Số dư trái phiếu tăng thêm gần 23%, lợi nhuận của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam vẫn suy giảm

Minh Tâm - 09/12/2019 12:35 (GMT+7)

(VNF) - Mặc dù số dư trái phiếu tăng gần 23% lên 46.674 tỷ đồng khiến doanh thu tài chính tăng 15,3% nhưng lợi nhuận năm 2018 của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam vẫn ghi nhận mức giảm 5,6% so với năm ngoái, do chi phí quản lý doanh nghiệp tăng khá mạnh.

VNF
Số dư trái phiếu tăng thêm gần 23%, lợi nhuận của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam vẫn suy giảm

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam mới đây đã công bố công khai báo cáo tài chính năm 2018 đã được kiểm toán bởi Kiểm toán Nhà nước.

Theo báo cáo, tính đến hết năm 2018, Bảo hiểm tiền gửi hiện đã rót 46.674 tỷ đồng mua trái phiếu chính phủ, tăng 22,6% so với năm ngoái, tương đương tăng thêm khoảng 8.600 tỷ đồng.

Nhiều nhất là kỳ hạn 5 năm với 20.101 tỷ đồng, theo sau là kỳ hạn 15 năm với 7.929 tỷ đồng, kỳ hạn 20 năm với 6.840 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm với 5.302 tỷ đồng, kỳ hạn 30 năm với 3.582 tỷ đồng, kỳ hạn 7 năm tới 2.011 tỷ đồng và kỳ hạn 3 năm với 907 tỷ đồng.

Lượng trái phiếu khổng lồ này đem về cho Bảo hiểm tiền gửi 2.649 tỷ đồng tiền lãi trong năm 2018. Năm ngoái, con số này là 2.340 tỷ đồng.

Một phần thu nhập trên được trích ra để ghi nhận vào doanh thu hoạt động tài chính. Năm 2018, mức trích ra là 542 tỷ đồng, tăng 15,3% so với năm ngoái. Đây là doanh thu chính của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

Tuy nhiên, do chi phí quản lý doanh nghiệp tăng tới 21,5% lên mức 424 tỷ đồng nên năm vừa qua, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam chỉ ghi nhận 118 tỷ đồng lợi nhuận, giảm 5,6% so với năm ngoái.

Được thành lập từ năm 1999 và đi vào hoạt động năm 2000, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là tổ chức tài chính Nhà nước, hoạt động theo mô hình Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn Điều lệ.

Theo chức năng, nhiệm vụ được giao phó thì cơ quan này hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận mà vì mục tiêu “bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, thực hiện chính sách bảo hiểm tiền gửi góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng”.

Theo quy định hiện hành, Bảo hiểm tiền gửi chỉ được phép chi tối đa 75 triệu đồng để “đền bù” cho người gửi tiền trong trường hợp phá sản ngân hàng.

Hồi tháng 6/2019, Bộ Tài chính đã công bố dự thảo Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 312/2016/TT-BTC ngày 24/11/2016 của Bộ Tài chính quy định chế độ tài chính đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, với nhiều thay đổi đáng chú ý.

Theo đó, thông tư mới dự kiến sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 5 Thông tư số 312/2016/TT-BTC như sau: "Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được sử dụng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi để đầu tư, mua trái phiếu Chính phủ; tín phiếu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; gửi tiền tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; mua trái phiếu dài hạn của tổ chức tín dụng hỗ trợ theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam".

So với thông tư cũ, dự thảo thông tư mới bổ sung thêm rằng Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được mua trái phiếu dài hạn của tổ chức tín dụng hỗ trợ theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Như vậy, các ngân hàng sẽ có thêm một khách hàng lớn sẵn sàng mua trái phiếu dài hạn. Điều này được kỳ vọng sẽ làm giảm tình trạng "cải thiện ảo" hệ số an toàn vốn bằng cách các ngân hàng mua trái phiếu lẫn nhau.

Ở khoản 5 Điều 5 Thông tư số 312/2016/TT-BTC, dự thảo mới sửa đổi, bổ sung: "Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được sử dụng quỹ dự phòng nghiệp vụ để chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền theo quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi và cho vay đặc biệt đối với các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt theo quy định của pháp luật. Việc sử dụng quỹ dự phòng nghiệp vụ để cho vay đặc biệt đối với các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt phải đảm bảo nguyên tắc không ảnh hưởng đến khả năng chi trả bảo hiểm tiền gửi cho người gửi tiền, đảm bảo an toàn vốn.

Trong trường hợp quỹ dự phòng nghiệp vụ không đủ để trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được tiếp nhận hỗ trợ hoặc vay của tổ chức tín dụng, tổ chức khác có bảo lãnh của Chính phủ theo quy định của Luật bảo hiểm tiền gửi và các văn bản hướng dẫn".

So với thông tư cũ, dự thảo thông tư mới bổ sung thêm nội dung Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được phép sử dụng quỹ dự phòng nghiệp vụ để cho vay đặc biệt đối với các tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt.

Việc bổ sung nội dung này kéo theo việc bổ sung Điều 7a vào dự thảo, cụ thể: "Điều 7a. Xử lý tổn thất trong trường hợp cho vay đặc biệt đối với các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt".

Theo đó, "Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được sử dụng số dư của khoản thu lãi cho vay đặc biệt đối với các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt đang hạch toán tại một tiểu khoản riêng của quỹ dự phòng nghiệp vụ theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 1 Thông tư này để bù đắp các tổn thất không thu hồi được vốn cho vay đặc biệt".

Cùng chuyên mục
Tin khác