Sau chống chọi là phục hồi: Chờ một Việt Nam 2021 'bứt tốc'?

TS Võ Trí Thành - 11/02/2021 22:57 (GMT+7)

(VNF) - Chúng ta đang bước vào năm mới 2021 với hy vọng mới mặc dù số ca nhiễm Covid-19 vẫn đang tăng vọt ở nhiều quốc gia. Đau buồn và lo lắng có thể vẫn tiếp tục; nhưng sau một năm, điều quan trọng chính là việc suy ngẫm về 12 tháng qua và dự đoán cơ hội cho những "sắp xếp" lại cho năm 2021.

VNF
Hy vọng năm 2021 nhiều tin vui sẽ đến với Việt Nam, cả về phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

Lửa thử vàng!

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam tăng 2,91% năm 2020 - mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Giống như các quốc gia khác, đại dịch đã có tác động tàn phá đến kinh tế và xã hội của đất nước với hàng chục triệu lao động bị ảnh hưởng, mất/giảm việc làm và số doanh nghiệp bị đóng cửa đạt mức cao kỷ lục. Tuy nhiên, bất chấp những thách thức, Việt Nam vẫn được coi là điểm sáng trong bức tranh ảm đạm của nền kinh tế thế giới. Việt Nam là một trong 10 nền kinh tế có mức tăng trưởng GDP cao nhất thế giới năm 2020.

Khi sự lây lan của virus COVID-19 tại Vũ Hán, Trung Quốc vào đầu năm 2020, nhiều người đã lo ngại rằng dịch bệnh có thể sẽ bùng phát ở Việt Nam vì chúng ta là nước láng giềng của Trung Quốc nhưng điều đó đã không xảy ra.

Khi không ít người nghĩ rằng thương mại có thể bị bóp nghẹt vì hầu hết các đối tác thương mại đang bị phong tỏa, giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2020 vẫn tăng trên 6% và thặng dư thương mại lại đạt mức cao nhất từ trước tới nay với hơn 19 tỷ USD.

Những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong năm 2020 là minh chứng cho sức chống chịu và có thể cả sức bật mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam. Nhiều chuyên gia và tổ chức đã nhấn mạnh thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát đại dịch là lý do hàng đầu cho thành công kinh tế của đất nước. Điều đó đúng, nhưng theo tôi, chính sức mạnh nội tại của nền kinh tế cũng là một phép thử trong giai đoạn khó khăn này.

Trong nhiều năm, Việt Nam đã tập trung củng cố kinh tế vĩ mô để duy trì sự ổn định. Thâm hụt ngân sách tiếp tục là vấn đề đáng lo ngại nhưng Chính phủ cũng đã chuẩn bị các phương án bù đắp và có dự phòng. Dự trữ ngoại tệ được tích lũy thêm hàng năm và lạm phát được kiểm soát ở mức tương đối thấp.

Vào thời điểm khó khăn, ngành nông nghiệp đã chứng tỏ tầm quan trọng đáng trân trọng. Mặc dù tỷ trọng trong GDP giảm đáng kể, sản xuất nông nghiệp của Việt Nam vẫn có lợi thế cạnh tranh khá lớn và chính nông nghiệp đã hỗ trợ nền kinh tế trong năm 2020, đặc biệt là “bệ đỡ” an sinh cho khu vực phi chính thức.

Việt Nam cũng là một trong những nước có tỷ lệ tiết kiệm khá cao, nhất là trong tầng lớp trung lưu mới nổi, qua đó hỗ trợ tiêu dùng trong nước khi thu nhập nhìn chung giảm. Chút “may mắn”, khu vực dịch vụ là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch, còn chiếm một tỷ trọng khiêm tốn trong GDP (khoảng 43%), thấp hơn đáng kể so với các nước phát triển hơn. Hoạt động sản xuất kinh doanh được duy trì và tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa phục hồi nhanh, gắn không ít với việc tận dụng các FTAs mà Việt Nam tham gia.

Tuy nhiên, không thể không nói rằng thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát đại dịch COVID-19 là yếu tố quan trọng nhất để ổn định đời sống, giúp duy trì sản xuất và tiêu dùng cũng như hỗ trợ phục hồi, nhất là sau khi các biện pháp phong tỏa được dỡ bỏ.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam mặc dù bị đổ vỡ nhiều nhưng đã thể hiện sự linh hoạt trong ứng phó với đại dịch, thay đổi phương thức kinh doanh và bất chấp thách thức. Báo cáo của Tổng cục Thống kê (GSO) vào tháng 9/2020 cho thấy hơn một phần ba trong số 152.000 công ty được khảo sát cho biết họ đã đầu tư vào công nghệ, đặc biệt là công nghệ kỹ thuật số, để đổi mới năng lực quản lý và cách tiếp cận với thị trường và khách hàng. Hơn một nửa số doanh nghiệp được hỏi bắt đầu xây dựng mối liên kết và kết nối với những doanh nghiệp khác để cùng nhau vượt qua khó khăn như chia sẻ đơn hàng, cho phép đổi hàng, thanh toán trả chậm…. Tính nhân văn, đùm bọc của người Việt được đề cao. Trong thời điểm khó khăn, tỷ lệ sa thải lao động thấp hơn nhiều so với tốc độ giảm doanh thu.

Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cũng là một nhân tố góp phần giúp doanh nghiệp vượt khó. Bên cạnh những giải pháp quyết liệt chống đại dịch, Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động như giãn hoãn thuế, tiền thuê đất, giảm nhiều loại phí kinh doanh, cắt giảm lãi suất, khoanh nợ, thúc đẩy tín dụng và đầu tư… Đáng tiếc, việc thực thi chưa được thực hiện một cách phù hợp, thiếu quyết liệt, làm giảm hiệu lực và hiệu quả của chính sách.

2021 - Bứt tốc

Qua những gì mà Việt Nam đã làm được trong năm 2020 cho thấy tầm quan trọng của việc củng cố và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô - một yếu tố có ý nghĩa tiên quyết, tiền đề để tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế. Vai trò của ngành nông nghiệp cũng cần được định hướng theo cách tận dụng lợi thế cạnh tranh, tạo sản phầm phù hợp với những yêu cầu thiết yếu và cả cách thức tiêu dùng, lối sống mới - xanh. sạch, an toàn.

Bài học thứ hai là cần nỗ lực không ngơi nghỉ trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và mở rộng không gian hoạt động cho doanh nghiệp. Qua đó, doanh nghiệp có thể có nhiều lựa chọn hơn, có thể học hỏi để đổi mới mô hình kinh doanh cũng như chuyển đổi phương thức sản xuất, tăng khả năng chống chịu qua chia sẻ rủi ro. Không phải ngẫu nhiên, việc hội nhập sâu rộng đã giúp doanh nghiệp linh hoạt gắn kết/chuyển dịch thị trường thuận lợi hơn. Sau 4 tháng kể từ 1/8/2020, khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, hàng chục nghìn giấy chứng nhận xuất xứ đã được cấp cho các doanh nghiệp để xuất khẩu vào EU.

Bài học nữa là về phía Chính phủ, việc đưa ra các chính sách phù hợp đúng lúc là tốt nhưng chưa đủ. Để chính sách thực sự đi vào cuộc sống thì việc thực thi chính sách còn quan trọng hơn. Ở một mức độ nhất định, việc thực hiện các chính sách kinh tế của Việt Nam chưa mạnh mẽ, nhất quán, đồng bộ như cách thức chống đại dịch.

Bài học cuối cùng không kém phần quan trọng là gắn với nỗ lực duy trì sản xuất kinh doan và vượt khó trong đại dịch cần tiếp tục công cuộc cải cách thể chế, tái cấu trúc nền kinh tế và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực mới cho tiến trình phục hồi và phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Nếu năm 2020 là năm đối mặt với thách thức từ COVID-19 và vượt khó, thì năm 2021 là năm chúng ta kỳ vọng vào sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam, một năm bứt tốc.

APEC 2021 tại New Zealand nhắm vào các chủ đề ưu tiên gắn tiến trình phục hồi kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương với cải cách kinh tế, thương mại, phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và chuyển đổi số. Những mục tiêu này cũng rất phù hợp với Việt Nam trong năm 2021.

Năm 2021, Việt Nam được nhiều tổ chức trong nước và trên thế giới dự báo có thể tăng trưởng GDP từ 6,5% đến trên 7,0%. Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5% với kịch bản vừa nhanh chóng phục hồi vừa đẩy nhanh cải cách cơ cấu và thể chế. Tận dụng có hiệu quả việc hội nhập sâu rộng, sự dịch chuyển chuỗi cung ứng cùng dòng đầu tư có chất lượng gắn với quản trị rủi ro, tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc có thể xảy ra cũng vừa là đòi hỏi vừa là thách thức không nhỏ đối với Việt Nam.

Nhìn nhận năm 2021 đã lạc quan hơn. Song cần hết sức lưu ý tới những rủi ro có thể phát sinh. Ngoài rủi ro địa chính trị, rủi ro từ xung đột thương mại,… còn phải tính đến rủi ro tài chính theo hai nghĩa.

Thứ nhất là nợ của thế giới hiện rất lớn; các gói hỗ trợ của các quốc gia năm 2020 càng làm gia tăng nợ. “Quả bom” nợ nần này nếu xử lý không tốt có thể phát nổ.

Thứ hai là trong quá trình phục hồi thì cần tiếp tục hỗ trợ, nhưng hỗ trợ không khéo lại dẫn tới rủi ro tài chính. Cân bằng giữa việc chính sách tiền tệ nới lỏng và việc từ từ “co lại” khi phục hồi ngày càng rõ ràng là một thách thức đối với các ngân hàng trung ương. Chưa nói tới việc phải phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá.

Việt Nam có thể cần tiếp tục có gói hỗ trợ thứ 2. Tuy nhiên, hỗ trợ như thế nào mà vẫn giữ được ổn định kinh tế vĩ mô mới là vấn đề. Việt Nam có thuận lợi là vẫn còn dư địa xét trên tỷ lệ nợ công và cả mức thâm hụt ngân sách. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cần gắn với cải cách thể chế và cơ cấu tương thích với các xu hướng phát triển mới, để vừa thúc đẩy quá trình phục hồi vừa nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển.

Hy vọng năm 2021 nhiều tin vui sẽ đến với Việt Nam, cả về phục hồi và tăng trưởng kinh tế, cả về cải cách và đổi mới sáng tạo.

Cùng chuyên mục
Tin khác