Hôm nay, Đại hội đồng cổ đông bất thường 2016 của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã diễn ra với sự góp mặt của 412 cổ đông, đại diện cho 96,08% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tại BIDV.
Theo đó, 100% cổ đông tham gia biểu quyết đã biểu quyết thông qua đề nghị bác bỏ nội dung "Chủ tịch Hội đồng Quản trị là người đại diện pháp luật của BIDV" và nội dung "đại diện cho BIDV trong quan hệ tố tụng, tranh chấp, giải thể, phá sản trong Điều lệ của ngân hàng, Quy chế tổ chức và hoạt động của HĐQT".
Đồng thời, đại hội cũng thông qua việc sửa đổi khoản 5, điều 2 thành nội dung "Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của BIDV" với tỷ lệ đồng thuận 100%.
Như vậy, ông Phan Đức Tú hiện đang là Tổng giám đốc của BIDV, đã trở thành người đại diện theo pháp luật của BIDV thay cho ông Trần Bắc Hà, nguyên Chủ tịch HĐQT của BIDV đã về hưu từ đầu tháng 9 vừa qua.
Ông Phan Đức Tú thay ông Trần Bắc Hà làm người đại diện theo pháp luật của BIDV
Trong buổi họp đại hội đồng cổ đông bất thường, ông Phan Đức Tú cũng chia sẻ về khó khăn trước quyết định chia cổ tức 2015 bằng tiền thay vì bằng cổ phiếu.
Theo ông Tú, hiện hệ số an toàn vốn (CAR) của BIDV ở mức hơn 9%, gần với ngưỡng quy định. BIDV hiện đang là một trong 10 ngân hàng được lựa chọn để áp dụng tiêu chuẩn Basel II. Vì vậy, nếu sang năm tiếp tục chi trả cổ tức bằng tiền mặt, BIDV sẽ khó đạt mức CAR theo quy định.
Tuy nhiên, ông Tú cũng khẳng định, trong bất kỳ trường hợp nào, BIDV cũng sẽ đảm bảo các hệ số an toàn, nhất là hệ số CAR.
Ông Phan Đức Tú bước chân vào ngân hàng BIDV từ năm ông 23 tuổi (1987). Ông Phan Đức Tú cũng kinh qua nhiều vị trí giám đốc các chi nhánh, là thành viên HĐQT hay Tổng giám đốc của các công ty con, công ty liên kết của BIDV.
Tính đến thời điểm hiện tại, ông Tú đã có 30 năm công tác tại BIDV.