Hàng xa xỉ 'chao đảo' trước làn sóng giảm chi tiêu ở Trung Quốc

Thu Trang - 12/04/2024 22:01 (GMT+7)

(VNF) - Doanh số bán hàng của các thương hiệu xa xỉ dự kiến sẽ giảm mạnh trong quý I do nhu cầu tại thị trường Trung Quốc giảm sút, trái ngược hẳn so với cùng kỳ năm ngoái khi doanh số bán hàng tăng vọt do Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế Covid-19.

VNF
Đã không còn những dòng người xếp hàng bất tận trước các cửa hàng thời trang xa xỉ tại Trung Quốc.

LVMH, tập đoàn hàng xa xỉ lớn nhất thế giới, sẽ công bố báo cáo tài chính quý đầu vào ngày 16/4. Tiếp theo là các đối thủ như Kering, Prada và Hermes cũng sẽ lần lượt công bố kết quả một tuần sau đó. Burberry và Richemont sẽ báo cáo vào tháng 5.

Lời cảnh báo bất ngờ từ Kering hồi tháng trước về doanh số bán hàng quý I giảm 10% thay vì 3% theo dự báo của các nhà phân tích đã khiến cả thị trường lo ngại.

Tập đoàn này cho rằng sự sụt giảm doanh số bán hàng đến từ hoạt động kém ở châu Á của thương hiệu chủ chốt của họ là Gucci. Tuy nhiên, hiệu suất kém này đã làm dấy lên lo ngại các thương hiệu thời trang cao cấp khác tại Trung Quốc cũng đang gặp khó khăn.

Ông Olivier Abtan, chuyên gia tư vấn của AlixPartners, chia sẻ: "Chúng tôi đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kéo dài và không biết tương lai sẽ ra sao. Tăng trưởng đã đình trệ trong nhiều quý”.

Theo các nhà phân tích tại HSBC, du khách Trung Quốc ở Hong Kong, Macau và Singapore dường như không còn là đối tượng “chi tiêu mạnh tay” nữa.

Những vấn đề của Kering tại Trung Quốc là một phần lý do khiến giá trị thị trường của hãng tụt hậu so với các đối thủ. Theo dữ liệu của LSEG, tỷ giá trên lợi nhuận trong 12 tháng tới của Kering hiện đang là 16, thấp hơn so với 24 của LVMH và 51 của Hermes.

Cổ phiếu của Kering đã giảm 15% kể từ khi có cảnh báo đó, trong khi cổ phiếu LVMH giảm 7%. Hermes, được xem là ít rủi ro hơn nhờ vào lượng khách hàng giàu có hơn, cũng giảm 2%.

Vẫn còn nhiều điều không chắc chắn về việc liệu nhu cầu của người mua đối với thời trang cao cấp có phục hồi trong thời gian tới hay không, ngay cả khi các số liệu so sánh trở nên dễ dàng hơn.

Theo các nhà phân tích tại Barclays, tốc độ tăng trưởng hàng năm của doanh số bán hàng xa xỉ toàn cầu sẽ giảm xuống mức một chữ số phần trăm trung bình, so với gần 9% của năm ngoái và tăng lên hai chữ số của hai năm trước đó.

Sự phân hóa giữa các thương hiệu

Đối mặt với chi phí sinh hoạt tăng cao, người mua đã trở nên cẩn thận hơn trong việc lựa chọn những mặt hàng xa xỉ. Điều này càng làm rõ nét sự phân hoá giữa các thương hiệu tên tuổi hàng đầu như Louis Vuitton, Chanel và Hermes với các thương hiệu đang được cải tổ như Burberry.

"Một số thương hiệu sẽ được hưởng lợi nhiều hơn những thương hiệu khác – chúng tôi bắt đầu thấy điều đó rất rõ trong hai năm qua", bà Caroline Reyl, Giám đốc thương hiệu cao cấp tại Pictet Asset Management, cho biết.

Thực tế, ngay cả “ngựa chiến” tăng trưởng nhanh như Prada cũng không tránh khỏi ảnh hưởng của tình hình chung. Dù thương hiệu Miu Miu của hãng đang được lòng giới trẻ Trung Quốc, doanh số bán lẻ toàn cầu của Prada trong quý đầu tiên dự kiến vẫn sẽ chậm lại theo dự báo của Jefferies, với mức tăng trưởng 9,3%.

Tương tự, “ông lớn” ngành hàng xa xỉ LVMH cũng khó đạt được mức tăng trưởng cao. Theo dự báo từ JPMorgan, doanh số bán hàng tổng thể của LVMH trong quý đầu tiên có thể không đổi, với mức tăng trưởng chỉ 2% ở mảng thời trang và đồ da. Đây được coi là “đế chế” của những chiếc túi Louis Vuitton Speedy rộng rãi với giá 10.000 EUR và túi xách Lady Dior nhỏ nhắn với giá 5.400 EUR. Đáng chú ý, phân khúc này vẫn ghi nhận mức tăng trưởng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các dự báo khác từ UBS cho thấy kỳ vọng chung cho tăng trưởng doanh số bán hàng hữu cơ trong ba tháng tính đến tháng 3 lần lượt là 3% của LVMH, 1% của Richemont, giảm 10% của Burberry và 13% của Hermes.

Những con số này cho thấy sự phân hóa ngày càng rõ nét giữa các thương hiệu xa xỉ. Trong khi môi trường chung đặt ra thách thức cho tất cả các “ông lớn”, những thương hiệu có chiến lược phù hợp và sản phẩm được ưa chuộng vẫn có thể tìm thấy cơ hội riêng biệt để tăng trưởng.

Xem thêm >> 'Cú sốc Trung Quốc' với những nhãn hàng xa xỉ toàn cầu

Theo Reuters
Cùng chuyên mục
Tin khác
Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.