'Ôm' 257 tỷ tiền mua nhà của khách, PVR Hà Nội tuyên bố dừng hoạt động
(VNF) - Công ty Đầu tư PVR Hà Nội - chủ đầu tư dự án Hanoi Time Tower (CT10-11 Văn Phú Hà Đông) tiếp tục tạm ngưng hoạt động kinh doanh trong năm 2025.
Công ty Cổ phần Đầu tư PVR Hà Nội (UPCoM: PVR) vừa thông báo quyết định tạm ngừng hoạt động kinh doanh trong năm 2025 do thiếu kinh phí để duy trì hoạt động. Doanh nghiệp cần sắp xếp lại nhân sự và tìm kiếm giải pháp, phương hướng hoạt động kinh doanh mới để vượt qua giai đoạn khó khăn.
Trước đó, vào cuối tháng 10/2023, PVR thông báo rằng tài khoản ngân hàng của công ty đã bị phong tỏa do tranh chấp pháp lý với Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC). Việc này khiến PVR không đủ kinh phí để vận hành. Từ giữa tháng 11/2023, công ty quyết định tạm ngừng hoạt động kinh doanh đến giữa tháng 11/2024, với lý do cần tái cơ cấu nhân sự và xác định hướng đi mới cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đến ngày 18/9/2024, PVR bất ngờ thông báo về việc quay trở lại hoạt động trước thời hạn. ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 cũng được tổ chức ngay sau đó, thông qua định hướng phát triển sản xuất năm 2024. Theo đó, ban lãnh đạo cho biết sau thời gian tạm ngưng hoạt động kinh doanh 12 tháng, doanh nghiêp vẫn chưa tìm được hướng kinh doanh mới để vượt qua khó khăn vì giai đoạn 2012-2016 đã nợ quá nhiều và liên quan đến các cá nhân, thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2012-2016 mà không xử lý được.
Kế hoạch kinh doanh năm 2024 được thông qua với doanh thu bằng không, lỗ trước thuế dự kiến 2,6 tỷ đồng. Đúng như kế hoạch đề ra, trong 9 tháng năm 2024, PVR không ghi nhận bất cứ khoản doanh thu nào, trong khi các chi phí vẫn phải duy trì, dẫn đến khoản lỗ gần 1,4 tỷ đồng. Lỗ luỹ kế của PVR tính đến cuối tháng 9 vừa qua đã lên tới 88 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu còn 459 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ là 531 tỷ đồng.
Tổng tài sản của PVR đạt hơn 976 tỷ đồng tính đến ngày 30/9/2024, nhưng quý tiền mặt chỉ còn 104 triệu đồng. Phần lớn tài sản của doanh nghiệp nằm ở hàng tồn kho với giá trị 693 tỷ đồng (chiếm 71%), chủ yếu liên quan đến dự án Ha Noi Time Tower. Ngoài ra, doanh nghiệp còn khoản đầu tư và góp vốn vào các đơn vị khác với giá trị hơn 231 tỷ đồng.
Ở bảng nguồn vốn, PVR đang ghi nhận khoản người mua trả tiền trước gần 257 tỷ đồng, phát sinh từ năm 2021 liên quan đến dự án Hanoi Time Tower, hay còn được biết đến với tên gọi CT10-11 Văn Phú (Hà Đông). Dự án này đã “đắp chiếu” cả thập kỷ và hiện vẫn đang tạm ngừng thi công, chưa hẹn ngày về đích.
Tổng vốn đầu tư của Ha Noi Time Tower là gần 1.500 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích hơn 7.000m2, gồm 39 tầng nổi và 3 tầng hầm. PVR đã ký hợp đồng mua bán, góp vốn và các thỏa thuận đặt cọc với khách hàng để thu trước một phần tiền.
Báo cáo tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, ban lãnh đạo PVR cho biết dự án này vẫn tiếp tục dừng thi công đến hết năm 2025. PVR hiện vẫn đang tìm khách hàng để chuyển nhượng toàn bộ dự án hoặc đàm phán với các tổ chức tín dụng trong nước để thế chấp một phần dự án, từ đó sớm tái khởi động trở lại.
PVR được thành lập vào tháng 11/2006, tên gọi ban đầu là Công ty Cổ phần Dầu khí Tản Viên, một thành viên của PVC, thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đầu tư và kinh doanh bất động sản, dịch vụ thể thao, vui chơi giải trí, du lịch và nghỉ dưỡng cao cấp.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu PVR đang thuộc diện hạn chế giao dịch do công ty tạm ngừng hoạt động kinh doanh. Thị giá cổ phiếu hiện ở mức 1.000 đồng/cổ phiếu và gần như không có thanh khoản.
Chủ đầu tư hết tiền, Hanoi Time Tower dang dở suốt 10 năm
'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.