'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Phương án tăng vốn cho 4 'ông lớn' ngân hàng quốc doanh
Tại báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 vừa gửi tới Ủy ban Kinh tế Quốc hội, NHNN cho biết đã chỉ đạo 4 ngân hàng thương mại nhà nước (nhóm Big 4) triển khai các phương án bổ sung vốn điều lệ để nâng cao năng lực tài chính.
Cụ thể, NHNN đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét, trình cấp thẩm quyền phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) từ nguồn ngân sách nhà nước. Agribank đã được Bộ Tài chính cấp bổ sung 3.500 tỷ đồng vốn điều lệ.
Trong khi đó, 3 "ông lớn" ngân hàng quốc doanh khác là Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) đang chờ Bộ Tài chính xem xét, có ý kiến về việc phân phối lợi nhuận năm 2021 để làm cơ sở trình cấp có thẩm quyền xem xét tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng.
Đáng chú ý, VietinBank đã chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ thêm 10.824 tỷ đồng sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án. Tương tự, Vietcombank đã được phê duyệt phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ phần lợi nhuận còn lại năm 2019, tổng vốn điều lệ tăng thêm là 10.237 tỷ đồng. Còn BIDV đã được phê duyệt phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước thông qua chi trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại giai đoạn 2018-2020, tổng số vốn điều lệ tăng thêm là 10.365 tỷ đồng.
Tính tới cuối tháng 7, vốn điều lệ của nhóm Big 4 đạt 180.300 tỷ đồng; tổng tài sản đạt 7,06 triệu tỷ đồng.
Về phương án tăng vốn đối với các ngân hàng thương mại cổ phần, trong năm nay, NHNN đã có văn bản chấp thuận tăng vốn điều lệ đối với 15 ngân hàng thương mại cổ phần. Việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng này chủ yếu là từ nguồn vốn chủ sở hữu của ngân hàng là lợi nhuận để lại và các quỹ dự trữ.
Đến cuối tháng 7, vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại cổ phần đạt 416.900 tỷ đồng; tổng tài sản đạt gần 7,5 triệu tỷ đồng.
Đối với các ngân hàng yếu kém, các ngân hàng mua bắt buộc, NHNN đã và đang chỉ đạo các ngân hàng này khẩn trương hoàn thiện phương án cơ cấu lại, đồng thời tiếp tục phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
Ngân hàng cấp tập chạy đua tăng vốn cuối năm
Từ đầu năm đến nay, hầu hết ngân hàng đã trình cổ đông thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 20-40%, có nhà băng còn dự kiến tăng vốn đến 60-70%. Các phương án tăng vốn điều lệ được triển khai thông qua phát hành cổ phiếu để chia cổ tức, phát hành riêng lẻ, phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, phát hành theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP)...
MSB mới đây được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu, tỷ lệ 30%. Nhà băng này sẽ phát hành thêm tối đa 458,25 triệu cổ phiếu, tổng giá là 4.582,5 tỷ đồng. Trước đó, MSB đã ra nghị quyết về việc tăng vốn điều lệ lên 20.000 tỷ đồng, thông qua phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu, với tỷ lệ 30% và phát hành tối đa 14,25 triệu cổ phiếu cho người lao động từ nguồn vốn chủ sở hữu.
MBBank cũng phát hành 755,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 20%. Sau khi hoàn tất phát hành, vốn điều lệ của nhà băng sẽ tăng từ 37.783 tỷ đồng lên 45.339 tỷ đồng.
Eximbank sau hơn một thập kỷ sẽ được tăng vốn điều lệ thêm tối đa 2.459 tỷ đồng, thông qua chia cổ tức bằng 245,8 triệu cổ phiếu. Vốn điều lệ của Eximbank sau phát hành dự kiến sẽ tăng lên hơn 14.814 tỷ đồng.
SHB được NHNN chấp thuận thay đổi vốn điều lệ lên 26.674 tỷ đồng. Thậm chí, SHB còn có kế hoạch nâng vốn điều lệ lên mức 36.459 tỷ đồng trong năm nay.
VPBank cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm tối đa 22.377 tỷ đồng từ 45.056 tỷ đồng lên 67.434 tỷ đồng. Ngân hàng này cũng dự kiến phát hành riêng lẻ tối đa là 1,19 tỷ cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài. Vốn điều lệ của VPBank dự kiến tăng lên 79.334 tỷ đồng nếu hoàn tất hai đợt phát hành trên.
HDBank cũng được tăng vốn điều lệ thêm tối đa 5.030 tỷ đồng, nâng số vốn điều lệ của nhà băng này từ 20.273 tỷ đồng lên 25.303 tỷ đồng thông qua phát hành hơn 503 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2021, với tỷ lệ 25%.
Tương tự, Techcombank được tăng vốn điều lệ thêm 63,2 tỷ đồng lên hơn 35.172 tỷ đồng. NamABank được chấp thuận tăng vốn điều lệ tối đa thêm 1.900 tỷ đồng.
KienlongBank được chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm 578,4 tỷ đồng, từ 3.652,8 tỷ đồng lên 4.231,2 tỷ đồng. VietCapitalBank được tăng vốn điều lệ thêm tối đa hơn 1.618 tỷ đồng. VietBank được tăng vốn điều lệ tối đa thêm hơn 1.003 tỷ đồng.
VIB đã hoàn tất việc tăng vốn điều lệ thêm 5.545 tỷ đồng, nâng mức vốn điều lệ lên gần 21.000 tỷ đồng. ACB cũng đã tăng vốn điều lệ thêm 6.754 tỷ đồng lên 33.774 tỷ đồng. OCB cũng tăng vốn điều lệ thêm 58,8 tỷ đồng lên 13.758 tỷ đồng. SeABank được tăng vốn điều lệ thêm 3.211 tỷ đồng, từ 16.598 tỷ đồng lên gần 19.809 tỷ đồng.
Các ngân hàng cho biết, việc tăng vốn điều lệ sẽ là động lực để các nhà băng tiếp tục giành lại thị phần trong thời gian tới, đồng thời góp phần tăng cường năng lực tài chính, giúp các ngân hàng gia tăng nguồn vốn trung và dài hạn để mở rộng hoạt động kinh doanh. Hơn nữa, đây cũng là nhiệm vụ thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025.
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.