điều chỉnh tăng hạn mức này cho một số ngân hàng như trong những năm trước.

HSC dự báo LNTT 9 tháng đầu năm của 13 ngân hàng đã niêm yết mà công ty này theo dõi sẽ tăng 41% so với cùng kỳ dựa trên giả định tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm đạt 11%. Theo HSC, dù tăng trưởng tín dụng chậm lại, các yếu tố khác đã giúp hỗ trợ tăng trưởng LNTT.

Cụ thể, HSC cho rằng tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) tăng ở nhiều ngân hàng nhờ lãi suất cho vay tăng nhẹ trong những tháng gần đây. Các dòng thu nhập ngoài lãi tăng mạnh nhờ lãi hoạt động dịch vụ tăng và đóng góp của các dòng thu nhập mới như hoa hồng bảo hiểm. Thêm vào đó là chi phí dự phòng giảm. 

Yếu tố nữa hỗ trợ lợi nhuận của các ngân hàng là thu nhập không thường xuyên, chẳng hạn như Vietcombank từ thanh lý tài sản đảm bảo ngoại bảng đã được trích lập hoàn toàn và Techcombank từ chuyển nhượng mảng tài chính tiêu dùng. Ngoài ra còn có thu nhập không thường xuyên đến từ việc thoái vốn khỏi các ngân hàng nhỏ.

Đi sâu hơn vào lãi suất, lãi suất tiền gửi VND bình quân tăng 0,06% trong tháng 9 và hiện tương đương lãi suất thời điểm cuối năm 2017.

Cụ thể, theo khảo sát lãi suất hàng tháng của HSC, lãi suất tiền gửi VND bình quân đã tăng 0,06% trong tháng 9 lên 6,24%. Mức tăng của tháng 9 đã hoàn toàn bù trừ với mức giảm trong những tháng trước và lãi suất tiền gửi bình quân hiện quay về mức tương đương vào cuối năm 2017. Trong tháng 7 và tháng 8, lãi suất biến động không đồng nhất với một số ngân hàng nâng lãi suất tiền gửi trong khi một số khác giảm. Tuy vậy, xu hướng tăng lãi suất tiền gửi đã trở nên rõ ràng hơn trong tháng 9 khi lãi suất nhìn chung tăng trong tháng này.

Ở từng ngân hàng, HSC ước tính mức tăng lãi suất tiền gửi đáng chú ý nhất gồm: Vietcombank và LienVietPostBank đã nâng 0,2% lãi suất tiền gửi kỳ hạn ngắn và nâng 0,1% lãi suất tiền gửi một số kỳ hạn dài; VPBank nâng lãi suất tiền gửi mạnh hơn với lãi suất kỳ hạn ngắn tăng 0,4%, kỳ hạn 12 tháng tăng 0,2% còn kỳ hạn trên 12 tháng tăng 0,1%; MB nâng lãi suất tiền gửi kỳ hạn ngắn (từ 1-9 tháng) thêm 0,1-0,5%; Techcombank và PVcomBank nâng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6-9 tháng thêm 0,2%.

Đáng chú ý, OCB nâng mạnh lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng thêm 0,5% mặc dù giảm nhẹ lãi suất tiền gửi một số kỳ hạn ngắn (từ 0,1-0,2%). Hiện HDBank và DongABank đang áp dụng mức lãi suất tiền gửi cho kỳ hạn ngắn (1-4 tháng) cao nhất là 5,5%. Còn Ngân hàng Bản Việt đang có mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài cao nhất, là 7,4-7,8% cho kỳ hạn 6-9 tháng và 8-8,6% cho kỳ hạn 12-36 tháng.

Trong khi đó, lãi suất cho vay VND bình quân tăng 0,25% lên 9,5% trong tháng 9 từ 9,25% trong tháng 8.

Sau vài tháng gần như giữ nguyên thì lãi suất cho vay đã bắt đầu tăng vào tháng 8 và tháng 9 với mức tăng tổng cộng trong 2 tháng là 0,48%. Do vậy lãi suất cho vay bình quân hiện tại cao hơn 0,46% so với tại thời điểm cuối năm ngoái là 9,04%. Nhìn chung, lãi suất cho vay kỳ hạn ngắn rơi vào 7-9% còn trung dài hạn rơi vào 9-12,5%.

HSC ước tính một số ngân hàng có thể đã nâng lãi suất cho vay trong tháng 9. Chẳng hạn như Agribank nâng lãi suất kỳ hạn ngắn thêm 0,2% và trung dài hạn thêm 0,7- 1,3%; Sacombank và VPBank nâng lãi suất ở tất cả các kỳ hạn thêm 0,5-1%; Techcombank nâng lãi suất cho vay thêm 0,1-0,2% ở tất cả các kỳ hạn; MB điều chỉnh tăng 0,95% lãi suất cho vay kỳ hạn ngắn; ACB nâng 0,2-0,7% lãi suất cho vay trung dài hạn.

Về tăng trưởng tín dụng, HSC không cho rằng NHNN sẽ nâng mục tiêu tăng trưởng tín dụng trừ những trường hợp đặc biệt.

"Vài tuần trước, chúng tôi đã cho rằng quan điểm cứng rắn của NHNN đối với tăng trưởng tín dụng có thể sẽ thay đổi phần nào dựa trên số liệu GDP quý III. Và tăng trưởng GDP quý III được công bố tích cực bất chấp tăng trưởng tín dụng chậm lại trong cùng kỳ thì rõ ràng (1) có thể tin tưởng mạnh mẽ rằng Việt Nam có thể đạt hay thậm chí vượt mục tiêu tăng trưởng GDP và (2) NHNN không có áp lực phải thay đổi chính sách. Điều này có nghĩa là hạn mức tăng trưởng tín dụng của hầu hết các ngân hàng sẽ được giữ nguyên. Và chỉ một số trường hợp đặc biệt chẳng hạn như trường hợp sáp nhập (chẳng hạn như HDBank) mới có thể được nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng lên cao hơn mức chung", HSC cho hay.

Theo đó, HSC dự báo nhiều khả năng tăng trưởng tín dụng cả năm sẽ thấp hơn một chút so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng đặt ra cho cả hệ thống là khoảng 16%.

Cùng chuyên mục
Tin khác