Bảo hiểm Quân đội tăng vốn lên 2.000 tỷ, cổ phiếu MIG 'bung' kịch trần
(VNF) - Sau khi Bảo hiểm Quân đội công bố chốt quyền mua cổ phiếu trong đợt chào bán sắp tới, trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu MIG ngay lập tức phản ứng khi tăng kịch trần lên mức giá 18.100 đồng/cổ phiếu.
Trong ngày 10/12 tới đây, Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Quân Đội (HoSE: MIG) vừa sẽ thực hiện chốt quyền mua cổ phiếu trong đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng. Tỷ lệ thực hiện quyền là 100:15, 1 cổ phần tương ứng với 1 quyền mua, 100 quyền được mua 15 cổ phần mới. Thời gian chuyển nhượng quyền mua từ ngày 18/12 đến ngày 30/12.
Theo kế hoạch của MIG, doanh nghiệp bảo hiểm này sẽ chào bán thêm 25,9 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 15%, giá chào bán bằng mệnh giá (10.000 đồng/cổ phiếu) và thấp hơn thị giá của MIG trên thị trường chứng khoán khoảng 45%.
Số tiền thu được từ việc chào bán (259 tỷ đồng) sẽ được MIG sử dụng để đầu tư năng lực, giải pháp triển khai chiến lược (100,5 tỷ đồng) và đầu tư tài chính (159,5 tỷ đồng).
Cùng với đó, MIG cũng lên kế hoạch phát hành thêm 2,8 triệu cổ phiếu cho người lao động (ESOP). Tổng cộng, doanh nghiệp bảo hiểm này sẽ phát hành thêm khoảng 28,7 triệu cổ phiếu. Qua đó, vốn điều lệ sẽ tăng từ mức 1.726 tỷ đồng lên mức gần 2.014 tỷ đồng.
Với mức vốn điều lệ này, MIG sẽ chỉ đứng sau hai ông lớn ngành bảo hiểm (trên sàn chứng khoán) là Tập đoàn Bảo Việt (7.423 tỷ đồng) và Công ty Cổ phần PVI (2.342 tỷ đồng).
Hiện nay các doanh nghiệp bảo hiểm trên sàn phần lớn đều có vốn điều lệ ở quy mô nhỏ và vừa. Ba doanh nghiêp có mức vốn điều lệ dưới 1.000 tỷ đồng là Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Bảo Long (600 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam (723 tỷ đồng) và Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (804 tỷ đồng).
Hoạt động tăng vốn của các doanh nghiệp bảo hiểm trên sàn cũng chậm lại đáng kể khi chỉ ghi nhận một vài đợt phát hành, mức độ gia tăng cũng không quá cao.
Bảo hiểm Bưu điện (PTI) là một trong số các doanh nghiệp bảo hiểm rất mong muốn đăng tăng vốn điều lệ. Chủ tịch Phạm Minh Hương từng cho biết quy mô vốn nhỏ của PTI làm doanh nghiệp khó có cơ hội tham vào các hợp đồng bảo hiểm lớn do không đáp ứng được yêu cầu của chủ đầu tư về mức vốn điều lệ tối thiểu.
Bên cạnh đó, quy mô vốn nhỏ cũng dẫn đến việc hạn chế khả năng cạnh tranh với các đối thủ trên thị trường, làm ảnh hưởng đến khả năng giữ lại của doanh nghiệp bảo hiểm. Tuy nhiên, dù rất mong muốn được tăng vốn, PTI lại không được cổ đông lớn là DB Insurance chấp thuận toàn bộ các phương án phát hành đã đề xuất tại ĐHĐCĐ.
Quay lại với MIG, sau khi doanh nghiệp công bố chốt quyền mua cổ phiếu trong đợt chào bán sắp tới, trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu MIG ngay lập tức phản ứng khi tăng kịch trần lên mức giá 18.100 đồng/cổ phiếu.
Đây là tín hiệu tích cực đối với MIG khi mà cổ phiếu này đã mất mốc 18.000 đồng kể từ phiên 9/9 và chỉ giao động trong khoảng giá 16.450 - 17.700 đồng/cổ phiếu.
Kết thúc quý III, MIG ghi nhận doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt hơn 855 tỷ đồng, tăng 13% so với mức thực hiện cùng kỳ năm 2023. Tổng chi phí gia tăng không kém ở mức 16%, đạt trên 772 tỷ đồng.
Điều này làm lợi nhuận trước thuế của MIG giảm mạnh 42% so với cùng kỳ, đạt gần 31 tỷ đồng.
Luỹ kế 9 tháng, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm MIC đạt gần 2.590 tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt trên 207 tỷ đồng, giảm 3,3%. Kết quả này đã hoàn thành 47,1% kế hoạch năm về lợi nhuận. Như vậy, đã qua 9 tháng nhưng MIG vẫn chưa hoàn thành được một nửa kế hoạch đã đề ra.
Bảo hiểm Quân đội (MIG) đón cổ đông lớn nước ngoài
- Tân tổng giám đốc Bảo hiểm Quân đội (MIG) là ai? 16/03/2023 03:39
- Bảo hiểm Quân đội (MIG) phát hành hơn 28 triệu cổ phiếu giá bằng nửa thị giá 20/08/2022 05:24
- Bảo hiểm MIC củng cố sức mạnh giúp cổ phiếu MIG thăng hoa 22/06/2021 06:12
Toàn cảnh Sân vận động Chi Lăng đang thế chấp ngân hàng vay nghìn tỷ
(VNF) - Đà Nẵng sẽ điều chỉnh sân vận động Chi Lăng từ đất thể thao thành đất thương mại dịch vụ và đấu giá toàn bộ dự án để thi hành án.