Phú Yên thu hồi dự án lọc dầu 3,2 tỷ USD

Linh Nguyễn - 09/03/2018 10:40 (GMT+7)

(VNF) - Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên đã quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án nhà máy lọc dầu Vũng Rô có tổng vốn đăng ký đầu tư 3,2 tỷ USD.

VNF
Dự án lọc dầu Vũng Rô bị thu hồi

Trong công văn chỉ đạo được ký ngày 1/3/2018, ông Nguyễn Chí Hiến – Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên – đã yêu cầu Ban Quản lý Khu kinh tế "khẩn trương, chủ động liên hệ với Sở Kế hoạch và Đầu tư để tiếp nhận các hồ sơ liên quan đến dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô và ra Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án theo quy định".

Quyết định trên của UBND tỉnh Phú Yên dường như đã đặt dấu chấm hết cho dự án vốn được kỳ vọng rất nhiều không chỉ đối với sự phát triển kinh tế địa phương nói riêng, mà với cả ngành dầu khí cả nước nói chung. 

Dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô được cấp phép lần đầu vào năm 2008 do công ty Công ty Vũng Rô Petroleum thuộc Technostar Management Limited tại Anh đăng ký đầu tư. Dự án có diện tích đất sử dụng là 538 ha, trong đó đất xây dựng nhà máy 404 ha, đất mặt bằng xây dựng cảng Bãi Gốc 134 ha. Ngoài ra, Vũng Rô Petroleum cũng được phê duyệt sử dụng từ 500 ha đến 1.300 ha diện tích mặt nước.

Với tổng vốn đầu tư đăng ký là 3,2 tỷ USD, Nhà máy lọc dầu Vũng Rô dự kiến sẽ có công suất 8 triệu tấn dầu thô mỗi năm, gần bằng quy mô nhà máy lọc dầu Nghi Sơn. Theo cam kết ban đầu, nhà đầu tư sẽ hoàn tất quá trình xây dựng giai đoạn 1 và bắt đầu hoạt động từ năm 2016. Tuy nhiên sau 10 năm được cấp phép, việc xây dựng nhà máy vẫn chưa được tiến hành.

Một trong những nguyên nhân khiến dự án bị chậm tiến độ là do vướng mắc giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa hơn nằm ở cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 2015-2016 và khủng hoảng kinh tế nước Nga năm 2015-2016. Dù có trụ sở chính là tại Anh, nhưng Technostar Management Limited lại do một nhóm nhà đầu tư từ Nga lập ra để đầu tư vào Việt Nam, nên có thể hiểu nguồn vốn đầu tư vào lọc dầu Vũng Rô đến từ Nga.

Vì vậy, khi kinh tế Nga rơi vào khủng hoảng do chịu sự trừng phạt kinh tế từ EU, đồng rúp Nga mất giá thảm hại. Đồng rúp mất giá, có nghĩa là chi phí mà các nhà tư mang ra nước ngoài đầu tư sẽ lớn hơn rất nhiều lần, và làm tăng tổng mức đầu tư dự án lên cao hơn. Do đó, bài toán tài chính của dự án này cũng thay đổi và không thể đáp ứng được cam kết tiến độ ban đầu.

Cùng chuyên mục
Tin khác