Singapore có thể đánh thuế Amazon và Lazada

Trang Lê - 12/02/2018 13:54 (GMT+7)

(VNF) – Singapore mới đây tiết lộ kế hoạch ban hành thuế thương mại điện tử, điều này sẽ tạo ra những thay đổi lớn trong khu vực vốn đang cạnh tranh rất gay gắt. Đi đầu sẽ là hai ông lớn Amazon và Lazada.

VNF
BMI Research dự báo 6 nền kinh tế lớn nhất ở Đông Nam Á sẽ đạt 64,8 tỷ USD trong mảng thương mại điện tử vào năm 2021, tăng từ 37,7 tỷ USD hồi năm ngoái.

8 trong số 12 nhà kinh tế trong một cuộc khảo sát của Bloomberg cho hay, ngân sách dự thảo được công bố ngày 19/2 tới đây sẽ bao gồm các loại thuế mới như thuế thương mại điện tử và một số thuế đánh vào các giao dịch kỹ thuật số xuyên biên giới với mức độ tương tự như thuế hàng hóa và dịch vụ.

Các nước lân cận khác như Thái Lan, Indonesia và Malaysia cũng đang xem xét kế hoạch đánh thuế tương tự.

Chính phủ các nước Đông Nam Á đang tìm cách giành lại sân chơi cho các nhà cung cấp truyền thống vì sự phát triển nhanh chóng của bán lẻ trực tuyến trên nền tảng công nghệ như Lazada của Alibaba Group Holding Ltd và Amazon do Amazon.com Inc điều hành.

BMI Research dự báo 6 nền kinh tế lớn nhất ở Đông Nam Á sẽ đạt 64,8 tỷ USD trong mảng thương mại điện tử vào năm 2021, tăng từ 37,7 tỷ USD hồi năm ngoái. Trong đó, Credit Suisse Group AG ước tính tăng trưởng ở mảng mua sắm trực tuyến có thể vượt xa mảng bán lẻ truyền thống từ 6 đến 10 lần trong vài năm tới.

Thuế thương mại điện tử sẽ làm giảm "sự cạnh tranh cho các nhà bán lẻ truyền thống trước sức ép của mua sắm trực tuyến đang ngày càng trở nên phổ biến", Nainika Singh, nhà phân tích tiêu dùng tại BMI Research, cho biết. "Trong tương lai, nhiều nước Đông Nam Á khác cũng sẽ đánh thuế thương mại điện tử tương tự như Singapore".

Tuy nhiên, theo Chua Hak Bin và Lee Ju Ye, hai nhà kinh tế thuộc Maybank Kim Eng Research, Singapore, "việc này không hề dễ dàng". Tại Việt Nam và Philippines, người bán hàng thường tìm ra cách để trốn thuế bằng việc đăng tải hàng hóa và dịch vụ lên các phương tiện truyền thông xã hội, thúc đẩy giao dịch bằng tiền mặt và chạy nhiều trang web bán hàng.

Mặc dù chính phủ Singapore đã đề xuất kế hoạch cụ thể trong dự thảo ngân sách sắp tới, nhưng cách thức quản lý khoản thuế thương mại điện tử mới này vẫn còn bị bỏ ngỏ.

Những người mua trực tuyến tại Singapore nói chung có thể tránh được các khoản thu không vượt quá 400 đô-la Sing, nhưng với tốc độ phát triển chóng mặt của ngành công nghiệp này, việc thay đổi thuế vào thời điểm này là tương đối khó khăn, theo ông Indranee Rajah, Bộ trưởng cao cấp về Tài chính và Pháp luật tại Singapore, cho biết vào hồi tháng 11/2017.

Ông Jajah khẳng định chính phủ nước này vẫn đang nghiên cứu về thuế thương mại điện tử và họ chắc chắn sẽ thực hiện điều này trong thời gian sớm nhất có thể.

Tại Thái Lan, các nhà chức trách ước tính rằng khoản thuế thương mại điện tử sẽ nâng tổng số tiền thu thuế của nước này tăng thêm 15%, cao gấp 3 lần so với hàng năm, theo báo cáo của Bangkok Post.

Bản dự thảo thuế thương mại điên tử vẫn đang được xem xét. Theo đó, thuế thương mại điện tử cao nhất sẽ là 15% và có áp dụng hệ thống thanh toán bằng đồng Bath hoặc chuyển tiền trong nước.

Còn tại Indonesia, thương mại điện tử đang bùng nổ mạnh mẽ và doanh thu từ mảng này sẽ giúp tăng nguồn tiền cho nhà nước, đặc biệt là thuế.

Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Sri Mulyani Indrawaiti cho biết, chính phủ sẽ sớm đưa ra một quy định mới về thương mại điện tử sau khi tham khảo ý kiến của một số Bộ và Cơ quan.

Bà khẳng định: "Nguyên tắc cơ bản là chúng ta sẽ tạo ra một sân chơi bình đẳng. Cách áp thuế đối với thương mại điện tử sẽ không khác gì so với các hình thức bán hàng truyền thống."

Tuy nhiên, để bảo về lợi ích của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, mức thuế áp dụng cho các doanh nghiệp này sẽ thấp hơn.

Với Malaysia, Cục Hải quan nước này đã và đang đề cập đến kế hoạch đánh thuế đối với các nhà khai thác thương mại điện tử nước ngoài trong nhiều tháng nay. BMI Research cho biết, Malaysia sẽ là nước tiếp sau ngay Singapore trong việc áp dụng thuế thương mại điện tử.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.