Sau vụ Alibaba, Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu xử lý các 'dự án ma'

Trần My - 08/10/2019 10:32 (GMT+7)

(VNF) - Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, rà soát nhằm kịp thời phát hiện và xử lý việc chuyển quyền sử dụng đất không đúng quy định tại các dự án nhà ở sai phép, không phép.

VNF
Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba lừa đảo 6.700 người, thu về 2.650 tỷ đồng từ các "dự án ma"

Ngày 8/10, Bộ Tài nguyên và Môi trường có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc kiểm tra, xử lý việc chuyển quyền sử dụng đất không đúng quy định tại các dự án nhà ở sai phép, không phép.

Bộ này cho biết trong thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng và thông tin qua đường dây nóng của Bộ phản ánh tại một số địa phương có tình trạng nhiều chủ đầu tư rao bán nhà đất thuộc các dự án nhà ở không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc các dự án chưa được nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất hoặc các dự án không đủ điều kiện chuyển quyền sử dụng đất, bán nhà ở... và tình trạng có nhiều người đã mua hoặc nộp tiền đặt cọc để nhận chuyển nhượng nhà, đất tại các dự án không phép, sai phép nêu trên.

"Việc bán, mua nhà đất nêu trên đã vi phạm các quy định của pháp luật về đất đai, gây rủi ro cho người mua nhà đất, tác động xấu đến thị trường bất động sản, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn", Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định.

Để ngăn chặn và xử lý nghiêm tình trạng nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; công khai thông tin các dự án nhà ở đã được phê duyệt trên địa bàn tại trụ sở UBND cấp huyện, xã và tại khu đất thực hiện dự án và trên phương tiện thông tin đại chúng của địa phương để cho mọi tổ chức, cá nhân dễ dàng nắm bắt thông tin trước khi thực hiện các giao dịch; công khai các dự án nhà ở đã được phê duyệt nhưng có vi phạm pháp luật về đất đai, không đủ điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bán nhà ở.

Bộ này cũng yêu cầu các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, rà soát nhằm kịp thời phát hiện và xử lý ngay các vi phạm nêu trên. Trường hợp có dấu hiệu lừa đảo cần kịp thời thông báo cho cơ quan bảo vệ pháp luật để xử lý theo quy định.

Liên quan đến các "dự án ma", thời gian qua Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. HCM cũng đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với ông Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba) và ông Nguyễn Thái Lĩnh (Tổng giám đốc Công ty Alibaba) để điều tra hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Theo kết quả điều tra ban đầu, Công an TP. HCM xác định Nguyễn Thái Luyện và Nguyễn Thái Lĩnh lập ra Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba với quy mô hơn 2.600 nhân viên. Anh em Luyện đã tổ chức thu mua số lượng lớn đất nông nghiệp - lên đến 600ha, rồi giao cho các cá nhân đứng tên, vẽ ra 40 dự án "ma".

Cụ thể, anh em Luyện lập 29 dự án ở Đồng Nai, 9 dự án ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và 2 dự án ở Bình Thuận. Lãnh đạo các tỉnh này khẳng định chưa ban hành bất cứ quyết định nào liên quan đến việc thỏa thuận địa điểm, chủ trương đầu tư, giao đất hay cho thuê đất để Công ty Alibaba làm dự án nhưng các đối tượng vẫn lên mạng quảng cáo sai sự thật để bán đất nền.

Đến nay, Công an TP. HCM xác định anh em Nguyễn Văn Luyện đã ký hợp đồng bán đất cho hơn 6.700 người, thu về 2.650 tỷ đồng.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.