Quảng Ninh: Hành trình 10 năm chuyển từ 'nâu sang xanh'

Quang Thân - 02/10/2023 10:12 (GMT+7)

(VNF) - Từ vùng đất được biết đến với những mỏ than đầy bụi, Quảng Ninh ngày nay đã có bộ mặt mới khi liên tục đổi mới, sáng tạo, trở thành một điểm sáng trong thu hút đầu tư của cả nước. Đó là thành quả bước đầu của chiến lược chuyển từ 'nâu sang xanh' của vùng trọng điểm kinh tế này.

Hơn 10 năm trước, nhiều doanh nghiệp khi xuống Quảng Ninh tìm cơ hội đầu tư đều gặp một khó khăn chung là chưa thể tìm ra con đường kinh doanh mới đổ phá nào khác ngoài xoay quanh khai thác than. Thời đó, 70% cơ cấu ngân sách của tỉnh đến từ than, 20% từ sản xuất kinh doanh còn lại 10% từ đất.

Từ năm 2012, Quảng Ninh có chủ trương chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, tập trung xây dựng vào các chiến lược là kết cấu hạ tầng đồng bộ, cải cách hành chính và đổi mới, phát triển nguồn nhân lực, gia tăng thu hút đầu tư. Đây là khởi đầu cho chiến lược chuyển đổi từ 'nâu sang xanh' biến Quảng Ninh thành một tỉnh đột phá về tăng trưởng kinh tế.

 

Khơi nguồn vốn lớn

Từ những hoạt động đổi mới, sáng tạo trong thu hút đầu tư, giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Quảng Ninh có trên 9.300 doanh nghiệp được thành lập mới, tổng vốn đăng ký 180.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cấp mới, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 179 dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 89.087 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 5 năm (2016-2020) đạt 344.916 tỷ đồng, tăng 1,6 lần so với giai đoạn 2011-2015, bình quân tăng 11,3%/năm.

Đáng chú ý, hiệu quả đầu tư không ngừng được cải thiện, chỉ số ICOR từ 8,03 (giai đoạn 2011-2015) xuống còn 4,94 (giai đoạn 2016-2020).

Đặc biệt. chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, Quảng Ninh đã có thêm 5.398 doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến nay lên 17.105 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký đạt 381.000 tỷ đồng; tổng thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách vào địa bàn tỉnh đạt 430.734 tỷ đồng, trong đó đã thực hiện cấp mới, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 70 dự án, tổng vốn đăng ký đạt 120.108 tỷ đồng; cấp mới và điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 129 dự án, tổng vốn đăng ký đạt 310.626 tỷ đồng.

Trong số này, có 26 dự án FDI được cấp mới và điều chỉnh, với tổng số vốn đăng ký đạt 3,614 tỷ USD, gấp 3,6 lần so với nửa nhiệm kỳ 2015-2020.

Thời gian qua, Quảng Ninh nổi lên là một điểm sáng trong thu hút đầu tư của cả nước. Một loạt các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước đã đến Quảng Ninh và nhanh chóng hiện thực hóa các dự án của mình bằng các công trình mang tầm cỡ khu vực và quốc tế, như: Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái, Công viên Đại Dương, Khách sạn Vinpearl, FLC Hạ Long, Bệnh viện quốc tế Vinmec, Trường học quốc tế Singapore, Nhà máy sản xuất linh kiện thiết bị điện tử của Foxconn, Tổ hợp công nghiệp ô tô Thành Công…

Xây hạ tầng, đón 'đại bàng'

Từ một địa phương bị đánh giá có hạ tầng giao thông, đô thị, dịch vụ, du lịch, sản xuất công nghiệp thấp kém trong cả nước, Quảng Ninh giờ đã trở thành một địa phương có đầy đủ hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển của đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

Không chỉ vậy, thời gian qua, cùng với việc đầu tư vào các khu công nghiệp, Quảng Ninh còn đặc biệt chú trọng quan tâm đầu tư phát triển các khu kinh tế (KKT) trên địa bàn để thu hút đầu tư. Đến nay, nhiều KKT đã trở thành vùng động lực, trọng điểm thu hút đầu tư với hạ tầng giao thông, kỹ thuật, dịch vụ được đầu tư đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh. Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Quảng Ninh có 5 KKT, bao gồm 2 KKT ven biển (KKT Vân Đồn, KKT Quảng Yên) và 3 KKT cửa khẩu (KKT Cửa khẩu Móng Cái, KKT Cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn, KKT Cửa khẩu Bắc Phong Sinh), với tổng diện tích đất quy hoạch 375.171ha, thuộc các địa phương Vân Đồn, Quảng Yên, Uông Bí, Hải Hà, Bình Liêu, Móng Cái.

Chỉ tính riêng tại KKT Vân Đồn, đến nay KKT đã thu hút được 64 dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách, với tổng nguồn vốn đăng ký đầu tư gần 63.000 tỷ đồng (61 dự án vốn đầu tư trong nước, 3 dự án vốn đầu tư nước ngoài). Tính từ năm 2020 đến hết năm 2022, KKT Vân Đồn đã thu hút thêm được trên 37.400 tỷ đồng vốn đầu tư ngoài ngân sách, tương đương 146,6% tổng số vốn đã thu hút trong giai đoạn trước.

Bên cạnh đó, KKT Vân Đồn cũng đã hiện hữu những công trình, dự án giao thông trên bộ, trên biển, hàng không đẳng cấp khu vực và thế giới, như: Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái; Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn; Bến cảng cao cấp quốc tế Ao Tiên... Đồng thời với đó, đang từng bước hình thành nên những khu đô thị, dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế, như: Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City, Khu du lịch sinh thái cao cấp Vân Hải, Khu đô thị và bến cảng cao cấp Ao Tiên, Tổ hợp du lịch - nghỉ dưỡng và giải trí Crystal Holidays Harbour Vân Đồn, Khu đô thị Phương Đông và đang tiếp tục xúc tiến, lựa chọn nhà đầu tư một loạt các dự án hạ tầng du lịch, dịch vụ khác, với số vốn đăng ký đầu tư lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng.

Cùng với KKT Vân Đồn, các KKT còn lại của tỉnh cũng đã thu hút được lượng lớn các nhà đầu tư đến tìm hiểu nghiên cứu, triển khai đầu tư, với những dự án động lực, trọng điểm, hướng đến phát triển trở thành vùng động lực cho sự phát triển của tỉnh.

Quảng Ninh hôm nay mang một diện mạo hoàn toàn mới, nhờ những thay đổi mang tính chiến lược cùng sự đồng hành của các doanh nghiệp tư nhân cho các dự án hạ tầng, du lịch. Bằng sự bứt phá để thoát ra khỏi "tấm áo chật" khi sẵn sàng tạo điều kiện cho các nhà đầu tư chiến lược vào cuộc, Quảng Ninh đã cho thấy một bài học thành công với mô hình dùng đầu tư công dẫn dắt đầu tư, trên hành trình trở thành điểm đến hàng đầu khu vực miền Bắc.

Cùng chuyên mục
Tin khác