Thâm nhập khu đất xây dựng Tổ hợp Hòa Xuân hơn 3.500 tỷ ở Đà Nẵng
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.
Cổ phiếu ngân hàng có còn hấp dẫn?
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa khép lại một tuần giao dịch buồn khi giảm 4 phiên liên tiếp, trong đó có 3 phiên giảm mạnh. VN-Index mất tới 101,74 điểm (tương đương 8%) trong tuần qua. Đây là tuần giảm điểm mạnh nhất trong vòng một năm rưỡi lại đây, kể từ tuần 3-7/10/2022.
Cổ phiếu ngân hàng cũng không tránh khỏi những tác động tiêu cực từ thị trường. Tuy nhiên, "cổ phiếu vua" vẫn ghi nhận nhiều điểm tích cực.
Chẳng hạn, ở phiên 19/4, dù vẫn xuất hiện một số mã giảm mạnh như CTG và HDB giảm trên 3%, TPB và EIB giảm trên 2% nhưng nhìn chung đà giảm đã chững lại. Các mã như TCB, VPB, ACB, SSB đều giảm chưa tới 1%. Bên cạnh đó, VCB, LPB và STB đứng giá tham chiếu. Thậm chí BID, SHB, MSB, NAB còn ghi nhận sắc xanh.
Cổ phiếu ngân hàng là nhóm có vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam khi chiếm tới ¼ vốn hóa và khoảng 45% lợi nhuận toàn thị trường. Nhóm cổ phiếu ngân hàng là một trong những “trụ cột” và trong suốt thời gian qua và luôn thể hiện vai trò dẫn dắt thị trường chứng khoán.
Các cổ phiếu ngân hàng đã vượt qua một năm 2023 đầy biến động với kết quả vượt trội hơn so với VN-Index. Phần lớn cổ phiếu ngân hàng trong năm qua đều tăng giá.
Theo số liệu từ SSI Research, năm 2023, cổ phiếu ngành ngân hàng có diễn biến tích cực với mức tăng 19%, vượt trội hơn so với mức tăng 12% của chỉ số VN-Index.
Đầu năm 2024, nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục cho thấy sự hấp dẫn khi trở thành nhóm dẫn dắt cho đà tăng trưởng của thị trường, đồng thời thu hút dòng tiền lớn từ nhà đầu tư.
Trong báo cáo cập nhật triển vọng ngành ngân hàng được công bố mới đây, SSI Research nhận định, thị trường chứng khoán Việt Nam có diễn biến tích cực trong quý I/2024 khi tăng 13,64% so với đầu năm.
Thanh khoản thị trường trong tháng 3 cũng cải thiện 28,1% so với tháng trước đạt 26,7 nghìn tỷ đồng trên sàn HoSE - đây là một sự thay đổi đáng kể so với mức thanh khoản quanh 14-16 nghìn tỷ đồng/ngày cuối năm 2023. Dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân đã quay trở lại thị trường chứng khoán nhờ môi trường lãi suất thấp.
Bên cạnh đó, kỳ vọng về khả năng được nâng hạng lên thị trường mới nổi bởi FTSE trong năm 2025 cũng đã tạo ra tâm lý tích cực trên thị trường chứng khoán.
Với dòng tiền mạnh mẽ, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng đã được định giá lại, với P/B trailing trung bình ngành tăng từ 1,46x trong năm 2023 lên 1,71x.
Tuy nhiên, sau cú điều chỉnh mạnh trong tuần vừa qua, nhiều người băn khoăn triển vọng cổ phiếu ngân hàng sẽ như thế nào trong thời gian tới?
Theo giới phân tích, so với chỉ số P/E toàn ngành, một số cổ phiếu ngân hàng đang được định giá ở mức tương đối rẻ, tạo ra cơ hội hấp dẫn cho các nhà đầu tư muốn "xuống tiền" trên thị trường chứng khoán.
Dù có kết quả tốt trong năm 2023 và lợi nhuận có triển vọng tích cực trong năm 2024, thị giá một số cổ phiếu hiện vẫn còn ở mức rẻ.
Ông Michael Kokalari - Giám đốc Phân tích Kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital đánh giá, cổ phiếu ngân hàng sẽ hưởng lợi từ sự tăng trưởng lợi nhuận, từ khoảng 7% năm 2023 lên 18% trong năm 2024 và định giá cổ phiếu ngành này tại Việt Nam hiện thấp hơn so với mức trung bình 5 năm.
Theo Báo cáo triển vọng 2024 của VPBankS, về mặt định giá, cả P/E và P/B ngành ngân hàng đều chưa chạm tới mức trung bình từ năm 2013. Như vậy, cổ phiếu ngân hàng vẫn đang giao dịch ở mức khá hấp dẫn.
Với mức định giá như vậy, nhóm "cổ phiếu vua" đón đợi nhiều dư địa tăng giá trong tương lai, đặc biệt là các cổ phiếu đang định giá thấp hơn so với trung bình ngành.
Cơ hội tăng trưởng đột phá
Về triển vọng năm 2024, giới phân tích đều có cái nhìn lạc quan về ngành ngân hàng. Đây là ngành có sức tăng trưởng tốt vì có nhiều điểm sáng như chất lượng tài sản có thể cải thiện, tín dụng có khả năng tăng trưởng tốt.
Ngay từ đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã cấp hết hạn mức tăng trưởng tín dụng 15% cho các ngân hàng để đẩy mạnh cho vay. Cùng với đó, các giải pháp gỡ khó cho thị trường trái phiếu, thị trường bất động sản dần có hiệu quả, doanh nghiệp bắt đầu mạnh dạn vay vốn trở lại.
Hơn nữa, môi trường lãi suất thấp được kỳ vọng duy trì sang 2024 tạo dư địa để biên lợi nhuận (NIM) phục hồi, giúp tăng trưởng lợi nhuận 2024 trở nên khả quan hơn.
Tuy có sự phân hóa rõ nét giữa ngân hàng có chất lượng tài sản tốt và kém nhưng triển vọng chung được dự báo tích cực và sẽ tác động tích cực lên giá cổ phiếu “vua”.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng được đánh giá đầy triển vọng, sẽ mang tới “trái ngọt” cho nhà đầu tư về dài hạn. Khi chất lượng tài sản ngân hàng được cải thiện, cổ phiếu ngân hàng sẽ sớm tìm lại giá trị và sẽ hút mạnh dòng tiền, tiếp tục đóng vai trò trụ cột để hỗ trợ đà tăng cho thị trường chứng khoán.
Chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh nhận định, năm 2024 có nhiều yếu tố vĩ mô hỗ trợ cho các cổ phiếu ngân hàng. Ở trong nước, đó là môi trường lãi suất thấp, kinh tế phục hồi thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, doanh thu dịch vụ gia tăng... Với bên ngoài, đó là nền kinh tế Mỹ được dự báo sẽ “hạ cánh mềm”, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát đi tín hiệu lãi suất đã đạt đỉnh và sớm cắt giảm trong năm nay...
Theo TS. Lê Anh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty Dragon Capital, do mặt bằng định giá thấp nên nhà đầu tư có xu hướng dịch chuyển dòng tiền vào cổ phiếu ngân hàng hơn so với các ngành khác đã tăng trước đó. Mặt khác, năm 2024, khi tín dụng tăng cao trở lại, lợi nhuận của các ngân hàng sẽ cải thiện. Theo đó, hai yếu tố sẽ dẫn dắt xu hướng biến động của cổ phiếu ngân hàng là dòng tiền của khối ngoại và kết quả kinh doanh của ngân hàng. Nếu đạt được hai yếu tố này, thị giá cổ phiếu ‘vua’ sẽ tăng ổn định trong năm nay vì mặt bằng giá đang thấp so với thị trường chung.
Theo Công ty Chứng khoán DNSE, ngân hàng sẽ là nhóm ngành hút dòng tiền và hỗ trợ thị trường chứng khoán trong năm 2024 nhờ dư địa tăng trưởng tiềm năng.
Còn Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) và Công ty Chứng khoán KB cùng dự báo năm nay ngành ngân hàng có thể đạt mức tăng trưởng lợi nhuận 10%.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Duy Phương - Giám đốc khối Đầu tư của Công ty Chứng khoán DG Capital cho rằng, ngành ngân hàng đang đối mặt với nhiều thách thức, nhất là tín dụng tăng trưởng chậm và nợ xấu phình to. Song các giải pháp gần đây của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực bất động sản, khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế sẽ đem lại những kết quả tích cực, giúp giảm áp lực cho hệ thống ngân hàng.
Các ngân hàng đã chủ động hơn trong kiểm soát rủi ro, trích lập dự phòng nợ xấu và làm dày “bộ đệm” vốn để ứng phó tốt hơn với những cú sốc của nền kinh tế. Hơn nữa, định giá cổ phiếu các ngân hàng Việt vẫn được các nhà đầu tư ngoại đánh giá đang về mức hấp dẫn so với 5 năm trở lại đây. Do đó, đầu tư vào nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn rất tiềm năng.
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.