Sacombank muốn cán mốc lợi nhuận 4.000 tỷ, đang trình NHNN chia cổ tức
A Lan -
01/04/2021 09:45 (GMT+7)
(VNF) - Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, HoSE: STB) vừa công bố tài liệu ĐHCĐ thường niên năm 2021 với lợi nhuận trước thuế mục tiêu cao kỷ lục.
Trong năm 2021, Sacombank dự kiến tổng tài sản tăng 8% so với năm 2020 lên 533.300 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn huy động dự kiến đạt 485.500 tỷ đồng, tổng dư nợ tín dụng đạt 372.000 tỷ đồng, đều tăng trưởng ở mức 9%. Tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 2%.
Đáng chú ý, Sacombank dự kiến thu về 4.000 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 20% so với mức thực hiện năm 2020.
Được biết, từ năm 2002 đến nay, mức lãi trước thuế cao nhất mà ngân hàng này từng ghi nhận là vào năm 2019 và năm 2020, lần lượt đạt 3.217 tỷ đồng và 3.339 tỷ đồng.
Nếu thực hiện được tham vọng 4.000 tỷ đồng lãi trước thuế, năm 2021 sẽ đánh dấu kỷ lục lợi nhuận cao nhất lịch sử hoạt động của Sacombank.
Sacombank cũng đặt kế hoạch đầu tư tài sản cố định mới trong năm với giá trị đầu tư là 1.646 tỷ đồng, bổ sung vốn cho ngân hàng con tại Lào 302 tỷ đồng.
Về kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2020, Sacombank dự kiến trích lập một phần lợi nhuận sau thuế vào các quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, quỹ dự phòng tài chính, quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi.
Phía Sacombank cho biết, kế hoạch chia cổ tức năm nay sẽ thực hiện theo Đề án tái cơ cấu sau sáp nhập được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phê duyệt theo Quyết định số 34/QĐ-NHNN.Tym ngày 22/5/2017. Theo đó, ngân hàng này đã không tiến hành chia cổ tức cho các cổ đông từ năm 2015 đến nay.
Nguồn lợi nhuận giữ lại của Sacombank hiện đang ở mức cao hơn 6.000 tỷ đồng. Sacombank đang chờ Ngân hàng Nhà nước phê duyệt để sử dụng lợi nhuận giữ lại để chia cổ tức bằng cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ cũng như đáp ứng kỳ vọng của cổ đông.
Năm 2020, Sacombank đạt 11.526 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 25% so với năm 2020. Lợi nhuận trước thuế chỉ tăng nhẹ 3,8%, đạt 3.339 tỷ đồng.
Tổng tài sản tính đến cuối năm 2020 đạt 492.516 tỷ đồng, tăng 9% so với thời điểm đầu năm 2020. Tổng nguồn vốn huy động là 447.369 tỷ đồng, tổng dư nợ tín dụng là 340.572 tỷ đồng, lần lượt tăng 7% và tăng 15%.
Tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,9% còn 1,64%. Hiệu suất sinh lời ROA bình quân đạt 0,57%, ROE bình quân đạt 9,63%. Tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất là 9,53%, cao hơn mức quy định tối thiểu 8%.
Trong năm 2020, phía Sacombank cho biết đã quyết liệt thu hồi, xử lỷ nợ xấu và tài sản tồn động. Doanh số thu hồi và xử lý nợ trong năm 2020 đạt hơn 15.200 tỷ đồng, trong đó đã thu hồi 8.200 tỷ đồng các khoản nợ thuộc đề án tái cơ cấu đến năm 2025. Mức thu hồi lũy kế kể từ khi triển khai đề án này được nâng lên 46.547 tỷ đồng, đạt 54,2% kế hoạch tổng đề án.
Sacombank cho biết đã trích lập 5.633 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro và xử lý tồn động thuộc đề án, nâng mức trích lập lũy kế từ khi triển khai đề án lên 12.027 tỷ đồng.
Cổ phiếu STB của Sacombank trong thời gian gần đây đang gây xôn xao trên thị trường chứng khoán khi có nhiều phiên tăng liên tiếp. Đáng chú ý là trong phiên 30/3, STB tăng kịch trần với gần 100 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, tổng giá trị giao dịch vượt 1.900 tỷ đồng. Đến phiên 31/3, tổng khối lượng giao dịch vẫn khá lớn ở mức hơn 56 triệu đơn vị.
Trước đó, trong phiên 24/3, STB cũng đạt khối lượng giao dịch khủng lên đến 68,1 triệu đơn vị, trong đó gần 45,2 triệu cổ phiếu STB được thỏa thuận ở mức giá 20.000 đông/cổ phiếu. Trong phiên 22/3, hơn 11,6 triệu cổ phiếu STB đã được trao tay với giá trị gần 232 tỷ đồng.
Phiên 17/3 và phiên 10/3 cũng ghi nhận tổng cộng hơn 30 triệu cổ phiếu STB được giao dịch thỏa thuận.
STB mở cửa phiên 1/4 ở mức giá 21.350 đồng/cổ phiếu. Giá trị vốn hóa thị trường ước tính hơn 38.800 tỷ đồng.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.