Toàn cảnh khu phức hợp 26 tầng của Daewoo E&C tại Tây Hồ Tây
(VNF) - Dự án khu phức hợp thương mại, văn phòng, nhà ở cao cấp tại lô đất K8HH1 thuộc khu đô thị Starlake dự kiến sẽ bổ sung lượng nguồn cung lớn cho thị trường Hà Nội trong năm 2025.
Dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt tại Hà Tĩnh của Công ty Cổ phần Chăn nuôi Bình Hà (Công ty Bình Hà) được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư vào ngày 15/4/2015 với tổng diện tích đất khảo sát khoảng 6.119,28ha. Quy mô đầu tư dự kiến khoảng 150.000 con bò/năm và tổng mức đầu tư 4.223 tỷ đồng.
Đây là một “siêu dự án” trong lĩnh vực nông nghiệp, thuộc hàng các dự án nông nghiệp lớn nhất miền Bắc.
Dự án được triển khai tại 4 xã của huyện Cẩm Xuyên và 3 xã của huyện Kỳ Anh. Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm kể ngày ngày có quyết định cho thuê đất.
Thời điểm đó, dự án được kỳ vọng góp phần phát triển chăn nuôi bò giống, bò thịt theo quy trình công nghệ cao, với sản phẩm bò thịt chất lượng cao phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương, góp phần thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới.
Đến ngày 12/1/2016, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có Quyết định số 99 điều chỉnh dự án trên. Theo đó, quy mô đầu tư chăn nuôi khoảng 254.200 con bò/năm và tổng mức đầu tư 4.582 tỷ đồng. Diện tích sử dụng đất 2.163,5ha, trong đó huyện Cẩm Xuyên 1.578,6ha và huyện Kỳ Anh 584,9ha.
Để thực hiện dự án này, ngân hàng BIDV hỗ trợ về vốn. Thời điểm đó, ông Trần Bắc Hà đã ký quyết định tài trợ vốn cho Công ty Bình Hà với tổng giá trị cho vay hơn 3.100 tỷ đồng.
Do Công ty Bình Hà không đủ điều kiện để được cấp tín dụng, nên quá trình thực hiện hợp đồng và giải ngân, BIDV hội sở và BIDV chi nhánh Hà Tĩnh đã 8 lần sửa đổi điều kiện cấp tín dụng theo hướng bỏ qua một số quy định, hoặc nới lỏng điều kiện.
Từ năm 2015 đến tháng 11/2018, BIDV chi nhánh Hà Tĩnh giải ngân cho Công ty Bình Hà vay hơn 2.600 tỷ đồng.
Dù vậy, dự án đã không như kỳ vọng của chính quyền và người dân Hà Tĩnh. Sau 3 năm triển khai, trung bình mỗi năm Công ty Bình Hà chỉ nhập về 15.000 con bò.
Dự án nuôi bò nghìn tỷ chính thức đổ bể vào giữa năm 2018. Trong lúc “ngắc ngoải”, Công ty Bình Hà chuyển một phần đất trồng cỏ sang trồng chuối để duy trì hoạt động. Tuy nhiên, do chắp vá, thiếu quản lí, thiếu vốn đầu tư nên nguồn thu từ chuối không đủ bù cho các hoạt động của công ty, nợ lương công nhân kéo dài nhiều tháng.
Liên quan đến dự án, ngày 29/3/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng BIDV và Công ty Cổ phần Chăn nuôi Bình Hà, đồng thời khởi tố bị can, bắt giam một số lãnh đạo công ty và nguyên lãnh đạo BIDV.
Sau khi lãnh đạo Công ty Bình Hà vướng lao lý và dự án nuôi bò cũng ngừng hoạt động theo, đến nay, doanh nghiệp đã có ban lãnh đạo mới và đã ký kết hợp tác kinh doanh với đối tác lớn nhằm khôi phục tái sản xuất lại dự án này.
Theo nguồn tin của VietnamFinance, mới đây, Công ty Cổ phần Chăn nuôi Bình Hà đã có văn bản gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị điều chỉnh dự án nuôi bò giống và bò thịt tại Hà Tĩnh.
Theo đề xuất của Công ty Bình Hà, doanh nghiệp muốn đổi tên dự án nuôi bò giống và bò thịt tại Hà Tĩnh thành dự án chăn nuôi bò và trồng cây nguyên liệu tại Hà Tĩnh, đồng thời điều chỉnh quy mô từ 254.200 con bò/năm xuống 35.000 con/năm và trồng cây nguyên liệu như dứa, chuối, ngô, cây ăn quả, cỏ, dược liệu…
Công ty cũng đề nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư còn 1.800 tỷ đồng (giảm 2.782 tỷ so với trước) và giảm quy mô diện tích từ 2.163ha xuống khoảng 1.227,54ha. Địa điểm thực hiện tại huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh với vị trí là các khu đất đã được giao và đã thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng.
Theo Quyết định số 1300 ngày 15/4/2015, tiến độ thực hiện dự án bắt đầu từ tháng 4/2015 và hoàn thành việc xây dựng dự án trước tháng 12/2016, nay công ty xin chuyển tiến độ hoàn thành nuôi 35.000 con bò và trồng 934ha cây nguyên liệu các loại trong thời gian 36 tháng kể từ khi có quyết định điều chỉnh chủ trương dự án.
Theo tìm hiểu của VietnamFinance, Công ty Cổ phần Chăn nuôi Bình Hà được thành lập ngày 10/4/2015 có trụ sở tại số 88 Phan Đình Phùng, phường Tân Giang, TP. Hà Tĩnh.
Công ty Bình Hà có vốn điều lệ ban đầu 200 tỷ đồng, gồm 3 cổ đông sáng lập là ông Đinh Văn Dũng (sinh năm 1965, quê Gia Lai) nắm 45% vốn cổ phần, ông Thái Thành Vinh (quê TP. HCM) nắm 30% vốn và ông Trần Anh Quang (sinh năm 1982, quê Bình Định) nắm 25% vốn.
Ban đầu người đại diện theo pháp luật của Công ty Bình Hà là ông Đinh Văn Dũng - Tổng giám đốc và cũng là người nắm nhiều cổ phần nhất.
Đến tháng 1/2016, công ty này tăng vốn điều lệ lên gấp đôi từ 200 tỷ đồng lên 400 tỷ đồng và đổi địa chỉ trụ sở chính tại số 2, Nguyễn Đình Liễn, thị trấn Cẩm Xuyên, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh.
Tháng 10/2016, ông Trần Anh Quang lên ngồi ghế tổng giám đốc thay thế ông Dũng.
Sau khi có sếp tổng mới, doanh nghiệp này đăng ký thêm ngành nghề kinh doanh phụ là kinh doanh bất động sản và tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản. Đồng thời doanh nghiệp cũng đổi địa chỉ trụ sở chính tại thôn 1, xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh.
Nhưng một năm sau đó, ông Dũng lại trở lại thay ông Quang làm tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Công ty Bình Hà.
Tuy nhiên, vào giữa tháng 6/2018, ông Đinh Văn Dũng bị Công an Hà Tĩnh khởi tố và bắt tạm giam, vị trí tổng giám đốc công ty lại thuộc về ông Quang. Một năm sau đó, Bộ Công an đã khởi tố và bắt ông Trần Anh Quang, Thái Thành Vinh liên quan đến sai phạm xảy ra tại BIDV và Công ty Bình Hà.
Tại phiên sơ thẩm xét xử vụ án xảy ra tại BIDV vào tháng 10/2020, ông Trần Anh Quang khai bản thân là cháu họ của ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch BIDV khi đó và lái xe riêng cho Trần Duy Tùng (con trai ông Hà). Sau khi được cha con ông Trần Bắc Hà "dựng lên" làm Tổng giám đốc Công ty Bình Hà, ông Trần Quang Anh chỉ làm theo sự chỉ đạo của Trần Duy Tùng (hiện đang bổ trốn).
“Bị cáo chỉ là lái xe, vị trí tổng giám đốc chỉ là cái bóng mà thôi”, ông Quang nói tại tòa.
Cũng theo lời khai của ông Quang, đến tháng 8/2016, bị cáo mới biết mình là cổ đông của Công ty Bình Hà. Nhắc lại thời điểm khi được Tùng bổ nhiệm, ông Quang nói đã từ chối vì không có trình độ. Tuy nhiên, Tùng có thuyết phục là công ty đang khó khăn, những giấy tờ gì cần ký Tùng sẽ chỉ đạo.
Tháng 11/2020, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt ông Trần Anh Quang 13 năm tù và ông Đinh Văn Dũng 12 năm tù.
Theo nguồn tin của VietnmFinance, ông Dũng và ông Quang hiện đã ủy quyền cho ông Nguyễn Đình Thịnh và ông Võ Phi Long thực hiện các quyền của cổ đông.
Ngày 6/5/2020, Đại hội đồng cổ đông Công ty Bình Hà đã tổ chức họp bầu Hội đồng quản trị công ty gồm 3 thành viên: ông Phạm Chí Dũng, ông Nguyễn Đình Thịnh và ông Võ Phi Long.
Theo đó, ông Phạm Chí Dũng được HĐQT bầu làm chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật Công ty Bình Hà, còn ông Võ Phi Long được bầu làm tổng giám đốc công ty.
Chủ tịch HĐQT Công ty Bình Hà Phạm Chí Dũng sinh năm 1986, địa chỉ thường trú tại khu đô thị Việt Hưng, phường Giang Biên, quận Long Biên, Hà Nội và chỗ ở hiện tại đường Nguyễn Công Trứ, phường Tân Giang, TP. Hà Tĩnh.
Sau khi bầu ban lãnh đạo mới, Công ty Bình Hà thông báo thay đổi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần thứ 6 với vốn điều lệ 400 tỷ đồng.
(VNF) - Dự án khu phức hợp thương mại, văn phòng, nhà ở cao cấp tại lô đất K8HH1 thuộc khu đô thị Starlake dự kiến sẽ bổ sung lượng nguồn cung lớn cho thị trường Hà Nội trong năm 2025.