PVB chốt hợp đồng trăm tỷ ở Lô B – Ô Môn, cổ phiếu tăng kịch trần
(VNF) - Ngay khi PVB công bố về việc chốt hợp đồng tại siêu dự án Lô B – Ô Môn, cổ phiếu này đã tăng kịch trần khi kết phiên ngày 18/12, đạt 30.200 đồng/cổ phiếu.
Công ty cổ phần Bọc ống Dầu khí Việt Nam (HoSE: PVB) vừa thông qua nội dung Hợp đồng bọc ống Dự án EPC Đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn với Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNX: PVS).
Giá trị hợp đồng đạt gần 426 tỷ đồng, trong đó tạm ứng 15% sau khi ký kết, thanh toán đến 80% tổng giá trị ống thép đã bọc đủ điều kiện nghiệm thu theo yêu cầu kỹ thuật, thanh toán đến 95% tổng giá trị ống thép đã bọc theo từng đợt giao hàng (sau khi ống bọc được giao hàng tại cảng giao). Thời gian thực hiện trong vòng 282 ngày kể từ thời điểm ký kết giữa PVB và PVS.
Thuộc nhóm doanh nghiệp thượng nguồn trong ngành dầu khí, PVB là một trong những doanh nghiệp đầu tiên hưởng lợi từ siêu dự án Lô B – Ô Môn. Đây là công ty duy nhất của Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực bọc ống, sản xuất các sản phẩm cơ khí, chống ăn mòn kim loại, gia tải đường ống... Nhà máy bọc ống dầu khí của PVB cũng là nhà máy đầu tiên tại Việt Nam và là nhà máy hiện đại nhất tại khu vực Đông Nam Á.
Theo Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), khối lượng công việc của PVB dự kiến sẽ gia tăng đáng kể được hỗ trợ bởi quy hoạch phát triển đường ống dài 433km của dự án Lô B Ô Môn (ngoài khơi 330km, trên bờ 103km). Với lợi thế đặc thù, PVB có thể giành được hợp đồng khoảng 100 triệu USD cho khối lượng công việc bọc đường ống của Lô B, với doanh thu ước tính từ Lô B là 2,5 nghìn tỷ đồng trong giai đoạn 2025- 2027.
Bên cạnh đó, VCBS kỳ vọng PVB sẽ giành được các hợp đồng bọc đường ống khác cho nhiều dự án hơn, bao gồm Lạc Đà Vàng, Sư Tử Trắng giai đoạn 2B,…trong giai đoạn 2025-2028.
Theo VCBS, sau thời kỳ đỉnh cao của ngành dầu khí từ 2010 đến 2014, thời gian vừa qua đã chứng kiến có ít dự án dầu khí hơn, điều này ảnh hưởng đến dịch vụ bọc đường ống của PVB. Do đó, việc khởi động lại các dự án trong nước là động lực chính cho PVB, đặc biệt là dự án lô B. Do đó, tiến độ xây dựng đường ống Lô B chậm hơn dự kiến sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến doanh thu và lợi nhuận của PVB.
Riêng trong quý III vừa qua, PVB ghi nhận doanh thu giảm 48%, đạt 21,6 tỷ đồng và lỗ sau thuế 6,6 tỷ đồng, kém sắc hơn mức lỗ 2,7 tỷ đồng cùng kỳ. Doanh thu kém tích cực do chưa có dự án lớn nào được triển khai, không bù đắp được chi phí phát sinh trong kỳ.
Luỹ kế 9 tháng năm 2024, doanh thu của PVB đạt 208,8 tỷ đồng (tăng gấp 2,2 lần), lợi nhuận sau thuế đạt 20,3 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 7,6 tỷ đồng). Kết quả này đến từ việc PVB đã hoàn thành xong dự án Kình Ngư Trắng trong nửa đầu năm.
VCBS cho rằng, với lợi thế là nhà cung cấp hàng đầu dịch vụ bọc ống cho các đơn vị trong và ngoài ngành dầu khí, là doanh nghiệp bọc ống duy nhất và đầu tiên tại Việt Nam, PVB đã giành được hầu hết hợp đồng cho tất cả các dự án dầu khí trong nước từ năm 2010 đến nay.
Trên thị trường chứng khoán, ngay khi PVB công bố về việc chốt hợp đồng tại siêu dự án Lô B – Ô Môn, cổ phiếu này đã tăng kịch trần khi kết phiên ngày 18/12, đạt 30.200 đồng/cổ phiếu. Trong vòng 1 năm trở lại đây, PVB ghi nhận mức tăng 43,8% nhờ những tín hiệu tích cực xung quanh siêu dự án Lô B – Ô Môn.
Đà tăng mạnh của cổ phiếu PVB ghi nhận rõ rệt nhất trong giai đoạn từ giữa tháng 4 tới đầu tháng 6, tăng từ 22.700 đồng/cổ phiếu lên mức 32.200 đồng/cổ phiếu, tương đương mức tăng 42%. Sau đó, PVB trải qua một số đợt điều chỉnh, nhưng nhìn chung vẫn ở vùng giá trên 25.000 đồng/cổ phiếu.
Lô B - Ô Môn được đánh giá là 1 đại dự án với vốn xây dựng cơ bản đạt 14 tỷ USD, vòng đời 23 năm bao gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn xây dựng từ năm 2024-2027, giai đoạn khai thác và mở rộng từ năm 2028-2050.
Tổng trữ lượng ước tính của các mỏ khí Lô B - Ô Môn đạt 107 tỷ m3 khí và 12,65 triệu thùng condensate. Sản lượng khí đạt 5-7 tỷ m3/năm trong vòng đời 23 năm của dự án. Mục đích của dự án Lô B là đáp ứng nhu cầu điện cho khu vực Tây Nam Việt Nam khi trữ lượng khí của mỏ khí PM3 hiện tại ngày càng cạn kiệt.
Đại dự án 14 tỷ USD, động lực tăng trưởng mới của nhóm dầu khí
Toàn cảnh công trường cầu 2.300 tỷ nối Đảo Vũ Yên vào nội đô Hải Phòng
(VNF) - Cầu Máy Chai (Cầu Hoàng Gia) nối khu đô thị trên đảo Vũ Yên và quận Ngô Quyền với tổng vốn đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng