LVMH 'đi lùi', ngành hàng xa xỉ đang dần mất sức hút?

Minh Ý - 13/10/2023 07:38 (GMT+7)

(VNF) - Báo cáo kinh doanh đáng thất vọng từ tập đoàn hàng xa xỉ hàng đầu thế giới LVMH cho thấy một thực tế rằng người tiêu dùng đang trở nên "dần tỉnh táo" sau nhiều thập kỷ "mạnh tay" chi tiêu cho những món đồ sang trọng và đắt đỏ.

VNF
Hàng xa xỉ đang dần mất sức hút trong mắt người tiêu dùng.

"Bước thụt lùi" của LVMH

Ngày 11/10, cổ phiếu của công ty hàng xa xỉ lớn nhất thế giới Moët Hennessy Louis Vuitton, hay còn gọi tắt là LVMH, đã giảm xuống mức thấp nhất trong năm, mất 6% sau báo cáo về doanh số bán hàng quý III đáng thất vọng.

Theo đó, mặc dù doanh số bán hàng tăng 9% trong quý III lên 19,9 tỷ EUR, nhưng tốc độ tăng trưởng về doanh số đã giảm gần một nửa so với quý trước (doanh số quý II của LVMH tăng 17%), phản ánh doanh số bán hàng xa xỉ giảm nhẹ trên toàn thế giới, đặc biệt là ở Mỹ và châu Âu.

Nhu cầu về hàng hóa xa xỉ đã giảm đối với hầu hết các sản phẩm và ở tất cả các khu vực chính. 

Ví dụ, doanh số bán hàng tại các bộ phận rượu vang và rượu mạnh của LVMH giảm tới 14% trong quý. Các lô hàng của các nhãn hiệu rượu cognac như Hennessy đã yếu đi ở Mỹ trong, nhưng xu hướng sụt giảm nhu cầu đang ngày càng tệ hơn.

Ngoài ra, doanh số bán đồng hồ và trang sức đắt tiền của LVMH yếu hơn dự kiến ​​của các nhà phân tích. Và những người tiêu dùng giàu có ở châu Âu vốn đang thoải mái chi tiêu cho hàng xa xỉ vào đầu mùa hè này đã trở nên thận trọng hơn trong quý III.

Doanh số bán hàng tại bộ phận thời trang và đồ da của LVMH - bộ phận lớn nhất - tăng 9% trong quý III, đạt tốc độ chậm hơn so với mức tăng trưởng 21% trong quý II.

Phân phối có chọn lọc, bao gồm kênh bán lẻ du lịch và Sephora, có mức tăng trưởng nhanh nhất ở mức 26% trong quý này.

Doanh số bán hàng của LVMH ở châu Á ngoại trừ Nhật Bản tăng 11% trong quý, giảm từ mức 34% trong ba tháng trước đó, trong khi Mỹ tiếp tục xu hướng tăng trưởng thấp vì người tiêu dùng có xu hướng giảm chi tiêu. Ở châu Âu, hầu hết các quốc gia hiện đang tăng trưởng ở mức trung bình một con số, theo giám đốc tài chính LVMH Jean-Jacques Guiony.

“Trong môi trường kinh tế và địa chính trị không chắc chắn, tập đoàn tự tin vào sự tăng trưởng liên tục của mình. . . LVMH đang dựa vào sự năng động của các thương hiệu và tài năng của đội ngũ để củng cố hơn nữa vị trí dẫn đầu trên thị trường xa xỉ toàn cầu vào năm 2023”, công ty cho biết trong báo cáo kinh doanh.

Kết thúc "kỷ nguyên vàng" của hàng xa xỉ?

LVMH sở hữu 75 thương hiệu từ các hãng thời trang Louis Vuitton và Dior đến trang sức Tiffany, do đó, sự sụt giảm cổ phiếu tập đoàn này cũng ảnh hưởng đến các công ty hàng xa xỉ đối thủ, với Kering và Richemont lần lượt giảm hơn 2% và 4% trong ngày 11/10.

Sau đợt giảm giá cổ phiếu mới nhất, LVMH đã mất 1/4 giá trị thị trường trong khoảng 6 tháng. Tháng trước, LVMH thậm chí còn bị Novo Nordisk, công ty dược phẩm Đan Mạch sản xuất thuốc giảm cân Ozempic, soán ngôi công ty có giá trị nhất châu Âu. 

Các nhà phân tích của Berenberg cho rằng kết quả hoạt động mới nhất của tập đoàn xa xỉ hàng đầu thế giới là dấu hiệu cho thấy "thời hoàng kim" của ngành hàng này đang dần kết thúc.

Trong khi đó, các nhà phân tích tại Citigroup cho biết “triển vọng hạn chế” của LVMH sẽ “không có ích cho một lĩnh vực không còn được ưa chuộng và hoạt động kém hiệu quả trong 6 tháng qua”.

Bà Victoria Scholar, người đứng đầu bộ phận đầu tư tại Interactive Investor, nhận xét rằng “thời kỳ bùng nổ của hàng xa xỉ đang bắt đầu mờ nhạt”. Trước đó, ngành này đã trải qua thời kỳ "hoàng kim" kéo dài 3 năm kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu lan rộng trên toàn thế giới.

Giờ đây, tốc độ tăng trưởng đã chậm lại trên toàn ngành, tại mọi ngạch kinh doanh và trên từng khu vực địa lý.

Điều kiện kinh tế thắt chặt hơn ở Trung Quốc, vốn là động lực thúc đẩy doanh số kỷ lục của ngành công nghiệp xa xỉ từ đầu năm 2020 trở đi, cũng tạo tiền đề cho lĩnh vực này có mức tăng trưởng "vừa phải hơn".

Các nhà phân tích tại HSBC đánh giá: “Chúng tôi kỳ vọng tốc độ tăng trưởng sẽ bình thường hóa trên diện rộng trong quý III, với nhu cầu từ người dân địa phương châu Âu giảm và ít sự hỗ trợ hơn từ dòng chảy du lịch”.

“Trái ngược với các quý trước, khi nhu cầu yếu kém tại Mỹ được bù đắp bởi sự tăng trưởng tại Trung Quốc, lần này chúng tôi không thấy bất kỳ yếu tố bù đắp nào; mà đúng hơn là sự bình thường hóa tăng trưởng trên diện rộng ở tất cả các khu vực địa lý”, các chuyên gia này nhận xét thêm.

Giờ đây, các công ty hàng xa xỉ phải đối mặt với việc cân bằng ngân sách quảng cáo trị giá hàng tỷ USD và kế hoạch triển khai các cửa hàng mới. Họ có thể cần tiết kiệm tiền mặt để bảo vệ lợi nhuận. Đồng thời, họ phải tiếp tục chi tiền cho quảng cáo để duy trì mức độ phổ biến cho thương hiệu của mình.

Không còn ở vạch đích cũ

Mặc dù tất cả các dấu hiệu hiện tại đều cho thấy ngành hàng xa xỉ toàn cầu đang "chững bước' trong thời gian gần đây, nhưng xem xét trên cả một quá trình dài, khó có thể nói rằng ngành này đang thu hẹp quy mô.

Bởi lẽ, doanh số từ bộ phận hàng thời trang và đồ da của LVMH, nguồn tạo ra lợi nhuận chính của hãng, nhiều hơn 80% nếu so với quý III/2019 - thời điểm trước đại dịch. 

Ngành công nghiệp này đã có một bước phát triển đáng kinh ngạc so với thời điểm Covid-19 xuất hiện, và đang ở một vị thế rất khác so với 3 năm trước.

Do đó, dù đang dần mất ưu thế tăng trưởng ở thời điểm hiện tại, ngành này được dự đoán sẽ tăng trưởng trở lại vào năm 2024, và những "bước đi chậm" vừa qua không đại diện cho một "dấu chấm hết" với biểu đồ tăng trưởng của hàng xa xỉ.

Xem thêm >> Ngành hàng xa xỉ 'chao đảo' do người Trung Quốc chắt bóp chi tiêu

Theo FT, WSJ
Cùng chuyên mục
Tin khác