Quan hệ Việt - Mỹ trong mắt một nhà ngoại giao Việt Nam

Đại sứ Phạm Sanh Châu - 13/07/2020 02:13 (GMT+7)

(VNF) - Đến hôm nay, quan hệ Việt Nam - Mỹ đã bước sang tuổi 25. Ông Phạm Sanh Châu - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ kiêm nhiệm Cộng hòa Dân chủ Liên bang Nepal và Vương quốc Bhutan - đã có bài viết tâm huyết nhân dịp này.

VNF
Đại sứ Phạm Sanh Châu

Việt - Mỹ: Những bước đi đầu tiên

Lần đầu tiên tôi nghe đến từ "Mỹ" là vào năm 1965 - khi Mỹ quyết định mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, dùng máy bay ném bom Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Lúc đó tôi đang đi theo gia đình công tác ở nước ngoài. Tôi thấy ba má tôi bận hẳn lên và các buổi tối ít ở nhà chơi với tôi. Tôi phải ở nhà một mình nhiều tối. Vốn nhút nhát và sợ bóng tối, tôi rất buồn.

Hồi đó các nhà ngoại giao Việt Nam chưa được mang gia đình đi theo như bây giờ. Chỉ có Đại sứ được quyền mang theo vợ và con dưới 5 tuổi. Tôi hỏi ba má tôi tại sao bỏ tôi đi chiêu đãi hoài. Ba tôi nói phải đi vận động các nước lên án Mỹ vì Mỹ mang máy bay ném bom dân thường vô tội ở miền Bắc. Tôi không hiểu nhiều, chỉ biết rằng tôi ghét đế quốc Mỹ từ đấy.

Sau khi về nước một thời gian, má tôi đưa gia đình tôi đi sơ tán đến Hưng Yên để tránh B52 của Mỹ ném bom bắn phá Hà Nội. Tôi buồn vì phải xa bọn trẻ con ở khu tập thể 151 đường Nam Bộ. Không có chúng tôi, không có ai để chơi trò “bắn đòm”, đánh quay và bắt ve. Đã thế, tôi ghét những lúc nửa đêm đang ngon giấc thì bị má tôi đánh thức và lôi vào hầm trú ẩn để tránh bom. Tôi không sợ tiếng gầm thét của máy bay, tiếng súng cao xạ nổ trên đầu hay tiếng bom nổ vì có thể tôi còn quá nhỏ để biết sợ chết. Tôi chỉ ghét đế quốc Mỹ vì phá giấc ngủ ngon của tôi. 

Ngày đất nước thống nhất (1975), anh trai tôi báo tin từ tiểu đội pháo ở Rạch Giá rằng anh còn sống và cơ thể nguyên vẹn, không bị thương tật, trừ tai trái bị nghễnh ngãng do sức ép của đạn pháo. Má tôi ôm tôi và khóc suốt mất ngày vì mừng cho cả gia đình tôi không ai hi sinh trong cuộc chiến. Má có nguyện vọng sớm về Phú Yên sau 21 năm xa cách để thăm mộ ông bà ngoại mất khi má cùng ba ra Bắc tập kết.

Khi tôi vào Đại học Ngoại giao thì chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra. Trong một buổi sinh hoạt văn nghệ hàng năm do nhà trường tổ chức, với tư cách là Bí thư chi đoàn, tôi đã biên kịch một vở kịch để đóng góp một tiết mục của lớp cho hội diễn. Nội dung của vở kịch kể về chuyến thăm Trung quốc của Tổng thống Mỹ Nixon và việc ra Thông cáo chung Thượng Hải 1972 dẫn đến bình thường hoá quan hệ hai nước Mỹ - Trung và mối liên hệ của nó với cuộc chiến tranh biên giới đầu năm 1979. Chúng tôi diễn bằng tiếng Pháp và với tất cả vốn ngôn ngữ ít ỏi mới học được, chúng tôi phê phán và chế giễu Tổng thống Nixon. 

Sau đó tôi vào quân ngũ và được điều lên Trung đoàn pháo binh E 204 đóng quân tại Vĩnh Phúc. Tôi được học nhiều về truyền thống anh hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam, đương nhiên là các bài học vẻ vang về đánh và chiến thắng đế quốc Mỹ. Lúc đó chúng tôi được xác định Mỹ vẫn là kẻ thù lâu dài và nguy hiểm. Việt Nam đang bị Mỹ và các thế lực thù địch khác bao vây cấm vận, nền kinh tế kiệt quệ, đời sống nhân dân cực kỳ khó khăn. Bia để chúng tôi ngắm tập bắn là các chú lính Mỹ cao lênh khênh và râu ria xồm xoàm. 

Giải ngũ, tôi về công tác ở Vụ Vấn đề chung của Bộ Ngoại giao. Vụ chúng tôi được phụ trách thúc đẩy giải quyết vấn đề Campuchia tại hai diễn đàn đàn đa phương lớn là Liên hợp quốc và Phong trào Không liên kết. Đó là thời kỳ rất khó khăn cho ngoại giao Việt Nam vì chúng ta phải “tứ bề thọ địch”.

Vụ chúng tôi được giao phối hợp với Vụ châu Mỹ chuẩn bị cho chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên của một quan chức cấp cao Mỹ để khởi động cho quá trình giải quyết các vấn đề nhân đạo mà hai bên cùng quan tâm. Đó là chuyến thăm của Đại tướng John Vessey với tư cách Đặc phái viên của Tổng thống Reagan vào đầu tháng 8/1987. Đó là những bước đi đầu tiên nhằm phá băng và khai thông quan hệ với Mỹ. 

Cùng với bước đi này, ngoại giao Việt Nam tiến hành các động thái khác như hội nghị Jim 1 rồi Jim 2 ở Jakarta, Indonesia để giải quyết vấn đề Campuchia và quan hệ Việt Nam - ASEAN. Vào thời điểm đó, mối quan hệ giữa 6 nước ASEAN và 3 nước Đông Dương là quan hệ thù địch. 

Đại tướng Vessey quay lại Việt Nam lần thứ hai vào tháng 9/1989 để tiếp tục trao đổi vấn đề nhân đạo mà chủ yếu là vấn đề MIA (lính Mỹ bị mất tích trong chiến tranh Việt Nam).

Một năm sau chuyến thăm này, Việt Nam tiến hành bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc tại hội nghị Thành Đô tháng 9/1990. Cũng vào tháng 9 năm đó, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Phó thủ tướng) kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch thăm Mỹ và gặp Ngoại trưởng James Baker, đánh dấu cuộc gặp gỡ ở cấp cao nhất giữa hai nước kể từ khi kết thúc chiến tranh Việt Nam 1975. Một năm sau Việt Nam ký hiệp định Paris về Campuchia, mở đường cho việc phá thế bị bao vây và cấm vận. 

Cũng vào thời điểm đó, Liên xô và một loạt các nước cộng sản Đông Âu sụp đổ, đánh dấu sự chấm dứt tồn tại của phe xã hội chủ nghĩa với tư cách là một khối các nước. Vì thế, Việt Nam không còn được nhận viện trợ của khối SEV (Hội đồng tương trợ kinh tế do Liên xô đứng đầu) do khối này giải thể. Nhiều người tưởng Việt Nam sẽ sụp đổ nhưng Việt Nam đã khôn khéo chèo lái vượt mọi sóng gió.

Đại sứ Phạm Sanh Châu

Trong từng động thái của ngoại giao Việt Nam, tôi thấy có sự gắn kết với những cải thiện trong quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam. Sau này tôi hiểu rõ rằng quan hệ lành mạnh và tốt đẹp hơn giữa Việt Nam với Mỹ sẽ giúp làm cho quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam với các nước khác, các tổ chức khác tốt đẹp hơn.

Quan hệ với Mỹ không phải là duy nhất và tất cả trong chính sách đối ngoại của Việt Nam nhưng là mối quan hệ mấu chốt, gỡ mở cánh cửa quan hệ với các nước khác và quan trọng nhất giúp bảo đảm một môi trường an ninh và ổn định cần thiết cho Việt Nam. Tôi không còn ghét Mỹ nữa mà ý thức được rằng nước này quan trọng đối với Việt Nam và quan trọng đối với cá nhân tôi. 

Quá trình bình thường hoá Việt - Mỹ

Theo trào lưu của đầu những năm 1990, tôi cũng muốn sang Mỹ học thạc sỹ. Một số anh vào Bộ trước tôi đã thi đỗ vào trường danh giá bậc nhất thế giới về ngoại giao của Mỹ là trường Ngoại giao và Luật pháp Fletcher thuộc Đại học Havard để học thạc sĩ. Họ vốn là những học sinh suất sắc của Đại học Ngoại giao Hà Nội. Ra trường họ là những cán bộ giỏi, có nhiều triển vọng. Một số người hiện đang giữ những trọng trách quan trọng của đất nước và đang làm Đại sứ của Việt Nam ở nhiều nơi.

Cùng lúc đó, Văn phòng Tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam (MIA) được thành lập. Vụ châu Mỹ ở Bộ Ngoại giao được giao đặc trách việc này. Từng đợt tìm kiếm được tổ chức, mang lại niềm an ủi cho những gia đình Mỹ. Việc này được nghị viện và chính quyền của Tổng thống Bush (cha) và Bill Clinton đánh giá cao.

Trong buổi ban đầu của mối quan hệ Việt - Mỹ vốn chưa được chính thức bình thường hoá đó, tôi nhận ra rằng sự thù hằn giữa hai nước đang lùi dần và nhường chỗ cho hai lĩnh vực hợp tác then chốt. Đó là Việt Nam giúp tìm hài cốt của những lính Mỹ mất tích trong chiến tranh ở Việt Nam và Mỹ giúp đào tạo những thanh niên ưu tú của Việt Nam. Hai lĩnh vực hợp tác có ý nghĩa nhân đạo và nhân văn đó đã xây dựng lòng tin ban đầu và tạo những bước đầu tiên giúp khai thông quan hệ hai nước.

Tôi chưa kịp thi học bổng Ford Foundation thì được lãnh đạo Bộ Ngoại giao điều sang thành lập lại Phòng Phiên dịch cùng chị Tôn Nữ Thị Ninh. Trước khi nghỉ hưu vào cuối năm 1991, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch cho lập lại Phòng này vì ông tiên liệu rằng quan hệ đối ngoại của Việt Nam sẽ sang chương mới sau khi Việt Nam khai thông được quan hệ với Mỹ. Vì vậy Bộ Ngoại giao cần nhiều phiên dịch giỏi để giúp cho Việt Nam hội nhập nhanh với thế giới.

Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch

Là phiên dịch của thời kỳ đầu mở cửa về đối ngoại, nhất là sau khi nghị quyết Trung ương 13 năm 1988 ra đời, xác định từ nay Việt Nam sẽ đa dạng hoá quan hệ quốc tế và làm bạn với tất cả các nước, tôi ngày càng bận. Các đoàn nước ngoài bắt đầu đến Việt Nam tìm cơ hội kinh doanh, đầu tư, giáo dục.

Mỹ cử nhiều đoàn, trong đó có các đoàn nghị sĩ. Đoàn đầu tiên gặp Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch là thượng nghị sỹ Lugar tháng 8/1990 để bàn về việc giải quyết vấn đề Campuchia, MIA và bình thường hoá quan hệ hai nước. Rồi nhiều nghị sĩ khác, trong đó có thượng nghị sĩ John McCain và thượng nghị sĩ John Kerry mấy lần thăm Việt Nam để thúc đẩy quan hệ. Nhờ có uy tín cao, hai ông đã đóng vai trò quan trọng trong việc gỡ bỏ cấm vận.

Khi được giao nhiệm vụ dịch cho các bác Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt tôi rất hồi hộp. Đoàn Mỹ thường mang theo phiên dịch để dịch từ tiếng Anh ra tiếng Việt nên tôi chỉ phải dịch từ tiếng Việt ra tiếng Anh. Tôi học thuộc lòng lập trường của Việt Nam và chỉ đợi các bác phát biểu mà ào ào tuôn ra.

Do đây là những cuộc tiếp xúc chính thức đầu tiên giữa các cựu thù nên cũng khá căng thẳng. Hai bên còn thận trọng và thăm dò nhau và sắc thái cuộc gặp tuỳ thuộc tính cách từng lãnh đạo. Bác Đỗ Mười nói sôi nổi vui vẻ và mang phong cách giản dị. Bác Lê Đức Anh thì nói trầm ngâm, từng từ của bác như sức nặng của cả lịch sử hai nước. Bác Võ Văn Kiệt thì ý tứ sâu sắc mặc dù dùng từ đơn giản; trong thâm tâm bác vẫn còn nỗi đau mất người thân trong cuộc chiến.

Nhưng toát lên là những kỷ niệm về việc Bác Hồ viết thư cho Tổng thống Mỹ bày tỏ mong muốn thiết lập quan hệ ngoại giao; Bác trích lời nói đầu trong Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ để đưa vào Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam; sự ủng hộ của đội quân Việt Minh với đội quân biệt kích của Mỹ nhảy dù xuống Việt Nam; tuyệt nhiên không thấy bên nào nhắc lại câu chuyện buồn hay đáng tiếc nào.

Qua các chuyến đi, tình cảm đôi bên ngày càng gắn bó. Tôi cảm giác Mỹ là người chủ động và tích cực thúc đẩy bình thường hoá với Việt Nam. Nghị viện Mỹ, cả thượng viện lẫn hạ viện, cả hai đảng Cộng hoà và Dân chủ đều thống nhất mục tiêu này vì điều đó nằm trong lợi ích chiến lược toàn cầu của Mỹ.

Dịp đó, tôi hiểu hơn về thể chế chính trị của nước Mỹ, nhất là quyền lực rất to lớn của nghị viện Mỹ mà trên thế giới chẳng nghị viện/quốc hội nước nào có được. Mỗi ông nghị lại có một cái chuyên cơ riêng khi đến Việt Nam và mỗi lá thư ông gửi cho chính quyền Mỹ sau khi ông từ Việt Nam trở về, chính quyền lại hồi đáp và có bước điều chỉnh rõ ràng trong quan hệ với Việt Nam.

Đầu năm 1993, Chủ tịch Tiểu ban châu Á - Thái Bình Dương của hạ viện, hạ nghị sĩ Solarz thăm Việt Nam thông báo khả năng chính quyền Mỹ gỡ bỏ cấm vận thương mại. Sau khi ông về, cấm vận được xoá bỏ, các công ty Mỹ ào ạt vào Việt Nam. Nhu cầu cần phiên dịch cho các doanh nghiệp Mỹ tăng lên đột biến. Trung tâm Việt Mỹ của chị Loan Deleo ra đời để hỗ trợ cho các doanh Mỹ vào Việt Nam. Phòng Phiên dịch của tôi bận không kể xiết. Ban ngày thì đi phục vụ đoàn chính thức, tối thì phục vụ các đoàn doanh nghiệp, thu nhập tăng hẳn, tiếng Anh giỏi hơn, kiến thức và hiểu biểt rộng hơn, anh em ai cũng phấn khởi.

Sau khi các doanh nghiệp Mỹ vào, doanh nghiệp các nước khác cũng kéo theo, nào là tìm đối tác, nào mở văn phòng, nào gặp quan chức để tìm hiểu môi trường đầu tư và kinh doanh. Tôi nhận ra là nếu doanh nghiệp Mỹ vào sẽ kéo theo các nước khác cùng vào làm ăn. Nó như thể cấp cho thị trường đó một thứ “tín chỉ” xác nhận địa chỉ đó đủ uy tín để làm ăn.

Cuối cùng với quyết tâm chính trị cao, ngày 11/7/1995 Tổng thống Clinton đã tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước, gác lại quá khứ và mở ra một chương mới trong lịch sử hai nước. Ngày 15/7/1995, Thứ trưởng Lê Mai họp báo tại nhà khách chính phủ thông báo tuyên bố của Thủ tướng Võ Văn Kiệt chấp nhận bình thường hoá quan hệ hai nước.

Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam năm 1995

Sau bình thường hoá: 4 sự kiện ý nghĩa

Sau bình thường hoá là một hành trình dài để đến được mức quan hệ đối tác toàn diện như hiện nay. Đối với tôi, một số sự kiện tuy không được ghi chép chi tiết vào đại sử ký của quan hệ hai nước nhưng có ý nghĩa sâu sắc, cho phép chúng ta thấy được tính phức tạp và nhạy cảm của quan hệ hai nước.

Sự kiện thứ nhất là một tháng sau khi lên truyền hình tuyên bố bình thường hoá quan hệ với Việt Nam, Tổng thống Clinton đã kịp cử Ngoại trưởng Christopher đến Việt Nam vào tháng 8/1995 để đích thân chuyển tải thông điệp hoà giải của tổng thống. Ông là ngoại trưởng đầu tiên của Mỹ đến thăm Việt Nam và khai trương đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội.

Ông kể rằng ngày ông chứng kiến việc cuốn cờ Mỹ ở Sài Gòn buồn thế nào thì khi chứng kiến cờ Mỹ được kéo lên tại đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội ông phấn khởi như thế. Theo ông, nước Mỹ đã khép lại quá khứ bằng việc chính thức mở đại sứ quán tại Hà Nội.

Một trong những điều ngạc nhiên của chuyến đi là Phó thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm đề nghị hai nước sớm có được hiệp định thương mại song phương. Ông Christopher biết rằng việc có hiệp định đó là không hề đơn giản và cần rất nhiều thời gian để chuẩn bị. Ông không từ chối, mà để tỏ thiện chí, ông cử ngay thứ trưởng ngoại giao phụ trách kinh tế, người tháp tùng ông trong chuyến thăm Việt Nam, gặp gỡ các cơ quan ở Việt Nam để tìm hiểu nhu cầu của Việt Nam.

Hành trình để có hiệp định thương mại mà ngày nay cho phép Việt Nam và Mỹ đạt mức kim ngạch 77 tỷ USD đó bắt nguồn từ những bước đi đầu tiên như vậy.

Một điều thú vị nữa đối với ông Christopher là khi chào xã giao Tổng bí thư Đỗ Mười, Tổng bí thư đã nói “Tôi gặp ông suốt”. Ông giật mình vì đây là lần đầu tiên ông đến Việt Nam. Ông trấn tĩnh lại thì nghe Tổng bí thư nói “Tôi gặp ông trên tivi. Tôi thấy ông đi suốt, hết nước này đến nước kia. Ông đi suốt thế là mệt lắm và bà ở nhà lo lắm, thế bà không giận ông à?”

Đối với Ngoại trưởng Christopher, đó là lời hỏi thăm chân tình của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhưng bên cạnh sự ân cần mà hai ông cụ hơn 70 tuổi dành hỏi thăm nhau, Tổng bí thư Đỗ Mười muốn chuyển ngay một thông điệp rằng Việt Nam không muốn Mỹ can thiệp vào công việc của Việt Nam.

Ngoại trưởng Mỹ Christopher (trái) kí nghị định thư với Ngoại trưởng Nguyễn Mạnh Cầm

Sự kiện thứ hai là 3 tháng sau khi hai nước tuyên bố bình thường hoá, tức tháng 10/1995, Chủ tịch nước Lê Đức Anh lần đầu tiên đến Mỹ trên chiếc chuyên cơ của Vietnam Airlines, cũng lần đầu tiên hạ cánh xuống sân bay quốc tế Kennedy ở New York. Nhiều đồng bào Việt Nam ra đón Chủ tịch nước đã rơi nước mắt trong sự cảm động và vui sướng, hy vọng vào một tương lai tốt đẹp của hai nước.

Nhưng ở bên kia bờ rào vẫn còn rất đông người Mỹ gốc Việt đang biểu tình phản đối. Do Chủ tịch nước Lê Đức Anh đến để dự lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Liên hợp quốc và không phải chuyến thăm chính thức đến Mỹ nên đã không có cuộc tiếp xúc cấp cao nào giữa ông và các nhà lãnh đạo Mỹ.

Duy nhất có một bức ảnh chụp vợ chồng Tổng thống Clinton với vợ chồng Chủ tịch nước Lê Đức Anh khi Tổng thống Clinton, với tư cách nước chủ nhà của Liên hợp quốc, đã mời tất cả các tổng thống và thủ tướng các nước có mặt ở New York đến dự buổi lễ 50 năm sinh nhật Liên hợp quốc do chính quyền Mỹ tổ chức.

Tôi chợt tự hỏi phải chăng phía Mỹ đã khéo tính thời điểm tuyên bố bình thường hoá quan hệ đến mức vừa kịp để khi hai nhà lãnh đạo cao nhất của hai nước bắt tay mà không ngại ngùng nhiều?

Khi nhìn Tổng thống Clinton lần đầu tiên bắt tay Chủ tịch nước Lê Đức Anh, tôi thấy trong ánh mắt của ông sự thân thiện pha lẫn một chút bối rối. Điều này cũng dễ hiểu vì đó là cái bắt tay lịch sử, cái bắt tay đầu tiên của hai nhà lãnh đạo Việt Nam và Mỹ kể từ khi cuộc chiến kết thúc.

Còn đối với Chủ tịch nước Lê Đức Anh, cái bắt tay và chuyến đi là dấu mốc quan trọng giúp ông hiểu thêm về nước Mỹ và sự cần thiết phải có quan hệ tốt với Mỹ. Là vị đại tướng từng kinh qua trận mạc và là người được Bộ Chính trị giao phụ trách quân đội kiêm đối ngoại vào thời điểm đó, ông có tiếng nói và ảnh hưởng lớn đến tiến trình thúc đẩy quan hệ hai nước.

Điểm nhấn trong chuyến đi này đối với tôi không phải là bài phát biểu của Chủ tịch nước tại Đại hội đồng Liên hợp quốc mà là việc Chủ tịch nước ta chủ động đề xuất đến thăm khu dân nghèo Hắc-lem, nơi Bác Hồ từng sống và tượng Nữ thần Tự do, nơi Bác đã đứng nhìn và mong tìm được con đường giải phóng cho Việt Nam.

Trong quan hệ Việt Mỹ, câu chuyện về Bác luôn gắn liền với tiến trình phát triển của quan hệ. Sau này, trong chuyến thăm chính thức Mỹ vào tháng 6/2007 của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Vụ Lễ tân còn tính đến việc thu xếp cho Chủ tịch nước thăm khách sạn mà Bác Hồ đã từng phục vụ.

Chủ tịch nước Lê Đức Anh tặng  tặng phiên bản trống đồng Ngọc Lũ cho Tổng thư ký Liên hợp quốc Boutros B. Ghali năm 1995

Sự kiện thứ ba đáng chú ý trong những năm đầu của quan hệ ngoại giao hai nước là cuộc gặp gỡ giữa Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các cựu quan chức Mỹ.

Trong dịp kỷ niệm 20 năm thống nhất Việt Nam, đài CNN đã thiết lập một cầu truyền hình để Đại tướng Giáp trao đổi trực tiếp với Đại tướng William Childs Westmoreland. Ông Westmoreland từng giữ chức Tư lệnh Bộ chỉ huy cố vấn quân sự Mỹ tại miền Nam Việt Nam và là người chủ trương đưa ra chiến lược “Tìm và Diệt” ở miền Nam.

Trong cuộc đối thoại, Đại tướng Giáp đã trả lời rằng Việt Nam thắng được chiến lược đó vì quân đội Việt Nam là quân đội từ nhân dân, chiến tranh này là chiến tranh của cả nhân dân với hàm ý là làm sao Mỹ có thể tìm và diệt hết được. Đại tướng Wesmoreland tỏ vẻ chấp nhận, vì đối với với những người lính việc được - thua là rõ ràng và không cần biện bạch gì thêm. Đấy là lần đầu tiên và duy nhất tôi dịch đuổi và truyền hình trực tiếp trên đài CNN.

Sau dịp đó, Học viện Ngoại giao tổ chức một hội thảo mang tên :”Việt Nam-Hoa Kỳ : những cơ hội bị bỏ lỡ” đề cập rõ hơn đến những cơ hội mà lẽ ra việc bình thường hoá quan hệ được tiến hành từ rất sớm, thậm chí có thể tránh khỏi chiến tranh. Tham gia các cuộc hội thảo đó có nhiều học giả nổi tiếng của hai bên, trong đó có cựu Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch.

Rồi tiếp đó là một cuộc gặp được dư luận đặc biệt quan tâm, đó là cuộc gặp giữa Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mc Namara tại Hà Nội.

Trong cuộc gặp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định Việt Nam không hề khiêu khích Mỹ trong sự kiện Vịnh Bắc Bộ và trên thực tế đã không có sự kiện đó. McNamara đã xác nhận điều đó trong cuốn hồi ký, thừa nhận người Mỹ đã sai ở Việt Nam. Những câu chuyện như vậy cứ được chia sẻ, những hiểu lầm được gỡ bỏ và những viên gạch đầu tiên của lòng tin đã được xây dựng lên. Tôi may mắn được tham dự cuộc gặp lịch sử đó với tư cách là phiên dịch.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp bắt tay ông Mc Namara năm 1995 tại Hà Nội

Sự kiện thứ tư có ý nghĩa quan trọng trong quan hệ hai nước mà chưa được đề cập nhiều trong các tài liệu chính thức là cuộc nói chuyện riêng giữa Thủ tướng Phan Văn Khải và Tổng thống Clinton tại bữa tiệc chiêu đãi của hội nghị APEC tại Aucland, New Zealand tháng 10/1999.

Theo kế hoạch, Việt Nam và Mỹ sẽ ký hiệp định thương mại song phương giữa hai nước (BTA). Vào phút cuối, kế hoạch không thực hiện được như mong muốn nên hai bên đều thất vọng. Một cơ hội để có hiệp định thương mại sớm hơn đã bị bỏ lỡ.

Thông cảm với sự tiếc nuối của Thủ tướng Phan Văn Khải, Tổng thống Clinton đã kể với ông về một người bạn thân từ hồi đại học của ông. Bạn ông đi nghĩa vụ quân sự ở Việt Nam và thường viết thư chia sẻ với ông về tình hình chiến sự cũng như cuộc sống. Bạn ông nói rằng “Chúng ta đã sai” và mong sớm trở về Mỹ. Không may, ông ấy đã tử trận đúng hai tuần trước ngày hết nghĩa vụ quân sự.

Những bức thư xúc động và biến cố đó đã giúp ông nhìn nhận lại cuộc chiến tranh Việt Nam và muốn góp phần vào quá trình hoà giải giữa hai dân tộc sau khi đắc cử tổng thống. Chính vì vậy những sự kiện quan trọng nhất của quá trình bình thường hoá quan hệ giữa hai nước đều diễn ra trong hai nhiệm kỳ của Tổng thống Clinton.

Ông cũng bày tỏ nguyện vọng muốn thăm Việt Nam trước khi rời nhiệm sở và đã thực hiện lời hứa khi thăm chính thức Việt Nam tháng 11/2000. Đây là chuyến thăm lịch sử, đánh dấu ông là tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm nước Việt Nam thống nhất.

Tổng thống Mỹ Clinton bắt tay người dân Hà Nội

Ông Bill Clinton đã được chính phủ và nhân dân đón tiếp rất trọng thị ở Việt Nam mặc dù trong đón tiếp và phát biểu chính thức, các nhà lãnh đạo Việt Nam vẫn cần phải nói một lần và duy nhất những điều không dễ nghe với ông.

Lịch sử đòi hỏi sự sòng phẳng. Hàng triệu người dân vô tội đã bị chết vì cuộc chiến đẫm máu không phải do Việt Nam gây ra. Lúc đó, tôi đang làm Đại sứ Việt Nam tại Unesco. Có ý kiến đề nghị tôi về nước để dịch cho chuyến thăm lịch sử này nhưng phút cuối tôi không về kịp.

Ở bên Paris, tôi theo dõi chặt chẽ hành trình thăm Việt Nam của ông và cảm động khi ông đã "lẩy Kiều" trong bài diễn văn đọc tại chiêu đãi chính thức.

"Sen tàn cúc lại nở hoa
Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân"

Tổng thống Clinton muốn mượn thơ của Nguyễn Du để nói rằng sau khi chiến tranh đã qua đi, mối quan hệ Mỹ-Việt lại được khôi phục, thời kỳ đen tối trong quan hệ hai nước nên được gác lại để bước sang một trang sử mới.

Việc "lẩy Kiều" này đã bắt đầu một hành trình “lẩy Kiều” để nói về quan hệ hai nước trong diễn văn của Tổng thống Obama khi sang thăm Việt Nam và trong diễn văn của Phó tổng thống Joseph Biden tại tiệc chiêu đãi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà Trắng ngày 7/7/2015.

Thế mới biết người Mỹ nghiên cứu rất thấu đáo văn hóa Việt Nam và lãnh đạo Mỹ biết mượn thơ Nguyễn Du để làm ngoại giao công tâm với Việt Nam. Sau chuyến thăm chính thức đó ông Bill Clinton đã 4 lần trở lại Việt Nam.

Vĩ thanh

Từ năm 2000 đến nay, công việc của tôi ít liên quan đến Mỹ. Năm 2004, tôi được cử đi dự khoá học ngắn hạn ở Trung tâm nghiên cứu chiến lược Thái Bình Dương tại Hawaii (APCSS) và hiểu được tầm quan trọng của việc Mỹ hình thành Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Năm 2006, khi làm Ban thư ký cấp cao Apec, tôi chứng kiến sự thích thú của Tổng thống Bush khi đi thăm phố cổ Hà Nội trong chiếc xe Quái thú (The Beast). Sau chuyến đó, Mỹ đã tuyên bố ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO và mời Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm chính thức Mỹ.

Năm 2010, khi Việt Nam giữ chức Chủ tịch ASEAN, tôi được trực tiếp nghe Ngoại trưởng Hillary Clinton phát biểu về chính sách “xoay trục”, đánh dấu bước chuyển quan trọng của Mỹ về Biển Đông.

Năm 2015, tôi được chứng kiến quá trình chuẩn bị và chuyển thăm Mỹ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, một chuyến đi lịch sử vì lần đầu tiên người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam được mời đến Nhà Trắng, qua đó chính quyền Mỹ thừa nhận và tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam.

Tôi cũng may mắn được nghe bài phát biểu về hoa sen Việt Nam của Tổng thống Obama khi ông thăm chính thức Việt Nam năm 2016; theo dõi chuyển thăm Việt Nam và dự cấp cao APEC Đà Nẵng 2017 của Tổng thống Trump cùng lãnh đạo của Tứ đại cường (Trung Quốc, Mỹ, Nga và Nhật Bản). Chuyến thăm đã giúp ông quyết định chọn Hà Nội là địa điểm cho cuộc gặp lịch sử Trump - Kim.

Từ góc độ chuyên môn, tôi trân trọng Quỹ Di sản của đại sứ quán Mỹ đã đóng góp vào việc tu bổ nhiều di sản văn hoá mang tính biểu tượng như Ô Quan chưởng, Triệu Tổ miếu ở Đại nội Huế.

Tôi rất vui khi nhà riêng đại sứ quán Mỹ đã có những lúc biến thành sân khấu để chúng tôi trình diễn ca trù. Tôi cảm động khi Đại sứ Ted Osius đã cùng tôi đến tận Phủ Giầy để nghe hát chầu văn và thưởng ngoạn hầu đồng trong chiến dịch giới thiệu để UNESCO vinh danh là "Di sản văn hoá đại diện của nhân loại".

Cũng như nhiều người dân Việt Nam, tôi vui vì trong 25 năm qua, quan hệ Việt - Mỹ phát triển mạnh mẽ trên cả 9 lĩnh vực trụ cột, trong đó có an ninh và quốc phòng. Điều đó thể hiện việc hình thành bước đầu lòng tin chiến lược, một điều rất cần thiết cho cả Việt Nam và Mỹ trong tình hình thế giới bất định như hiện nay.

"Ngẫm hay muôn sự tại trời,

Trời kia đã bắt làm người có thân.

Bắt phong trần phải phong trần,

Cho thanh cao mới được phần thanh cao".

Tôi tin hai bên sẽ đủ trí tuệ và bản lĩnh chính trị để vượt qua “muôn sự tại trời”, để kiểm soát được “phong trần” và duy trì quan hệ hai nước muôn đời “thanh cao” cho các thế hệ mai sau của Việt Nam và Mỹ

Cùng chuyên mục
Tin khác