SCB: Lợi nhuận năm 2019 'cầm chừng' ở mức trên 170 tỷ, nợ xấu VAMC tiếp tục tăng

Minh Tâm - 23/02/2020 09:44 (GMT+7)

(VNF) - Mặc dù là ngân hàng tư nhân có quy mô lớn nhất Việt Nam xét về tổng tài sản nhưng theo báo cáo tài chính vừa công bố, lợi nhuận sau thuế năm 2019 của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) chỉ đạt 174 tỷ đồng, tương đương ROA (tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản) chỉ 0,03%. Năm 2019, nợ xấu nội bảng và nợ xấu ngoại bảng tại VAMC của SCB đều tăng cả về quy mô lẫn tỷ lệ.

VNF
SCB: Lợi nhuận năm 2019 'cầm chừng' ở mức trên 170 tỷ, nợ xấu VAMC tiếp tục tăng

Gánh nặng về chi phí huy động đối với SCB vẫn rất lớn. Năm 2019, bất chấp mảng tín dụng đem về tới 39.581 tỷ đồng thu nhập lãi nhưng do chi phí huy động quá lớn, thu nhập lãi thuần của ngân hàng này chỉ đạt 4.029 tỷ đồng - tương đương thu nhập lãi thuần của một ngân hàng cỡ trung.

Dù vậy, mức này vẫn là đáng khích lệ khi tăng 39% so với năm 2018.

Với các hoạt động phi tín dụng, mảng dịch vụ ghi nhận tăng trưởng tốt trong năm 2019 với mức tăng trên 30% về lãi thuần, đạt gần 1.694 tỷ đồng. Trong khi đó, mảng mua bán chứng khoán đầu tư đem về 453 tỷ đồng lãi thuần, tăng trưởng 7,1%.

Các hoạt động khác đem về 1.150 tỷ đồng lãi thuần, giảm 39%.

Các mảng ngoại hối hay mua bán chứng khoán đầu tư đem về lãi thuần không đáng kể.

Tựu trung chốt năm 2019, tổng thu nhập hoạt động thuần của SCB ở mức 7.403 tỷ đồng, tăng 13,4% so với năm 2018. Sau khi trừ đi chi phí hoạt động, lợi nhuận trước dự phòng còn 2.595 tỷ đồng.

Do lượng nợ xấu tồn đọng còn lớn nên SCB tiếp tục phải dành tới trên 90% lợi nhuận để trích lập dự phòng, khiến lợi nhuận sau dự phòng (trước thuế) năm 2019 chỉ còn 224 tỷ đồng. Sau khi trừ thuế còn lại 174 tỷ đồng.

Năm 2018, tình hình cũng tương tự khi SCB dành ra trên 90% lợi nhuận để trích lập dự phòng. Lợi nhuận sau thuế ở mức 176 tỷ đồng.

Về nợ xấu, số liệu cho thấy những tín hiệu kém khả quan khi cả nợ xấu nội bảng và nợ xấu ngoại bảng tại VAMC đều tăng cả về quy mô lẫn tỷ lệ.

Cụ thể, cuối năm 2019, nợ xấu nội bảng của SCB ở mức 1.644 tỷ đồng, tăng 30% sau một năm. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng theo đó tăng từ 0,42% lên 0,49%.

Đáng chú ý, nợ xấu ngoại bảng tại VAMC (hay nợ chưa dự phòng tại VAMC) của SCB tăng năm thứ 3 liên tiếp, lên mức 24.844 tỷ đồng.

Nếu tính cả nợ xấu nội bảng và nợ xấu ngoại bảng tại VAMC, tỷ lệ nợ xấu của SCB ở mức 7,38% chốt năm 2019, tăng so với mức 7,15% thời điểm một năm trước đó.

Ngoài ra, lãi dự thu và các khoản phải thu của SCB tiếp tục tăng và ở mức cao nhất trong hệ thống ngân hàng thương mại, cũng là một chỉ báo kém khả quan.

Tính đến hết năm 2019, tổng tài sản của SCB ở mức 567.894 tỷ đồng, tăng 11,6% so với hồi đầu năm. Dư nợ cho vay đạt 333.878 tỷ đồng, tăng 10,6%. Tiền gửi khách hàng ở mức 438.287 tỷ đồng, tăng 13,9%.

Cùng chuyên mục
Tin khác