Ngân hàng

Sacombank đấu giá tài sản 10.000 tỷ: Gấp rút xử lý nợ xấu liên quan đến Trầm Bê?

(VNF) – Bằng việc đấu giá tài sản với tổng giá trị khởi điểm lên đến gần 10.000 tỷ đồng, một mặt Sacombank có thể hoàn thành mục tiêu xử lý nợ xấu cả năm 2017 từ 15.000 – 20.000 tỷ đồng, một mặt sẽ "nhẹ gánh" hơn với chùm nợ xấu liên quan đến ông Trầm Bê.

Sacombank đấu giá tài sản 10.000 tỷ: Gấp rút xử lý nợ xấu liên quan đến Trầm Bê?

Sacombank sẽ nhẹ gánh với chùm nợ xấu liên quan đến ông Trầm Bê?

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) vừa công bố thông tin đáng chú ý liên quan đến đấu giá tài sản bảo đảm để xử lý nợ xấu, theo đó, Sacombank quyết định đưa ra bán đấu giá 3 quyền sử dụng đất tại Khu công nghiệp Đức Hòa III – Long An với tổng giá trị khởi điểm lên đến gần 10.000 tỷ đồng.

Cụ thể, tài sản đầu tiên Sacombank đưa ra đấu giá là quyền sử dụng đất tại Khu công nghiệp Đức Hoà III - Long An với tổng diện tích 3.722.303 m2, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Kinh doanh Hạ Tầng KCN Sài Gòn Long An và một phần của Công ty Cổ phần Đầu tư AMIC. Giá khởi điểm là trên 4.000 tỷ đồng.

Sơ đồ tài sản trị giá trên 4.000 tỷ mà Sacombank đưa ra đấu giá

Tài sản thứ hai là quyền sử dụng đất tại Khu công nghiệp Đức Hoà III - Long An với tổng diện tích 2.749.134,1 m2, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Liên Thành Long An, Công ty Cổ phần Long "V", Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Long Đức – ILD và Công ty Cổ phần Đầu tư & Kinh doanh Bất động sản Mười Đây. Giá khởi điểm là trên 3.100 tỷ đồng.

Sơ đồ tài sản trị giá trên 3.100 tỷ mà Sacombank đưa ra đấu giá

Tài sản thứ ba là quyền sử dụng đất tại Khu công nghiệp Đức Hoà III - Long An với tổng diện tích 2.753.730,2 m2, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư Đức Hoà III – Resco và một phần của Công ty Cổ phần Đầu tư AMIC. Giá khởi điểm là trên 2.800 tỷ đồng.

Sơ đồ tài sản trị giá trên 2.800 tỷ mà Sacombank đưa ra đấu giá

Theo dữ liệu tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, 3 pháp nhân là Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Kinh doanh Hạ Tầng Khu công nghiệp Sài Gòn Long An (SLICO), Công ty Cổ phần Đầu tư AMIC và Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Liên Thành Long An đều có người đại diện pháp luật là ông Ngô Trí Dũng.

Theo tìm hiểu, ông Ngô Trí Dũng từng cùng với ông Trầm Bê sở hữu cổ phần tại Công ty Marble Như Ý, trong đó, ông Trầm Bê là cổ đông lớn nhất nắm 82% cổ phần, còn ông Ngô Trí Dũng nắm 4,5% cổ phần.

Công ty Cổ phần đá Marble Như Ý thực chất là một "holdings company" trong đó các cổ đông của công ty này cũng đồng thời là chủ các doanh nghiệp đầu tư nhiều dự án hạ tầng cảng biển, khu công nghiệp, bất động sản... Ông Trầm Bê giữ quyền chi phối thông qua việc cung cấp nguồn vốn cho các dự án này.

Theo tiết lộ của Chủ tịch Sacombank Dương Công Minh, sau khi Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank) sáp nhập vào Sacombank, ông Trầm Bê có nhận trách nhiệm xử lý các khoản vay với số nợ gốc là 35.400 tỷ đồng và giá trị tài sản bảo đảm là 43.000 tỷ đồng; trong đó 33.000 tỷ đồng là bất động sản và 10.000 tỷ đồng là cổ phiếu.

Chi tiết về 33.000 tỷ đồng tài sản bảo đảm bất động sản, ông Minh cho hay là các dự án lớn ở khu vực trung tâm như quận 1, 3, 5, 9, Thủ Đức, các tỉnh như Long An, Cần Thơ có khả năng thu hồi cao. Cụ thể như các Khu Đô thị và Công Nghiệp Bình Chánh TP HCM; Khu Công nghiệp Đức Hoà Long An; Khu Đô thị Bình Trưng, quận 2, TP HCM...

Xâu chuỗi các dữ kiện, nhiều khả năng tài sản bảo đảm mà Sacombank gấp rút đưa ra đấu giá lần này là có liên quan đến ông Trầm Bê.

Thời gian bán đấu giá các tài sản này sẽ diễn ra vào lúc 10h00 hôm nay (18/12) tại Lầu 15M, Hội sở Sacombank, 266 – 268 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường 8, Quận 3, TP.HCM.

Tin mới lên