Ông Tập Cận Bình ra chỉ thị 'thép', nhà chọc trời Trung Quốc sắp vào dĩ vãng

Song Hy - 26/12/2020 08:00 (GMT+7)

Thời huy hoàng của các tòa nhà chọc trời của Trung Quốc lui vào dĩ vãng sau loạt chỉ thị mới từ chính quyền trung ương và các địa phương.

VNF
 Tháp Thượng Hải (cao 632 m) là tòa nhà cao thứ hai thế giới. (Ảnh: Tân Hoa xã)

Trong tuyên bố đưa ra mới đây, giới chức Hắc Long Giang cho biết họ sẽ không cho phép xây dựng các tòa nhà cao trên 500 m. 

Tuyên bố này lặp lại các chỉ đạo cứng rắn trong chỉ thị được chính phủ trung ương ban hành vào tháng 4. Theo đó, Bắc Kinh sẽ siết chặt xây dựng các tòa nhà cao hơn 250 m, "nghiên cứu thận trọng" sự cần thiết việc xây dựng các tòa nhà trên 100 m và quy định chặt với các khu phức hợp giải trí công cộng có diện tích mặt sàn vượt quá 30.000 m2. 

Bộ Nhà ở và Phát triển đô thị - nông thôn Trung Quốc khẳng định thay vì theo đuổi các dự án quy mô lớn, sao chép nước ngoài và thu hút sự chú ý với các thiết kế lạ, các thành phố nên quy hoạch để các tòa nhà phù hợp với mục đích sử dụng, có tính nghệ thuật, kinh tế và thân thiện với môi trường. 

Nhiều tỉnh khác cũng tuân thủ theo chỉ thị này, ban hành các chính sách tương tự như Hắc Long Giang. 

5/10 tòa nhà cao nhất thế giới và 44/100 tòa nhà cao nhất thế giới đều được xây dựng ở Trung Quốc. Trong top 10, các tòa nhà đều cao trên 500 m. 

Nhà phát triển Trung tâm Chung Nam Sơn Tô Châu ở Tô Châu hồi đầu năm thông báo sẽ hạ chiều cao của tòa nhà từ 729 m xuống còn 499 m. 

Chiều cao của Trung tâm Greenland Vũ Hán cũng đã "rút" xuống còn 475 m từ 600 m vào cuối năm 2019.

Tháp China Resources Hubei Landmark ở Thâm Quyến từng được kỳ vọng trở thành tòa nhà cao kỷ lục thế giới với chiều cao ban đầu dự kiến là 830 m. Nhưng con số này sau đó hạ xuống còn 500 m. 

Theo SCMP, một trong những nguyên nhân khiến Trung Quốc phải siết quy định về các tòa nhà chọc trời xuất phát từ dự án xây dựng Goldin Finance 117 cao gần 600 m ở Thiên Tân.

Cách đây 12 năm, khi được khởi công xây dựng, Goldin Finance 117 hứa hẹn trở thành tòa nhà cao thứ hai thế giới. Những khó khăn về tài chính khiến dự án này tới nay vẫn chưa hoàn thành. 

Giới chức Trung Quốc khẳng định mục đích của lệnh cấm các tòa nhà chọc trời là để các thành phố phát triển bền vững hơn. 

Các tòa nhà chọc trời từ lâu được coi là biểu tượng của sự giàu có và công nghệ tiên tiến và là một phương tiện để tối đa hóa việc sử dụng đất trong bối cảnh đô thị hóa gia tăng chóng mặt.

Nhưng khi chúng ngày càng cao, chi phí xây dựng và bảo trì đã tăng lên và việc đảm bảo an toàn cho người thuê nhà trong trường hợp hỏa hoạn trở nên khó khăn hơn.

"Trước đây, chúng tôi cân nhắc nhiều hơn tới việc tăng hiệu quả sử dụng đất, nhưng giờ chúng tôi đang chú trọng nhiều hơn tới sự an toàn của phát triển đô thị. Đặc biệt là sau khi đại dịch bùng phát, chúng tôi nhận thấy có quá nhiều rủi ro về an toàn trong việc kiểm soát dịch bệnh. Điều này có thể đã kích hoạt việc ban hành chính sách", Song Yingchang - nhà nghiên cứu tại Học viện Xã hội Trung Quốc cho hay. 

Ông Song Yingchang chỉ ra rằng, nhiều tòa nhà chọc trời của Trung Quốc là các dự án phù phiếm để quảng bá hình ảnh thay vì mục đích tiết kiệm đất đai. 

Trong tuyên bố đưa ra mới đây, Chủ tịch Tập Cận Bình cảnh báo các thành phố của Trung Quốc "không thể mở rộng vô hạn", 

"Tất cả các thành phố nên kiểm soát mật độ dân số về lâu dài và các siêu đô thị nên đưa ra các tiêu chuẩn cụ thể ngay từ bây giờ", ông Tập khẳng định. 

Theo VTC
Cùng chuyên mục
Tin khác