Quan chức Đức: Mỹ ngăn Dòng chảy phương Bắc 2 vận hành để bán LNG đắt đỏ cho châu Âu

Minh Đăng - 14/01/2022 09:52 (GMT+7)

(VNF) - Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Đức, ông Michael Roth, cho biết Mỹ đặc biệt quan tâm đến cuộc chiến chống lại dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) của Nga bởi nước này có những toan tính riêng đối với thị trường khí đốt châu Âu.

VNF
Xuất khẩu LNG từ Mỹ đứng đầu với 7,7 triệu tấn trong tháng 12/2021.

“Ngày nay, phần lớn những lời chỉ trích về đường ống này đều được thúc đẩy bởi lợi ích của Mỹ. Rốt cuộc cũng chỉ là Mỹ muốn bán khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đắt đỏ ở châu Âu”, ông Roth trả lời phỏng vấn hãng tin Handelsblatt.

Vị quan chức Đức cho rằng cần đảm bảo Dòng chảy phương Bắc 2 luôn nằm trong chiến lược năng lượng toàn châu Âu, đồng thời ông kêu gọi Nga đảm bảo tiếp tục trung chuyển khí đốt qua Ukraine sau năm 2024.

Ở động thái liên quan mới nhất, sau cuộc họp không chính thức của các bộ trưởng quốc phòng EU tại Pháp ngày 13/1, đại diện cấp cao về Chính sách Đối ngoại và An ninh của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cho rằng khối này không thể cấm xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 nếu dự án này tuân thủ các quy tắc của châu Âu.

Theo ông Borrell, cơ sở hạ tầng đã sẵn sàng và các cơ quan quản lý đang thẩm định (đầu tiên là Đức, sau đó là EU) để xác định xem liệu cơ sở hạ tầng này có thể hoạt động trong hệ thống cung cấp khí đốt của châu Âu hay không.

Ông Borrell cho biết EU không coi Dòng chảy phương Bắc 2 là cơ sở hạ tầng ưu tiên, song lưu ý "Ủy ban châu Âu và các tổ chức của EU không thể cấm các cơ sở hạ tầng được xây dựng theo các quy tắc".

Trong bài đăng mới đây, hãng tin Bloomberg dẫn lời ông Sebastian Bleschke, người đứng đầu INES, hiệp hội các nhà điều hành hệ thống lưu trữ khí và hydro của Đức, tuyên bố, nếu không tăng nhập khẩu từ Nga, các cơ sở lưu trữ khí đốt sẽ chỉ còn 15% trữ lượng trong tháng 2, sau đó thì việc cung cấp khí đốt cho tất cả các khách hàng, bao gồm các nhà máy điện, sẽ ngừng hoạt động.

Theo Bloomberg, việc tăng nhập khẩu LNG của Mỹ gần đây đã mang lại một số sự hỗ trợ, nhưng đây cũng chỉ là phương án tạm thời". Đây là lý do các nhà giao dịch không trông chờ sự cải thiện ít nhất là cho đến năm 2025.

Vào thời điểm giá khí đốt ở châu Âu tăng lên mức kỷ lục mới vào cuối tháng 12/2021, khi Nga ngừng vận chuyển khí đốt qua đường ống Yemen và Dòng chảy phương Bắc 2 vẫn chưa được chấp thuận, các nhà sản xuất Mỹ đã phản ứng bằng cách tăng cường vận chuyển LNG sang châu Âu. Một khu vực khác Mỹ cũng đang tăng cường xuất khẩu khí đốt là Đông Á.

Trong tháng 12/2021, xuất khẩu LNG từ Mỹ đứng đầu thế giới với 7,7 triệu tấn, lần đầu tiên vượt xa các nhà sản xuất đối thủ là Qatar và Australia.

Xem thêm >> WB: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc trong năm 2022, GDP đạt 5,5%

Theo RT, Euronews
Cùng chuyên mục
Tin khác