Ngân hàng

Siết chặt tỷ lệ an toàn vốn ngân hàng: Tăng trưởng tín dụng phân hóa, chấm dứt chu kỳ vốn rẻ

(VNF) - Động thái siết tỷ lệ an toàn vốn tại các ngân hàng không chỉ khiến tăng trưởng tín dụng phân hóa giữa các ngân hàng đạt và chưa đạt chuẩn Basel II mà còn kéo theo chi phí vốn của hệ thống ngân hàng sẽ cao hơn.

Siết chặt tỷ lệ an toàn vốn ngân hàng: Tăng trưởng tín dụng phân hóa, chấm dứt chu kỳ vốn rẻ

Siết chặt tỷ lệ an toàn vốn ngân hàng: Tăng trưởng tín dụng phân hóa, chấm dứt chu kỳ vốn rẻ

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành một loạt thông tư nhằm gia tăng chuẩn mực an toàn (như thông tư 13, thông tư 36, thông tư 41), trong đó chuẩn mực an toàn vốn được đặc biệt chú trọng theo tiêu chuẩn quốc tế Basel II, đảm bảo hệ thống ngân hàng hoạt động lành mạnh và bền vững hơn. Nhiều ngân hàng đã chính thức áp dụng các thông tư này.

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), những động thái của NHNN kéo theo nhiều sự thay đổi đáng kể trong ngành ngân hàng.

Thứ nhất, tăng trưởng tín dụng phân hóa giữa các ngân hàng đạt và chưa đạt chuẩn Basel II.

"Một số ngân hàng đã đáp ứng chuẩn Basel II có lợi thế trong việc cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng, từ đó đảm bảo tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2019. Những ngân hàng còn lại có nhu cầu tăng vốn lớn để đảm bảo các tỷ lệ an toàn. Trong đó, một số ngân hàng gặp khó khăn trong vấn đề tăng vốn sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng tín dụng và thu nhập từ lãi trong năm 2019", VCBS cho biết.

Thực tế gần đây, nhiều ngân hàng thương mại đã được nới hạn mức tăng trưởng tín dụng và chủ yếu là các ngân hàng đã chính thức áp dụng thông tư 41, đáp ứng chuẩn Basel II.

Thứ hai, theo VCBS, động thái siết tỷ lệ an toàn vốn tại các ngân hàng kéo theo chi phí vốn của hệ thống sẽ cao hơn, thể hiện qua diễn biến lãi suất liên ngân hàng. Chu kỳ vốn rẻ theo đó cũng chấm dứt.

VCBS cho hay nhìn chung mặt bằng lãi suất liên ngân hàng nửa đầu năm 2019 cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời dự báo mặt bằng lãi suất liên ngân hàng trong nửa cuối năm nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao hơn. Chi phí vốn cao hơn sẽ khiến các thành viên thị trường có xu hướng chấp nhận chuyển dịch sang các kênh đầu tư có mức rủi ro cao hơn để tìm kiếm lợi suất tương xứng.

Thứ ba, lãi suất huy động kỳ hạn dài có thể tiếp tục tăng và có xu hướng cục bộ. Mức tăng, theo VCBS, có thể đạt 0,8 điểm% trong năm nay.

"Lãi suất huy động bình quân ngành duy trì ở mức cao so với cùng kỳ năm 2018. Dự báo lãi suất huy động tiếp tục tăng về phía cuối năm 2019 khi các ngân hàng phải tăng huy động vốn trung dài hạn để đáp ứng các chỉ tiêu an toàn của NHNN", công ty chứng khoán này nhận định.

Tựu chung, những ngân hàng đã đáp ứng chuẩn Basel II còn nhiều động lực tăng trưởng. Các ngân hàng khác sẽ tiếp tục quá trình tái cơ cấu. Nợ tồn đọng lớn sẽ hạn chế khả năng tăng trưởng tín dụng và làm giảm đáng kể lợi nhuận của một số ngân hàng.

"Tăng vốn là vấn đề cấp bách để các ngân hàng đáp ứng chuẩn an toàn hoạt động của hệ thống", VCBS nhấn mạnh.

Tin mới lên