Hoàng Anh Gia Lai và Do Holdings muốn tham gia tái cơ cấu Công ty Bình Hà

Đức Hoàng - 06/04/2020 09:10 (GMT+7)

(VNF) - Công ty TNHH Thương mại Đầu tư phát triển Do Holdings, Hoàng Anh Gia Lai và các đối tác hợp tác tham gia với Công ty Bình Hà để tái cơ cấu và chuyển đổi dự án chăn nuôi bò nghìn tỷ tại Hà Tĩnh thành dự án trồng cây ăn quả xuất khẩu.

VNF
Hoàng Anh Gia Lai tham gia tái cơ cấu Công ty Bình Hà

Theo kết luận điều tra của Bộ Công an công bố mới đây, thời điểm tháng 3/2015, ông Trần Bắc Hà lợi dụng chức Chủ tịch HĐQT BIDV, trực tiếp làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh để xúc tiến đầu tư, đề nghị chấp thuận chủ trương dự án chăn nuôi bò tại địa phương này.

Ông Hà đã đề nghị được cấp đất và áp dụng chính sách ưu đãi cho liên danh giữa Công ty Cổ phần Tập đoàn An Phú (do Trần Duy Tùng - con ông Hà thành lập) với Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), dưới sự bảo trợ vốn của BIDV.

Nhưng sau đó ngày 10/4/2015, ông Hà lại dùng 3 cá nhân không có năng lực tài chính và không có kinh nghiệm nuôi bò để thành lập công ty “sân sau” là Công ty Cổ phần Chăn nuôi Bình Hà, vốn điều lệ 200 tỷ đồng.

Công ty này lập dự án nuôi bò với tổng mức đầu tư 4.223 tỷ đồng, quy mô dự kiến 150.000 con bò/năm, để xin vay vốn tại BIDV.

Dù Công ty Bình Hà mới thành lập, chưa có bất cứ hoạt động kinh tế phát sinh, chưa đủ điều kiện xếp hạng tín dụng, vốn tự có và tài sản bảo đảm không đủ điều kiện để cấp tín dụng, hồ sơ pháp lý của dự án chưa đầy đủ, cũng chưa được Ngân hàng Nhà nước đưa vào diện được cho vay thí điểm nhưng lợi dụng chức vụ, quyền hạn và lợi dụng chủ trương của Chính phủ về cho vay thí điểm trong nông nghiệp, ông Hà vẫn chỉ đạo cấp dưới cho Công ty Bình Hà vay 2.687 tỷ đồng với nhiều điều kiện ưu đãi.

Từ đó, Công ty Bình Hà làm ăn thua lỗ, sử dụng vốn không đúng mục đích và để các cổ đông thông qua các nhà thầu chiếm đoạt, chiếm dụng tiền giải ngân của BIDV và tiền bán bò. Tổng dư nợ đến tháng 11/2018 là 1.459 tỷ đồng.

Khả năng trả nợ vay BIDV của Công ty Bình Hà

Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán từ năm 2015 đến nay, Công ty Bình Hà xác định kể từ khi thực hiện dự án chăn nuôi bò tại Hà Tĩnh, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty lỗ lũy kế 915 tỷ đồng (năm 2015 lỗ 14,3 tỷ đồng, năm 2016 lỗ 261 tỷ đồng, năm 2017 lỗ 519 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2018 lỗ 120 tỷ đồng).

Còn theo số liệu kế toán của công ty đến tháng 11/2018, tổng tài sản chỉ còn 569 tỷ đồng/tổng dư nợ vay cả dài hạn và ngắn hạn là 1.459 tỷ đồng.

Tại thời điểm khởi tố vụ án hình sự vào tháng 11/2018, Công ty Bình Hà xác định với tình hình tài chính và kết quả kinh doanh trên thì không có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn cho BIDV - Chi nhánh Hà Tĩnh. Số tiền BIDV không có khả năng thu hồi 890 tỷ đồng.

Quá trình điều tra đến nay, BIDV cũng đã nỗ lực phối hợp với cơ quan điều tra thu hồi thêm được 207 tỷ đồng nên tổng dư nợ gốc của Công ty Bình Hà chỉ còn 1.252 tỷ đồng. Cùng với đó, số tiền BIDV không có khả năng thu hồi đến nay là 683 tỷ đồng.

Đồng thời BIDV đề nghị ghi nhận thêm các chi phí hợp lý, hợp lệ hình thành lên tài sản của Công ty Bình Hà, chưa được ghi nhận vào số tiền 569 tỷ đồng tổng tài sản trên sổ sách của công ty.

Nếu cho đối trừ số tiền này thì số tiền BIDV không có khả năng thu hồi tại Công ty Bình Hà chỉ còn 311 tỷ đồng.

Trang trại nuôi bò của Công ty Bình Hà hiện đang bỏ hoang.

Hoàng Anh Gia Lai tham gia tái cơ cấu Công ty Bình Hà

Đáng chú ý, sau khi bị điều tra, BIDV đã nỗ lực khắc phục hậu quả vụ án. Theo đó, ngân hàng đã tìm được đối tác là Công ty TNHH thương mại Đầu tư phát triển Do Holdings, Hoàng Anh Gia Lai và các đối tác tham gia hợp tác với Công ty Bình Hà. Nhóm công ty này sẽ nhận khai thác, chuyển đổi dự án và đảm nhận toàn bộ nghĩa vụ trả nợ thay Công ty Bình Hà.

Cụ thể, ngày 15/11/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an nhận được văn bản của BIDV, đính kèm phương án đề nghị hợp tác của Công ty TNHH Thương mại Đầu tư phát triển Do Holdings, HAGL và các đối tác với Công ty Bình Hà, để tái cơ cấu và chuyển đổi dự án chăn nuôi bò thành dự án trông cây ăn quả xuất khẩu.

Sau thời gian hợp tác (khoảng 3 năm), Công ty Do Holdings, HAGL và các đối tác sẽ nhận chuyển nhượng dự án/cổ phần và cam kết đảm nhận nghĩa vụ trả nợ còn lại của Công ty Bình Hà cho BIDV trên cơ sở xác định giá trị còn lại của tài sản và dư nợ tại BIDV.

Sau đó, cơ quan điều tra đã trực tiếp làm việc với BIDV và Công ty Do Holdings (đại diện cho các đối tác tham gia tái cơ cấu Công ty Bình Hà) ghi nhận: BIDV đã xem xét và đánh giá đối tác có năng lực tài chính, phương án hợp tác kinh doanh khả thi, đảm bảo trả nợ gốc trong vòng 9 năm.

Về việc này, cũng trong tháng 11/2019, Bộ Công an đã có 2 công văn đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh (địa phương cấp phép đầu tư dự án) và Ngân hàng Nhà nước (cơ quan chủ quản của BIDV) cho biết quan điểm về việc trên.

Tháng 12/2019, Ngân hàng Nhà nước có công văn đề nghị Bộ Công an tiếp tục ủng hộ, tạo điều kiện để BIDV hoạt động ổn định, an toàn, tiếp tục hoàn thành mục tiêu tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu đã được NHNN phê duyệt.

Ngay sau đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng có công văn thống nhất và ủng hộ đề nghị của BIDV về việc đưa đối tác có năng lực tài chính vào thực hiện tái cơ cấu dự án.

Bên cạnh đó, Công ty Do Holdings, HAGL và các đối tác đã xác nhận và cam kết với cơ quan điều tra về hiệu quả của phương án hợp tác kinh doanh đảm bảo trả toàn bộ dư nợ gốc 1.252 tỷ đồng của Công ty Bình Hà cho BIDV trong vòng 9 năm nếu được tham gia hợp tác.

Theo tính toán của Công ty Do Holdings, HAGL và các đối tác, trung bình mỗi năm sẽ trả được 139 tỷ đồng. Đồng thời, trong vòng 2 năm tiếp theo, sẽ thanh toán hết số tiền hơn 311 tỷ mà BIDV không có khả năng thu hồi từ khoản vay của dự án nuôi bò thua lỗ của Công ty Bình Hà.

>>> Xem thêm: Bầu Đức trả lời cơ quan điều tra thế nào về mối liên quan đến 'đại án Bình Hà'?

Cùng chuyên mục
Tin khác