Lợi nhuận của Mercedes giảm một nửa khi Trung Quốc ‘lánh xa’ hàng xa xỉ

Hải Đăng - 26/10/2024 08:45 (GMT+7)

(VNF) - Nhà sản xuất ô tô cao cấp của Đức Mercedes-Benz ngày 25/10 công bố lợi nhuận của hãng trong quý III đã giảm mạnh hơn 50%, chịu ảnh hưởng nặng nề từ sự suy yếu ở thị trường trọng điểm Trung Quốc.

Lợi nhuận giảm sâu

"Kết quả kinh doanh quý III không đáp ứng được tham vọng của chúng tôi. Chúng tôi đang có cái nhìn thận trọng về sự phát triển của thị trường trong tương lai và chúng tôi sẽ tăng cường mọi nỗ lực để tăng hiệu quả hơn nữa và cải thiện chi phí trên toàn bộ doanh nghiệp", Giám đốc tài chính Harald Wilhelm của Mercedes-Benz cho biết trong một tuyên bố ngày 25/10.

Doanh thu quý III của Mercedes là 34,5 tỷ euro (37,4 tỷ USD), giảm khoảng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Thu nhập trước lãi vay và thuế giảm xuống còn 2,52 tỷ euro, ghi nhận mức giảm 48% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mercedes-Benz E350el tại Triển lãm ô tô quốc tế Vũ Hán 2024 vào ngày 14 tháng 9 năm 2024. (Wang HE/Getty Images) · Wang HE qua Getty Images

Nhà sản xuất ô tô Đức cho biết lợi nhuận ròng của hãng đạt 1,72 tỷ euro (1,86 tỷ USD) trong quý III, giảm mạnh so với mức 3,7 tỷ euro cùng kỳ năm trước. Lượng xe giao đi toàn cầu giảm 3%, trong đó nguyên nhân chính là mức giảm 13% tại Trung Quốc .

Đối với những mẫu xe hạng sang có lợi nhuận cao nhất của tập đoàn, doanh số bán hàng trên toàn thế giới đã giảm 12%.

Mercedes cho biết họ dự kiến ​​doanh số bán hàng hằng năm vào năm 2024 sẽ thấp hơn một chút so với năm trước, trong khi kết quả kinh doanh quý IV dự kiến ​​sẽ tương tự như quý III.

Công ty đã hạ triển vọng hàng năm hai lần trong quý III, dự báo lợi nhuận hoạt động sẽ "thấp hơn đáng kể so với mức của năm trước".

Mercedes cho biết thêm rằng thu nhập từ tháng 7 đến tháng 9 bị ảnh hưởng bởi chi phí cải tiến mẫu xe, đặc biệt là đối với các phiên bản mới của xe SUV G-Class, sẽ ra mắt vào quý tiếp theo.

Sự suy thoái kinh tế của Trung Quốc đã ảnh hưởng nặng nề đến hãng sản xuất ô tô Đức, đặc biệt là các đơn đặt hàng xe S-Class và Maybach cao cấp.

Tổng giám đốc điều hành của Mercedes-Benz, ông Ola Kaellenius, đã cảnh báo rằng người tiêu dùng Trung Quốc cực kỳ thận trọng khi mua những món hàng đắt đỏ vì tình hình kinh tế suy yếu kéo dài và cuộc khủng hoảng bất động sản tại địa phương đã tạo ra sự bất ổn đáng kể cho người tiêu dùng.

Cổ phiếu của Mercedes đã giảm tới 3,9% trong phiên giao dịch đầu ngày 25/10. Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu của hãng đã giảm khoảng 9%.

Kết quả của Mercedes trái ngược hẳn với hãng xe điện Mỹ Tesla, công ty chứng kiến ​​cổ phiếu tăng mạnh nhất trong 11 năm sau khi công bố thu nhập và biên lợi nhuận mạnh mẽ đáng ngạc nhiên. Hãng xe điện của tỷ phú Elon Musk dự kiến ​​sẽ tăng lượng xe giao trong quý cuối cùng của năm nay, trong khi Mercedes cho biết doanh số của họ sẽ vẫn ở mức tương tự.

Cắt giảm chi phí

Mercedes-Benz đã cắt giảm mục tiêu biên lợi nhuận cả năm hai lần trong quý II và cùng với nhiều đối thủ châu Âu khác đổ lỗi cho thị trường ô tô Trung Quốc suy yếu khiến lợi nhuận và biên lợi nhuận giảm.

Một chiếc xe Mercedes-AMG SL 63 4MATIC+ được trưng bày tại phòng trưng bày ở trung tâm năng lực Mercedes-Benz, tại Sindelfingen. (Reuters)

Kết quả kinh doanh không như kỳ vọng được đưa ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán giữa Ủy ban châu Âu (EC) và Bắc Kinh vẫn đang tiếp diễn về mức thuế quan sắp áp lên xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc vào châu Âu. Đây được xem là một vấn đề đau đầu đối với các hãng sản xuất ô tô lớn tại châu Âu vốn phụ thuộc vào Trung Quốc do lo ngại về khả năng trả đũa.

Mercedes-Benz đã gọi mức thuế quan này là "sai lầm", đồng thời kêu gọi Ủy ban châu Âu hoãn việc thực hiện để có thể tiếp tục đàm phán về một thỏa thuận phù hợp.

Sự suy thoái ở Trung Quốc đã buộc công ty phải cắt giảm triển vọng bán hàng năm 2024 và giảm biên lợi nhuận điều chỉnh cho đơn vị ô tô của mình.

Trong khi Mercedes cam kết cải thiện vị thế chi phí của mình, hãng không nêu rõ sẽ cắt giảm ở đâu. Nhà sản xuất này vận hành một số nhà máy ở Đức, nơi chi phí lao động và năng lượng tương đối cao.

Hãng cũng đang đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển (R&D) để chuyển sang điện khí hóa, đồng thời sản xuất cả mẫu xe điện và động cơ đốt trong tại mạng lưới nhà máy rộng lớn của mình.

Kết quả kinh doanh mới nhất là đòn giáng mạnh vào chiến lược cốt lõi của Mercedes nhằm hỗ trợ tài chính cho quá trình chuyển đổi sang tương lai hoàn toàn bằng điện.

Nhà sản xuất ô tô cao cấp này là hãng xe lớn mới nhất của châu Âu gặp rắc rối khi lục địa này đang phải vật lộn với doanh số bán xe điện ảm đạm.

Không chỉ Mercedes, các đối thủ của hãng là VW, BMW và Stellantis (công ty mẹ của Fiat) đều đã đưa ra cảnh báo về lợi nhuận giảm sút trong những tuần gần đây, vì ngành công nghiệp ô tô châu Âu phải đối mặt với nhu cầu yếu và sự cạnh tranh từ các công ty mới thành lập của Trung Quốc trong và ngoài nước.

Theo Reuters, Fortune
Đơn xin cấp bằng sáng chế chất bán dẫn của Trung Quốc tăng vọt, vượt xa Mỹ

Đơn xin cấp bằng sáng chế chất bán dẫn của Trung Quốc tăng vọt, vượt xa Mỹ

Tài chính quốc tế
(VNF) - Theo báo cáo từ Mathys & Squire, một công ty luật về sở hữu trí tuệ, số lượng đơn xin cấp bằng sáng chế liên quan đến chất bán dẫn được nộp tại Trung Quốc đã tăng vọt vào năm 2023 - 2024 và hiện đang vượt xa Mỹ.
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.