Sacombank: Thêm nhiều tín hiệu tích cực từ xử lý nợ xấu

Minh Tâm - 15/02/2020 11:24 (GMT+7)

(VNF) - Bên cạnh việc thoái hàng nghìn tỷ đồng lãi dự thu, Sacombank vẫn kiên trì giảm tỷ lệ nợ xấu nội bảng, trong khi nợ xấu ngoại bảng tại VAMC tiếp tục được xử lý mạnh tay. Tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2019 (bao gồm cả nợ xấu nội bảng và ngoại bảng tại VAMC) ở mức 10,9%, mặc dù cao so với mặt bằng chung trong hệ thống ngân hàng nhưng so với con số 14,7% hồi cuối năm 2019, thành quả đạt được là rất đáng khích lệ.

VNF
Sacombank: Thêm nhiều tín hiệu tích cực từ xử lý nợ xấu

Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2019 của Sacombank tiếp tục phát đi những tín hiệu tích cực từ xử lý nợ xấu. Đáng chú ý nhất là việc Sacombank đã bắt đầu đẩy mạnh thoái lãi dự thu.

Lãi dự thu là một nguồn thu "ảo" mà ngân hàng ghi nhận trước đây nhằm hạch toán tăng lợi nhuận, tuy nhiên trong tương lai, nếu ngân hàng không thu được thì đây trở thành một tài sản xấu. Vì tính chất tài sản này cũng giống như một khoản dư nợ mà doanh nghiệp không thể trả cho ngân hàng nên cũng có thể coi đây là một dạng nợ xấu. Thực tế, "nợ xấu" nằm trong phạm trù "tài sản xấu".

Tính đến hết ngày 31/12/2019, lãi dự thu của Sacombank chốt ở mức 19.538 tỷ đồng, giảm hơn 3.600 tỷ đồng, tương đương giảm 16% so với con số 23.154 tỷ đồng một năm trước đó.

Sacombank từng nêu rõ trong báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2018 rằng trong tổng số 23.154 tỷ đồng lãi dự thu thời điểm hết ngày 31/12/2018, có tổng cộng 17.719 tỷ đồng lãi dự thu thuộc Đề án tái cơ cấu.

Với việc lãi dự thu giảm mạnh hơn 3.600 tỷ đồng, nhiều khả năng lãi dự thu thuộc Đề án tái cơ cấu cũng đã giảm hàng nghìn tỷ đồng trong năm 2019.

Bên cạnh tín hiệu tích cực từ thoái lãi dự thu, Sacombank vẫn kiên trì giảm tỷ lệ nợ xấu nội bảng, trong khi nợ xấu ngoại bảng tại VAMC tiếp tục được xử lý mạnh tay.

Về nợ xấu nội bảng, tính đến hết ngày 31/12/2019, tổng nợ xấu nội bảng của Sacombank ở mức 5.733 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ nợ xấu nội bảng 1,94%. Một năm trước đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 2,2%.

Đối với nợ xấu ngoại bảng tại VAMC, tính đến hết ngày 31/12/2019, khoản mục "Chứng khoán đầu tư giữ đến ngày đáo hạn" của Sacombank có giá trị 29.710 tỷ đồng, giảm gần 8.000 tỷ đồng, tương đương giảm 21% so với con số 37.663 tỷ đồng một năm trước đó.

Quan sát báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2018 cũng như báo cáo hợp nhất kiểm toán bán niên 2019 cho thấy, toàn bộ khoản mục "Chứng khoán đầu tư giữ đến ngày đáo hạn" của Sacombank là trái phiếu VAMC.

Do vậy, có thể coi chốt năm 2019, tổng nợ chưa dự phòng tại VAMC (hay còn gọi nợ xấu ngoại bảng tại VAMC) của Sacombank ở mức 29.710 tỷ đồng, giảm gần 8.000 tỷ đồng, tương đương giảm 21% sau một năm.

Tính chung, tổng nợ xấu cuối năm 2019 (bao gồm cả nợ xấu nội bảng và nợ xấu ngoại bảng tại VAMC) ở mức 35.443 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ nợ xấu 10,9%.

Tỷ lệ này mặc dù là cao so với mặt bằng chung trong hệ thống ngân hàng nhưng so với con số 14,7% hồi cuối năm 2019, thành quả đạt được là cực kỳ đáng khích lệ.

Cùng chuyên mục
Tin khác