Soi 'sức khoẻ' Vietcombank

Nguyễn Hoài - 23/08/2018 13:48 (GMT+7)

(VNF) - Giới phân tích nhận định: năm 2018, lãi ròng và lợi nhuận sau thuế của Vietcombank tăng lần lượt 30,8% và 37%. Nhưng nhà đầu tư cần lưu ý 2 rủi ro: định giá cao và áp lực tăng vốn.

VNF
Vietcombank đang được định giá rất cao so với trung bình ngành (P/B của Vietcombank là 3.7x trong khi trung bình ngành chỉ là 1.7x)

Công ty Cổ phần Chứng khoán Thành Phố Hồ Chí Minh (HSC) vừa có báo cáo liên quan đến triển vọng ngành ngân hàng, trong đó, đề cập đến tình hình tài chính Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).

Theo trên, đánh giá kết quả kinh doanh của 13 ngân hàng niêm yết trong quý I/2018 so với cùng kỳ được HSC cho là “khá tích cực”: tăng trưởng 98,8% nhưng nợ xấu tăng nhẹ, phản ánh chất lượng tài sản suy giảm.

Xét triển vọng toàn ngành cả năm 2018, HSC đánh giá là “tích cực”, nhờ tăng trưởng lợi nhuận dự báo 41,5%, dựa trên yếu tố nợ xấu giảm do Nghị quyết 42 và Quyết định 1058 mang lại.

Hiện tại, nợ xấu ở mức thấp nhất 5 năm qua, tỷ lệ dự phòng so với nợ xấu đạt gần 100%. “Điều này chứng tỏ các ngân hàng đã trích lập gần hết các khoản nợ xấu từ trước đó. Do vậy, 2018 trở đi, các ngân hàng sẽ ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng mạnh do chi phí dự phòng giảm”, HSC nhận định.

Kế đó là một số yếu tố khác như: tốc độ tăng trưởng tín dụng dự báo ở mức 18%, biên lãi ròng (NIM) được cải thiện bởi các ngân hàng mở rộng mảng tín dụng tiêu dùng; thu nhập ngoài lãi có thể tăng 40% trong năm nay. Chưa kể, cơ hội thoái vốn trong bối cảnh thị trường chứng khoán thêm “hồng hào” cũng là thêm nguồn thu nhập đáng kể.

6 tháng đầu năm tín dụng tăng hơn 1/3 so với mục tiêu

Hết 6 tháng đầu năm nhưng tín dụng mới đi được hơn 1/3 quãng đường. Nguồn: HSC

Tuy nhiên, khi phân tích “sức khoẻ” Vietcombank, HSC đưa ra một số nhận định sau: Ngân hàng Nhà nước là cổ đông chi phối, nắm giữ tới 77,1% (Mizuho Bank Limited nắm 15% và VanEck Vectors ETF nắm 0,3%); do đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ không thoái vốn tại đây. Bởi, Vietcombank là đơn vị hàng đầu hệ thống cả về chất lượng tài sản cũng như lợi nhuận/vốn, lợi nhuận/tổng tài sản và nghĩa vụ ngân sách.

Phân tích về các chỉ số tài chính, theo HSC, trong 6 tháng đầu năm 2018, lợi nhuận trước thuế Vietcombank đạt 7.722 tỷ đồng, tăng 52,7% so với cùng kỳ 2017 và đạt 55,2% kế hoạch năm 2018. Do vậy, kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm 13 nghìn tỷ đồng (tăng 14,6% so với 2017) là khả thi.

Trong đó, tỷ lệ cho vay dài hạn tăng giúp cho NIM ngân hàng tăng theo; đồng thời, tỷ lệ nợ xấu giảm nhanh từ 2013, dự phòng/nợ xấu tăng nhanh với mức xấp xỉ 100%.

Dù vậy, HSC cũng nêu lên 2 vấn đề nổi trội hiện nay của Vietcombank, đó là: Tỷ lệ CAR khá thấp so với ngành khiến nhu cầu tăng vốn cao nếu muốn tiếp tục tăng trưởng tín dụng. Tiếp đó, tương tự các ngân hàng khác, cơ cấu thu nhập phụ thuộc khá lớn vào tín dụng.

Xét về rủi ro đối với nhà đầu tư tham gia mua cổ phiếu ngân hàng là định giá cao và áp lực phải tăng vốn đáp ứng Basel II.

Cụ thể, định giá rất cao so với trung bình ngành (P/B của Vietcombank là 3.7x trong khi trung bình ngành chỉ là 1.7x).

Ngoài ra, ngân hàng này cũng cần tăng vốn để đáp ứng tiêu chuẩn CAR quy định của Basel II nhưng theo HSC, tính khả thi của đợt phát hành riêng lẻ cho GIC (Singapore) là không cao.

Cùng chuyên mục
Tin khác