Quốc hội thông qua EVFTA và EVIPA

Lê Nguyễn - 08/06/2020 09:48 (GMT+7)

(VNF) - Với đa số phiếu tán thành, Quốc hội Việt Nam hôm nay (8/6) đã biểu quyết thông qua việc phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA).

VNF

Sáng 8/6, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, biểu quyết về việc thông qua 2 hiệp định EVFTA và EVIPA.

Theo đó, 457 đại biểu đã bấm nút thông qua EVFTA. Còn với EVIPA, 461 đại biểu tán thành.

EVFTA là một trong những hiệp định thương mại tự do quan trọng nhất mà Việt Nam đạt được.

Hiệp định gồm 17 chương, 2 nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo. Các nội dung chính của hiệp định gồm: thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, các vấn đề pháp lý-thể chế.

Ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 07 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.

Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho ta trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta hiện nay.

Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, EVFTA dự kiến sẽ góp phần làm GDP tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18% đến 3,25% (cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện), 4,57-5,30% (cho giai đoạn 5 năm tiếp theo) và 7,07-7,72% (cho giai đoạn 5 năm sau đó).

Về xuất khẩu, EVFTA dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có hiệp định.

Xét về tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới, dự kiến kim ngạch của ta sẽ tăng trung bình 5,21%-8,17% (cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện), 11,12%-15,27% (cho giai đoạn 5 năm tiếp theo) và 17,98%-21,95% (cho giai đoạn 5 năm sau đó).

Về khía cạnh an sinh xã hội, EVFTA dự kiến giúp tăng thêm việc làm khoảng 146.000/năm, tập trung vào những ngành thâm dụng lao động và có tốc độ xuất khẩu cao sang thị trường EU.

Mức tăng thêm việc làm trong một số ngành dự kiến như sau: dệt may tăng 71.300 (năm 2025) và 72.600 (năm 2030) mức tăng tương ứng so với năm 2018 là 1,2%, 2,3% và 2,4%; ngành da giày có tốc độ tăng việc làm là 4,3% và 3,8% vào các năm 2025 và 2030. Một số ngành khác cũng có số lượng việc làm tăng cao là vận tải hàng không (1,5% vào năm 2025), vận tải thuỷ (0,9% vào năm 2025).

Cùng chuyên mục
Tin khác