'Quân bài chiến lược' của Trung Quốc: Chiếm ngôi số 1 của Đức, khiến cả châu Âu phải phụ thuộc

Mai Lý - 19/07/2023 11:27 (GMT+7)

(VNF) - Ván cược của Trung Quốc vào chip đang không suôn sẻ như dự tính. Thay vào đó, nền kinh tế Trung Quốc lại đang dựa vào hai nhân tố khác, đó là xe điện và pin năng lượng mặt trời.

VNF

Nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại. Trong ba năm qua, chính quyền Bắc Kinh đã cược một ván bài lớn với chất bán dẫn, pin xe điện và các công nghệ cứng khác để tìm động lực mới cho nền kinh tế. 

Xe điện trở thành một điểm sáng trong bức tranh ảm đạm của nền kinh tế Trung Quốc. Mặc dù ngành công nghiệp xe điện vẫn còn “non trẻ” so với những ngành dẫn đầu như điện thoại, máy tính và thương mại điện tử. Ngành công nghiệp máy tính và điện tử đã tuyển dụng số lượng nhân viên nhiều gấp 2 lần so với ngành công nghiệp ô tô vào tháng 5/2023, theo nhà cung cấp dữ liệu CEIC.

Theo Andy Rothman của Matthews Asia, xuất khẩu máy tính và điện thoại đạt hơn 24 tỷ USD trong tháng 5/2023, vượt xa tổng 14 tỷ USD của ngành công nghiệp xe điện, pin mặt trời và pin lithium-ion.

Xe điện đang là điểm sáng của nền kinh tế Trung Quốc

Tuy nhiên, nếu xét đến tốc độ phát triển của ngành xe điện, mọi thứ có thể thay đổi sau vài năm nữa. Nếu Trung Quốc có thể giữ vị trí dẫn đầu thế giới về xe điện thì họ có thể biến xe điện thành liều thuốc trợ lực cho sự phát triển của nền kinh tế vốn đang ảm đạm trong thời gian qua.

Cùng với việc tăng thị phần tại Nga, số lượng ô tô Trung Quốc xuất khẩu ra các thị trường quốc tế đã tăng 58% lên 1,07 triệu chiếc trong quý I năm nay. Nhờ đó, Trung Quốc vượt Nhật Bản để trở thành quốc gia xuất khẩu ô tô số 1 thế giới. Theo ước tính của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, tổng lượng xe xuất khẩu từ Trung Quốc trong năm 2023 có thể chạm ngưỡng 4 triệu chiếc, tương đương với mức tăng 30%.

Sự tăng trưởng của ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc có sự trợ giúp rất lớn từ phân khúc xe điện. Trong 1,07 triệu xe xuất khẩu vào quý I năm nay, có tới 380.000 xe sử dụng năng lượng mới (bao gồm xe điện, xe hybrid và xe chạy nhiên liệu hydro), tăng tới 93% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhiều hãng xe điện của Trung Quốc như GAIC, BYD…đang bành trướng trên thị trường quốc tế. Những hãng xe điện này hiện diện ở nhiều con phố, từ Sydney (Australia), Delhi (Ấn Độ), Bangkok (Thái Lan) cho đến cả Motevideo (Uruguay).

Khu sản xuất của BYD tại Trung Quốc

Ở nhiều quốc gia, xe điện Trung Quốc còn thống trị thị trường. Đơn cử như BYD đã trở thành hãng ô tô điện hàng đầu tại Brazil, Israel, Thái Lan và Colombia trong quý I/2023. Đây thực sự là một thắng lợi giòn giã của một thương hiệu Trung Quốc trên trường quốc tế.

Tại thị trường trong nước, BYD đã vượt Volkswagen để trở thành thương hiệu ô tô bán chạy nhất Trung Quốc trong quý I năm nay, chấm dứt sự thống trị của Volkswagen trong suốt 15 năm qua. Vào năm ngoái, BYD đã bán được 1,8 triệu xe sử dụng năng lượng mới, tăng gấp 2 lần so với tổng doanh số của 4 năm trước cộng lại. Số nhân viên của BYD trên toàn cầu cũng tăng lên 570.000 người, cao hơn con số 200.000 người của Toyoto. Cựu giám đốc Tesla Steve Westly phải thừa nhận “BYD đột ngột trở thành một trong những hãng xe lớn nhất trên thế giới”.

Ngoài xe điện, pin mặt trời cũng được xem là “quân bài chiến lược” mới của Trung Quốc. Giữa lúc thế giới đang chuyển dịch từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời thì Trung Quốc lại sản xuất tới 80% tổng số tấm pin mặt trời trên toàn cầu.

Pin mặt trời cũng là quân bài chiến lược của chính quyền Bắc Kinh

Nếu xét trên chuỗi cung ứng, sự thống trị của Trung Quốc thậm chí còn rõ ràng hơn: sản xuất 85% thành phần pin quang điện, 88% polysilicon (tấm chuyển quang điện thành điện năng) và tới 97% tấm mỏng bảo vệ lõi pin mặt trời.

Châu Âu từng dẫn đầu cuộc đua pin mặt trời vào năm 2005 khi Đức chiếm tới 1/5 sản lượng pin mặt trời trên toàn cầu. Thế nhưng ở thời điểm hiện tại, cứ 10 tấm pin mặt trời bán ra thị trường lại có 8 tấm pin được sản xuất tại Trung Quốc. Ngành công nghiệp năng lượng mặt trời ở châu Âu hiện đang trong thế phụ thuộc, khi họ nhập khẩu hầu hết sản phẩm từ Trung Quốc, Bloomberg chỉ ra.

Giáo sư Graham Allision tại Đại học Harvard nhận định: “Trung Đông trở thành trung tâm của đấu trường trong thập kỷ qua vì các nước đó là những nhà cung cấp dầu và khí đốt chính – nguồn năng lượng của nền kinh tế thế kỷ XX. Nếu trong thập kỷ tới khi điện mặt trời thay thế dầu mỏ, ai sẽ là người chịu thiệt và ai sẽ là kẻ chiến thắng?” Nếu Trung Quốc vẫn giữ vững được lợi thế như hiện tại, câu trả lời chắc chắn đã quá rõ ràng.

Theo WSJ, Bloomberg
Cùng chuyên mục
Tin khác