Nợ xấu ngân hàng ra sao khi Thông tư 02 ngừng hiệu lực?

Minh Dũng - 13/01/2025 13:30 (GMT+7)

(VNF) - Theo các chuyên gia, Thông tư 02 hết hiệu lực sẽ không gây ra quá nhiều cú sốc cho các ngân hàng nhưng sẽ khiến một số ngân hàng đối mặt với nợ xấu khi có các khoản nợ tái cơ cấu liên quan đến bất động sản.

Tác động khi dừng TT02

Từ 1/1/2025, các ngân hàng sẽ không còn áp dụng Thông tư 02/2023/TT-NHNN khi văn bản này chính thức hết hiệu lực vào ngày 31/12/2024

Thông tư này được triển khai từ tháng 5/2023, giúp các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng gặp khó khăn tài chính trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng chậm lại.

Báo cáo tài chính từ 29 ngân hàng trong 9 tháng đầu năm 2024 cho thấy số dư nợ xấu tăng 27,9% so với cuối năm 2023, đạt 259.186 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ nợ xấu 2,3%

Còn theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến cuối tháng 10/2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống ngân hàng ở mức 1,96% tổng dư nợ. Đã có gần 250.000 tỷ đồng nợ xấu được các ngân hàng xử lý trong 10 tháng năm 2024, chủ yếu bằng hình thức khách hàng trả nợ và sử dụng dự phòng rủi ro.

Đánh giá về việc Thông tư 02 hết hiệu lực, nhóm chuyên gia phân tích của Chứng khoán BSC cho rằng, việc này không gây ảnh hưởng đáng kể lên bảng cân đối của các ngân hàng, sẽ không có sự gia tăng đột biến của tỷ lệ nợ xấu cũng như chi phí dự phòng.

Tương tự, theo dự báo của Chứng khoán VCBS, nợ xấu của ngành ngân hàng có thể đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất và ảnh hưởng của việc Thông tư 02 hết hiệu lực không lớn.

Tuy nhiên, VCBS cũng lưu ý, chất lượng tài sản có sự phân hóa giữa các nhóm ngân hàng. Nhóm ngân hàng chất lượng tài sản tốt sẽ ghi nhận nợ xấu kiểm soát ở mức vừa phải. Còn nhóm ngân hàng có tỷ lệ nợ tái cơ cấu cao, tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp có thể sẽ phải đối mặt với áp lực trích lập tăng cao trong quý IV/2024 và năm 2025.

PGS-TS Nguyễn Hữu Huân cũng cho rằng việc Thông tư 02 hết hiệu lực sẽ không gây ra quá nhiều cú sốc cho các ngân hàng.

Trong khi đó, chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực cảnh báo khi Thông tư 02 hết hiệu lực, nếu các doanh nghiệp không phục hồi, rủi ro nợ xấu có thể tăng lên, ảnh hưởng tiêu cực đến cả doanh nghiệp, bên vay và tổ chức tài chính.

Còn các chuyên gia từ Công ty CP Đầu tư Xếp hạng tín nhiệm Việt Nam (VIS Rating) nhìn nhận, khi Thông tư 02 hết hiệu lực, các ngân hàng sẽ phải hạch toán toàn bộ chi phí tín dụng đối với các khoản nợ tái cơ cấu.

Nhóm chuyên gia đánh giá rằng, các ngân hàng lớn, đặc biệt là những đơn vị có tỷ lệ nợ tái cơ cấu thấp, sẽ kiểm soát tốt tác động này đối với kết quả kinh doanh. Nhưng một số ngân hàng với tỷ lệ nợ tái cơ cấu cao có nguy cơ phải đối mặt với rủi ro tài sản lớn hơn, đặc biệt liên quan đến các khoản vay trong lĩnh vực bất động sản và các khách hàng lớn.

“Chúng tôi lưu ý rằng những ngân hàng này vẫn phải đối mặt chủ yếu với các vấn đề còn tồn đọng trong lĩnh vực bất động sản, trong đó một số nhà phát triển bất động sản vẫn đang vướng mắc các vấn đề pháp lý hoặc nhu cầu thấp tại các dự án mới của họ. Các ngân hàng này cũng gặp khó khăn trong việc cải thiện khả năng sinh lời để đáp ứng chi phí tín dụng cao hơn”, chuyên gia phân tích VIS Rating cảnh báo.

Nợ xấu vẫn là bài toán khó

Nợ xấu ngành ngân hàng được đánh giá tăng nhanh. Các chuyên gia cho rằng, nhiều ngân hàng vẫn gặp vướng trong quá trình xử lý tài sản làm ảnh hưởng đến quá trình khắc phục nợ xấu.

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - cho biết, thời gian qua, ngành ngân hàng có nhiều giải pháp để giảm áp lực nợ xấu. Một trong những giải pháp chính là trích lập dự phòng rủi ro, xử lý nợ xấu bằng nguồn tự lực của các ngân hàng. Đồng thời, đẩy mạnh thu hồi nợ, xử lý các loại tài sản đảm bảo với các khoản nợ không có khả năng thu hồi…

Nhưng trong bối cảnh thị trường bất động sản có lúc trầm lắng, dù đã có dấu hiệu chuyển động thời gian vừa qua nhưng giá cao nên vấn đề xử lý phát mại tài sản đảm bảo cũng như tiêu thụ sản phẩm rất khó khăn.

Theo ông Hùng, nhiều khách hàng thiếu hợp tác, tổ chức tín dụng không được quyền thu giữ tài sản, cá biệt có khách hàng cố tình không trả nợ… Điều này ảnh hưởng đến quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Ông Hùng cho rằng, trong năm 2025, nợ xấu vẫn là một bài toán" khó với các ngân hàng, đặc biệt khi các doanh nghiệp còn đang rất khó khăn, vừa mới trải qua giai đoạn dài ảnh hưởng bởi Covid-19, tiếp tục gánh chịu hậu quả từ thiên tai như bão Yagi.

Theo kết quả khảo sát của NHNN, các tổ chức tín dụng nhận định tỷ lệ nợ xấu có chiều hướng giảm trong quý IV/2024 so với quý trước và kỳ vọng tiếp tục giảm trong quý I/2025.

Chứng khoán ACBS nhận xét, nợ xấu dường như đã tạo đỉnh và có thể cải thiện trong năm 2025.

Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán TPBank (TPS) cũng cho rằng, trong năm 2025, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng có thể giảm xuống 1,8% do được hỗ trợ bởi các biện pháp quản lý rủi ro chặt chẽ hơn và sự cải thiện trong chất lượng tài sản.

Nhưng chi phí tín dụng dự kiến sẽ tăng nhẹ do bộ đệm dự phòng hiện không còn dày. Đặc biệt, hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục đối mặt với thách thức trong việc xử lý nợ xấu, đặc biệt là các khoản vay liên quan đến bất động sản.

Dự báo lợi nhuận, nợ xấu ngân hàng trong năm 2025

Dự báo lợi nhuận, nợ xấu ngân hàng trong năm 2025

Ngân hàng
(VNF) - Các chuyên gia dự báo lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ tăng tưởng tích cực trong năm 2025. Trong khi đó, nợ xấu đã đạt đỉnh và có thể cải thiện trong năm 2025.
Cùng chuyên mục
Tin khác
Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.