Shark Tank lên sóng, 10 vụ 'chết' 9 vẫn ném tiền triệu USD

Duy Anh - 03/05/2021 08:01 (GMT+7)

Theo các nhà đầu tư, 100 startup thì khả năng thành công được 5 vụ đã là xuất sắc. Nhưng đầu tư là như vậy, có thể thất bại trong 9 vụ, chỉ cần 1 vụ thành công thôi cũng là thắng.

VNF
Shark Tank lên sóng, 10 vụ 'chết' 9 vẫn ném tiền triệu USD

Thất bại đến 99%

Sau 3 mùa phát sóng, "Shark Tank Việt Nam - Thương vụ Bạc tỷ" đã có 77 startups nhận được cam kết rót vốn, với tổng số tiền cam kết đầu tư là 772 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Phú, ông chủ Tập đoàn Sunhouse, có tới 99% dự án thất bại và hầu như nhà đầu tư bị mất tiền.

“Trong 100 startup thì khả năng thành công được 5 vụ đã là xuất sắc. Nhưng đầu tư là như vậy, có thể thất bại trong 9 vụ, chỉ cần 1 vụ thành công thôi cũng là thành công. Tôi tin chắc rằng tỷ lệ đầu tư của Shark Tank Việt Nam còn cao hơn Shark Tank Mỹ”, ông nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoà Bình, Chủ tịch HĐQT NextTech, cho rằng, đời startup thất bại là chính, mất tiền là chủ yếu, hãy làm quen với điều đó. Và đó chính là lý do vì sao mà các quỹ đầu tư mạo hiểm khi đầu tư bao giờ họ cũng chỉ quan tâm đến tiềm năng đem lại lợi nhuận siêu lớn và chấp nhận khả năng rủi ro rất cao. Với lý do đó, nên các nhà đầu tư luôn tìm kiếm hai yếu tố. Một, yếu tố con người quan trọng nhất. Hai là thị trường, sản phẩm phải có tiềm năng tăng trưởng rất cao.

"Theo thống kê, hơn 97% startup thất bại trong 3 năm đầu. Với các SME nhỏ thì không nên lên sóng gọi vốn mà phải có đội ngũ tốt hoặc tầm nhìn lớn để các Shark còn nhìn vào đó mà đầu tư", Shark Bình khuyến nghị.

Dù không công bố tỷ lệ cụ thể, song theo Shark Phạm Thanh Hưng, tỷ lệ giải ngân của ông ở mức khá cao và may mắn là cả 4 deal trên 1 triệu USD đều đang hoạt động tốt. Nhưng những deal nhỏ thì lại thường "mất hút".

“Chúng tôi là những người làm ra đồng tiền thì điều đầu tiên là phải biết quý trọng đồng tiền. Vì vậy, công việc đầu tiên tôi muốn nói với các bạn startup dù các bạn có kêu gọi được tiền trên chương trình Shark Tank hay các bạn có nhận được tiền từ các nhà đầu tư khác thì phải biết tôn trọng và biết quý đồng tiền của các nhà đầu tư bỏ ra, dù họ có là tỷ phú, và họ chỉ bỏ ra cho các bạn vài chục triệu hay vài trăm triệu. Tôn trọng đồng tiền của họ thì các bạn mới có thể thành công được”, ông nói.

Kiếm tiền từ những điều nhỏ nhất

Tại Thương vụ Bạc tỷ mùa 4, ông Nguyễn Xuân Phú quay lại chương trình với mong muốn tìm được những startup liên quan đến công nghệ, R&D... Ông Phú cho rằng, đối với doanh nghiệp, ý tưởng kinh doanh rất quan trọng, nhưng ở giai đoạn ban đầu, khó nhất là để tồn tại và vượt qua những năm đầu. Vì vậy, tài chính là rất quan trọng. Chính vì thế, ông Phú hy vọng các startup khi khởi nghiệp phải nắm rõ được bức tranh tài chính.

Ông dẫn chứng, muốn đủ tiền để duy trì trước khi có lời hay trước khi gọi được vốn mới thì phải làm thế nào để chia ra để sống. Đó là điều vô cùng then chốt và đó cũng là một bài học mà gần như tất cả các doanh nghiệp ông từng đầu tư trước đây, gần 90% thất bại là vì những điều đó. Theo đó, các startup phải nắm được dữ liệu tài chính một cách chính xác tại mọi thời điểm. Ông Phú cho rằng, đó là một trong những khẩu vị đầu tư của mình.

Theo Shark Hưng, khẩu vị đầu tư của ông có thay đổi, ông quan tâm nhiều hơn đến những startup phù hợp với hệ sinh thái của Cen Land. Ngoài ra, Shark Hưng cũng quan tâm đến startup ở các ngành khác có mô hình kinh doanh độc, lạ, sáng tạo.

Trong khi đó, Shark Liên lại không quá phân biệt các ngành nghề nhưng quan tâm đặc biệt và ưu tiên những dự án về môi trường, nước sạch, rác thải và sức khỏe cộng đồng. Bà sẽ ưu tiên cho những dự án nằm trong nhóm ý tưởng này. Bên cạnh đó, bà cũng sẽ dành nhiều sự quan tâm cho các startup công nghệ vì chuyển hóa số là xu hướng tất yếu của tương lai.

Còn Shark Việt nhấn mạnh: “Doanh nghiệp nào cống hiến cho xã hội nhiều, làm được điều lợi ích, người lãnh đạo thực sự là người xứng đáng để đầu tư thì tôi sẽ đầu tư. Thật ra, tôi quan niệm startup là phải khác biệt, phải biết làm ra tiền. Nên đầu tiên phải hiệu quả và phải đóng góp cho xã hội, nhưng điều quan trọng nhất đối với tôi vẫn là người lãnh đạo và ekip vận hành của startup”.

Theo VNN
Cùng chuyên mục
Tin khác