Prada 'lội ngược dòng' trong cuộc khủng hoảng hàng xa xỉ

Thuỷ Bình - 31/10/2024 14:22 (GMT+7)

(VNF) - Tập đoàn xa xỉ Prada của Ý vẫn tiếp tục thách thức sự suy thoái chung của ngành hàng xa xỉ sau khi công bố mức tăng trưởng doanh thu quý mạnh mẽ, trái ngược với nhiều đối thủ cạnh tranh.

Prada duy trì doanh số mạnh mẽ nhờ Miu Miu

Ngày 30/10, Tập đoàn hàng xa xỉ Prada, có trụ sở tại Milan (Ý), cho biết doanh số bán hàng trong quý III năm nay đã tăng 18% so với cùng kỳ năm trước, nhưng không đưa ra con số tổng thể.

Doanh số được thúc đẩy phần lớn bởi nhãn hiệu Miu Miu, ghi nhận mức tăng 105% trong giai đoạn này. Doanh số bán hàng của thương hiệu Prada cũng tăng, mặc dù ở mức khiêm tốn hơn nhiều là 2%.

Thương hiệu Miu Miu của tập đoàn, được đặt theo tên người sáng lập và giám đốc sáng tạo Miuccia Prada, từ lâu được coi là “em gái của Prada”, phục vụ cho phân khúc người tiêu dùng trẻ tuổi với mức giá thấp hơn.

Tuy nhiên, gần đây, thương hiệu này liên tục vượt qua thương hiệu chính Prada thông qua các thiết kế thử nghiệm, mở rộng thành công phạm vi tiếp cận đến nhóm người tiêu dùng đa dạng hơn ở mọi lứa tuổi.

Những chiếc váy ngắn và quần đính sequin của thương hiệu này, được bán với giá lên tới 4.000 EUR, đã được những người có ảnh hưởng trẻ tuổi ở châu Á và những người nổi tiếng ở Hollywood như Nicole Kidman ưa chuộng.

Tổng giám đốc điều hành Andrea Guerra cho biết ông kỳ vọng tập đoàn sẽ tiếp tục duy trì quỹ đạo tăng trưởng nhưng tập đoàn thừa nhận rằng mặc dù tăng trưởng doanh số vẫn "cao" tại Nhật Bản trong quý III, nhưng đã có sự "giảm tốc" so với quý trước mà không công bố số liệu cụ thể.

Công ty cũng cảnh báo rằng tình hình thị trường ở châu Á - Thái Bình Dương, nơi doanh số tăng 12% trong 9 tháng vừa qua, đang trở nên "thách thức hơn".

Doanh thu ròng của Prada tăng 18% lên 3,8 tỷ EUR sau khi hết 3 quý của năm 2024. Tính đến cuối tháng 9, doanh số bán hàng của tập đoàn Ý này đã tăng 53% theo tỷ giá hối đoái cố định tại Nhật Bản nhờ vào "nhu cầu nội địa vững chắc và lượng khách du lịch lớn".

“Chúng tôi đang hoạt động trong một môi trường đầy thách thức đối với toàn bộ chuỗi giá trị xa xỉ”, ông Patrizio Bertelli, chủ tịch tập đoàn Prada cho biết.

“Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tiếp tục nhìn thấy cơ hội cho các thương hiệu của mình và chúng tôi vẫn cam kết với kế hoạch đầu tư của mình vào năng lực bán lẻ, công nghệ và công nghiệp”, ông Bertelli nói thêm.

Vượt khỏi cảnh ảm đạm chung của toàn ngành

Trong bối cảnh ngành hàng xa xỉ đang phải đối mặt với sự suy thoái toàn cầu trong bối cảnh nhu cầu giảm kéo theo doanh số bán hàng tại Trung Quốc sụt giảm, Prada là một trong số ít ngoại lệ, cùng với Hermès, tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương bao gồm cả Nhật Bản và Trung Đông trong suốt cả năm.

Cổ phiếu của LVMH, tập đoàn xa xỉ lớn nhất thế giới và được coi là người dẫn đầu cho ngành này, đã giảm khoảng 15% kể từ đầu năm.

Tập đoàn Pháp này đổ lỗi cho sự sụt giảm doanh thu trong quý III là do doanh số bán hàng giảm ở châu Á và tăng trưởng thấp hơn dự kiến ​​ở Nhật Bản, mà họ cho là do "đồng yên mạnh hơn". Doanh số bán hàng cũng đi ngang ở Mỹ.

Trong khi đó, đối thủ Kering, công ty có cổ phiếu giảm hơn 40% kể từ tháng 1, đã cảnh báo các nhà đầu tư vào tuần trước rằng lợi nhuận của công ty sẽ giảm gần một nửa vào năm 2024 do thương hiệu chính Gucci hoạt động yếu kém.

Theo FT
Lợi nhuận của Mercedes giảm một nửa khi Trung Quốc ‘lánh xa’ hàng xa xỉ

Lợi nhuận của Mercedes giảm một nửa khi Trung Quốc ‘lánh xa’ hàng xa xỉ

Tài chính quốc tế
(VNF) - Nhà sản xuất ô tô cao cấp của Đức Mercedes-Benz ngày 25/10 công bố lợi nhuận của hãng trong quý III đã giảm mạnh hơn 50%, chịu ảnh hưởng nặng nề từ sự suy yếu ở thị trường trọng điểm Trung Quốc.
Cùng chuyên mục
Tin khác