Omicron giáng thêm đòn vào ngành du lịch toàn cầu

Thảo Phương - 15/12/2021 08:53 (GMT+7)

Với biến thể virus mới, các hạn chế di chuyển và tâm lý lo ngại của hành khách có thể giáng thêm đòn vào ngành du lịch toàn cầu, vốn chưa phục hồi hoàn toàn vì đại dịch.

VNF
Omicron giáng thêm đòn vào ngành du lịch toàn cầu

Biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 đang lây lan nhanh chóng trên khắp thế giới. Giới khoa học vẫn chạy đua với thời gian để đánh giá mức độ nghiêm trọng của biến chủng mới và khả năng kháng vaccine. Tuy nhiên, theo CNN, ngành công nghiệp du lịch trên toàn cầu đã bắt đầu hứng chịu thiệt hại.

"Khách hàng đã bắt đầu đắn đo trong việc đặt vé", ông Nick Calio của Airlines for America - đại diện cho các hãng hàng không lớn Bắc Mỹ - chia sẻ.

Giá cổ phiếu của các khách sạn, công ty lữ hành và hãng hàng không dễ chịu tác động bởi nỗi lo ngại về biến thể virus mới. Trong phiên giao dịch hôm 13/12, cổ phiếu của American Airlines đã sụt giá 5%.

Giá cổ phiếu hãng tàu Carnival Corporation cũng lao dốc. Cổ phiếu Marriott International sụt giá hơn 4%.

Thiệt hại nặng nề

Việc siết chặt những hạn chế đi lại của các quốc gia và nỗi lo ngại của du khách đã tác động mạnh mẽ đến ngành công nghiệp.

Với sự xuất hiện của Omicron, người tiêu dùng có thể ngần ngại ghé các cửa hàng bách hóa, thăm gia đình và bạn bè trong kỳ nghỉ cuối năm.

Trong một bức thư gửi tới Thủ tướng Anh Anh Boris Johnson, các giám đốc điều hành của British Airways, Virgin Atlantic, Ryanair và easyJet nhấn mạnh rằng những hạn chế đi lại "bừa bãi, không thích hợp" có nguy cơ "để lại vết sẹo vĩnh viễn" cho ngành công nghiệp.

Các giám đốc hãng bay thúc giục chính phủ hủy bỏ tất cả xét nghiệm khẩn cấp đối với những hành khách đã được tiêm phòng đầy đủ.

Tại một cuộc họp báo hồi tuần trước, ông Willie Walsh - người đứng đầu Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế - cảnh báo rằng các hãng hàng không sẽ gánh chịu thiệt hại nặng nề vì biến thể virus mới.

"Chúng ta không thể tiếp tục dừng các hoạt động hàng không và đóng cửa nền kinh tế. Điều này gây ra thiệt hại rất lớn cho ngành công nghiệp", ông nhấn mạnh.

Theo một đánh giá được Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế thuộc Liên Hợp Quốc công bố hồi tuần trước, lượng hành khách giảm chưa từng thấy do đại dịch đã dẫn đến thiệt hại doanh thu gần 700 tỷ USD cho các hãng hàng không.

Nếu không được hỗ trợ, một số công ty sẽ không thể vượt qua cú sốc mới vì Omicron. Hôm 13/12, Virgin Group và Delta Air Lines của tỷ phú Sir Richard Branson cho biết đang bơm 530 triệu USD vào hãng hàng không.

Trước khi biến thể mới xuất hiện, một số nhà kinh tế cho rằng nhu cầu đối các dịch vụ như giải trí, đi lại và du lịch sẽ phục hồi. Nhưng xu hướng đó có thể bị trì hoãn, làm ảnh hưởng đến triển vọng phục hồi vốn đã không đồng đều của nền kinh tế toàn cầu.

Bất chấp những lo ngại về biến thể virus mới, nhiều hành khách vẫn sẵn sàng di chuyển. Do đó, mức độ ảnh hưởng đối với ngành công nghiệp du lịch có thể bớt nghiêm trọng hơn.

Cản đường phục hồi

Các nhà kinh tế của Goldman Sachs Group Inc. đã chỉ ra bốn khả năng, trong đó, làn sóng lây nhiễm lớn trong quý I/2022 có thể khiến tăng trưởng toàn cầu còn 2%, giảm 2,5 điểm phần trăm so với dự báo trước đó.

Mức tăng trưởng cả năm là 4,2%, thấp hơn 0,4 điểm phần trăm so với dự báo.

Trong một kịch bản khác, biến thể mới không nguy hiểm như lo ngại ban đầu. Nhưng sự xuất hiện của chủng Omicron vẫn là lời nhắc nhở về mối đe dọa của đại dịch đối với nền kinh tế toàn cầu.

"Chúng ta vẫn chưa rơi vào tình trạng lạm phát đình trệ (tăng trưởng kinh tế chững lại trong khi lạm phát tăng cao). Tuy nhiên, điều đó sẽ xảy ra nếu tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng và các hạn chế di chuyển xuyên biên giới kéo dài thêm một năm nữa", bà Alicia Garcia Herrero tại Natixis SA bình luận.

Trên thực tế, ngoại trừ Trung Quốc, các nước khác trên thế giới đều lưỡng lự trong việc trở lại tình trạng phong tỏa. Nhờ tiêm chủng rộng rãi, những biện pháp hạn chế được áp dụng ở châu Âu đã linh hoạt hơn và ít gây tổn hại tới tăng trưởng.

"Các doanh nghiệp và hộ gia đình đã thích nghi với những biện pháp hạn chế và khóa cửa. Do đó, mức độ ảnh hưởng có thể bớt nghiêm trọng hơn", ông Rob Subbaraman - Trưởng bộ phận Nghiên cứu thị trường toàn cầu tại Nomura Holdings Inc. - nhận định.

Theo CNN, một số dấu hiệu chỉ ra rằng bất chấp tình trạng bất ổn, nhiều hành khách vẫn sẵn sàng di chuyển, điều này có thể giảm bớt mức độ ảnh hưởng đối với ngành công nghiệp.

Cục An ninh Vận tải Mỹ đang chuẩn bị đón một lượng lớn hành khách di chuyển trong những ngày nghỉ cuối năm. Hôm 12/12 vừa qua, khoảng 2,1 triệu hành khách đã đi qua các trạm kiểm soát an ninh ở các sân bay trên khắp nước Mỹ.

Theo Zing
Cùng chuyên mục
Tin khác