Năm 2024, dự báo thị trường hàng xa xỉ của Việt Nam sẽ đạt doanh thu xấp xỉ 1 tỷ USD.
Mặc dù mức độ giàu có có thể chưa so sánh được với nhiều nước châu Á khác nhưng Việt Nam hiện là ngôi sao đang lên của ngành hàng xa xỉ.
Thị trường mục tiêu số 1 Đông Nam Á
Thị trường hàng xa xỉ của Việt Nam dự báo sẽ tạo ra doanh thu 992,20 triệu USD vào năm 2024 cùng với việc gia tăng sự hiện diện của nhiều thương hiệu cao cấp tại Việt Nam.
Trong năm năm, từ năm 2024 đến 2028, doanh thu thị trường hàng xa xỉ dự kiến tăng trưởng 3,10%/năm. Trong đó, thời trang cao cấp nắm giữ khối lượng thị trường lớn nhất, đạt 298,60 triệu USD vào năm 2024.
Các thương hiệu Gucci, Louis Vuitton, Chanel, Dior đều có mức tăng trưởng doanh số mạnh mẽ tại thị trường Việt Nam trong ba năm gần đây.
Riêng trong năm 2022, Louis Vuitton đã thu về hơn 2.300 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp, nhà phân phối cho các thương hiệu cao cấp như ACFC của “vua” hàng hiệu Johnathan Hạnh Nguyễn cũng đạt doanh số ấn tượng với hơn 3.000 tỷ đồng trong năm 2022.
Tập đoàn Tam Sơn, nhà phân phối các thương hiệu Hermès, Patek Philippe, Vacheron Constantin, Piaget… đạt doanh số cao nhất, gần 5.000 tỷ đồng trong năm 2022.
Sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam còn được thể hiện qua việc những bộ sưu tập mới nhất của các thương hiệu xa xỉ đều được giới thiệu đồng thời cùng với các thị trường quốc tế khác.
Theo TS Daniel Borer, giảng viên kinh tế ĐH RMIT Việt Nam, mặc dù là nền kinh tế có mức thu nhập bình quân đầu người 4.200 USD/ (nhóm quốc gia đang phát triển) nhưng các thương hiệu mỹ phẩm, trang sức và thời trang cao cấp như Dior, Chanel, Louis Vuitton và Cartier đang biến Việt Nam trở thành một trong những thị trường mục tiêu hàng đầu ở Đông Nam Á.
“Dior và Chanel rất quan tâm đến vấn đề kinh tế. Hàng xa xỉ là một trong những mặt hàng hiếm hoi mà mọi người chi tiêu quá mức khi họ trở nên giàu có hơn. Thu nhập tăng 10% có thể dẫn đến lượng mua hàng xa xỉ tăng từ 10% đến trên 33%.
Nghiên cứu chỉ ra khi lương của một người tăng từ 200 triệu đồng lên 220 triệu đồng (tương đương mức tăng 10%), thì người đó có thể tăng chi tiêu cho những món đồ xa xỉ từ 30 lên 40 triệu đồng/tháng (tương đương 33,3%)” - vị chuyên gia ĐH RMIT giải thích.
Millennial trẻ có xu hướng gia nhập thị trường xa xỉ sớm
Việt Nam có khoảng 24 triệu người tiêu dùng thuộc thế hệ millennial (18-35 tuổi). Trong đó, 8% có thu nhập 30-45 triệu đồng và 5% có thu nhập trên 45 triệu đồng. Đây là nhóm khách hàng mục tiêu quan trọng của các thương hiệu hàng xa xỉ.
Các millennial trẻ có xu hướng gia nhập thị trường xa xỉ sớm hơn các millennial thế hệ đầu. 38% millennial trong khoảng 23-30 tuổi đã bắt đầu mua các mặt hàng cao cấp trong một năm trở lại đây, so với 19% millennial trong khoảng 31-38 tuổi.
Một năm trung bình một người Việt có thể đi du lịch với mục đích giải trí đến 4,2 lần, trong số đó có 1,4 chuyến đi nước ngoài.
Trong đó, 1/2 số người đi du lịch sẽ mua sắm hàng hóa cao cấp tại các trung tâm thương mại nước ngoài và 43% đặt hàng nhập ngoại qua đường xách tay.
Với các dịch vụ cao cấp: 51% khách hàng đề cao các trải nghiệm chăm sóc đặc biệt và được cá nhân hóa, 50% muốn trải nghiệm chất lượng đặc sắc, 40% đề cao việc có quy trình hoạt động quy chuẩn.
Với các ngành thời trang, giày dép và phụ kiện: 49% khách hàng ưu tiên các sản phẩm làm từ chất liệu thân thiện với môi trường, 48% muốn sản phẩm có chất lượng cao, 38% muốn một sản phẩm không bị lỗi mốt và luôn hợp thời.
Có thể thấy rằng người tiêu dùng thế hệ millennial có thể có những yêu cầu khác nhau với các ngành hàng khác nhau nhưng các giá trị cốt lõi tập trung ở sự an toàn, chất lượng, trải nghiệm tinh xảo, có chiều sâu và đáng nhớ.
Trên 19.000 triệu phú USD
Sự gia tăng mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu Việt Nam với thu nhập khả dụng ngày càng tăng đã dẫn đến nhu cầu về hàng hóa xa xỉ tăng cao. Trong báo cáo mới phát hành, Tập đoàn New World Wealth tính toán Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng tài sản cao nhất trong vòng 10 năm tới với mức độ giàu có tăng 125%.
Đây là mức tăng trưởng tài sản lớn nhất so với bất kỳ quốc gia nào xét về GDP bình quân đầu người và số lượng triệu phú USD. Theo đó, Việt Nam hiện có 19.400 triệu phú USD và 58 người có tài sản hơn 100 triệu USD.
Bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc cấp cao phụ trách bộ phận cho thuê thương mại Savills Hà Nội, cũng đưa ra nhận định một trong những lý do việc thị trường Việt Nam thu hút các thương hiệu nổi tiếng là số người siêu giàu Việt Nam đã tăng gấp đôi, người giàu tăng thêm 70% trong năm năm qua và dự báo tiếp tục tăng vọt trong năm năm tới.
“Giới siêu giàu Việt Nam đang tận hưởng tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng. Không chỉ vậy, năm 2022, năm bùng nổ kinh tế của Việt Nam, các thương hiệu xa xỉ như Gucci, Louis Vuitton, Chanel và Dior cũng kịp gia tăng lợi nhuận trung bình 140% so với năm trước” - TS Daniel Borer cho biết.
Theo TS Daniel Borer, giới siêu giàu không ngại khoe sự giàu có mới của mình bằng những món đồ mà chỉ một số ít người có đặc quyền mới có thể mua được. Đây là tin tốt cho các thương hiệu xa xỉ, vì họ mong muốn nhắm đến một số ít người thuộc giới thượng lưu có thu nhập cao hơn là chia sẻ của cải mới với đại chúng.
Nếu tất cả đều trở nên giàu có như nhau thì sẽ không có gì nhiều để hãnh diện. Đặc biệt trong thị trường thương hiệu xa xỉ, tính độc quyền và chủ nghĩa tinh hoa là chìa khóa.
Hàng hóa xa xỉ cần nằm ở vị trí “ngoài tầm với” của đa số để giữ được sự huyền bí và hấp dẫn.
Sức hút đầu tư cao
Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital, cho biết Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, các khoản đầu tư nước ngoài giúp tạo ra công ăn việc làm với mức thu nhập tốt cho người Việt.
Về tốc độ tăng trưởng GDP, trong khi hầu hết các quốc gia phải vật lộn để phục hồi sau đại dịch, Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng kinh tế kỷ lục là 7,2% vào năm 2022.
Từ năm 2019 đến 2023, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam giữ ổn định trên 4%.
Được xem là một quốc gia hấp dẫn để đầu tư do hội tụ các yếu tố vị trí địa lý gần Trung Quốc, gần các tuyến đường hàng hải thương mại lớn, cũng như hệ thống cơ sở hạ tầng đang được đầu tư rất mạnh mẽ những năm gần đây.
Việt Nam cũng đang là trung tâm sản xuất quan trọng của nhiều tập đoàn đa quốc gia hoạt động trong các lĩnh vực công nghệ, ô tô, điện tử, quần áo và dệt may.
Đồng thời, triển vọng doanh số của các nhãn hàng xa xỉ tại Việt Nam góp phần tạo động lực cho việc tiếp tục mở rộng, thu hút các thương hiệu xa xỉ mới đầu tư vào thị trường Việt Nam.
(VNF) - Sau hơn hai năm thi công, dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua địa bàn Hà Tĩnh dần hoàn thiện. Các Ban dự án và đơn vị thi công đang tập trung nhân lực, phương tiện, đẩy nhanh tiến độ thi công để kịp đưa vào khai thác dự kiến vào dịp 30/4/2025.