'Soi' tỷ suất sinh lời của ngân hàng Việt nửa đầu năm 2019

Minh Tâm - 09/08/2019 10:13 (GMT+7)

(VNF) - Bên cạnh MB, hai ngân hàng VIB và TPBank cũng gây ấn tượng mạnh khi lọt top 5 ngân hàng có tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu và trên tổng tài sản cao nhất hệ thống. Nhìn chung, các ngân hàng có tỷ suất sinh lời cao đều "miệt mài" dồn lực vào mảng cho vay khách hàng cá nhân, cũng như phát triển mảng bảo hiểm và thanh toán trong vài năm trở lại đây.

VNF
Việc "miệt mài" phát triển mảng khách hàng cá nhân trong vài năm qua đã đem lại thành quả cho nhiều ngân hàng (Ảnh minh họa)

Trong số các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả kinh doanh của ngân hàng, có thể nói tỷ suất sinh lời là chỉ tiêu quan trọng nhất, trong đó tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu bình quân (Return On Average Equity - ROEA) và tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản bình quân (Return on Average Assets - ROAA) là hai thước đo chủ yếu.

ROEA phản ánh mỗi đồng vốn chủ sở hữu bình quân tạo ra bao nhiêu đồng lợi nhuận sau thuế. Trong khi đó, ROAA phản ánh mỗi đồng tổng tài sản bình quân tạo ra bao nhiêu đồng lợi nhuận sau thuế.

Nửa đầu năm 2019, VIB là ngân hàng có ROEA cao nhất với 13,1%. Xếp ngay sau là Vietcombank với 13% và ACB với 12,9%.

Các ngân hàng cũng ghi nhận ROEA trên 10% có thể kể đến TPBank với 11,8%, MB với 11,3% và HDBank với 10,8%.

Trong số các ngân hàng có ROEA cao trên, VIB và TPBank là hai cái tên mới nổi trong vài năm trở lại đây. Đây cũng là hai ngân hàng có tỷ trọng cho vay trung, dài hạn thuộc hàng cao nhất hệ thống, phần nào lý giải cho đà tăng trưởng mạnh mẽ về lợi nhuận bởi lãi suất cho vay trung, dài hạn thường cao hơn đáng kể lãi suất cho vay ngắn hạn vì phải gánh thêm nhiều rủi ro.

Một điểm chung khác là cả hai ngân hàng trên đều đặt trọng tâm vào việc phát triển dư nợ cho vay cá nhân có biên lợi nhuận cao hơn dư nợ vay doanh nghiệp. Năm 2018, dư nợ cho vay khách hàng cá nhân của TPBank tăng tới 51%, trong khi con số của VIB là 40%. Với VIB, động lực tăng trưởng cho vay khách hàng cá nhân chủ yếu đến từ hai mảng cho vay mua nhà và cho vay mua ô tô.

Ngoài ra, thu từ dịch vụ với lực đẩy từ phí thanh toán và mảng bancassurance (phân phối bảo hiểm qua ngân hàng) của hai ngân hàng này cũng tăng trưởng rất mạnh trong vài năm gần đây.

Trở lại với nhóm ROEA cao nhất hệ thống ngân hàng, bên cạnh những cái tên quen thuộc như Vietcombank, ACB, MB thì HDBank là cái tên khá đáng chú ý. Thống kê cho thấy, 3 năm vừa qua, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế bình quân của HDBank lên đến 74%/năm - thuộc hàng cao nhất hệ thống ngân hàng.

Cùng với "con cưng" HD Saison trên mặt trận tài chính tiêu dùng, việc chung hệ sinh thái với "ông lớn" ngành hàng không Vietjet và "ông lớn" ngành bất động sản Sovico Holdings cũng là điểm khác biệt giúp thúc đẩy lợi nhuận HDBank.

ROEA của 27 ngân hàng Việt Nam nửa đầu năm 2019

Xếp sau nhóm ngân hàng có ROEA trên 10% là hai ngân hàng "sừng sỏ" VPBank (9,5%) và Techcombank (8,4%). Trong khi VPBank có lợi thế trong mảng tài chính tiêu dùng với "gà đẻ trứng vàng" FE Credit thì Techcombank lại nổi bật với chiến lược đa dạng hóa doanh thu, từ cho vay, bảo lãnh phát hành và môi giới trái phiếu doanh nghiệp, bancassurance đến phát triển thanh toán.

Ngoài ra, trong số các ngân hàng hiện tại, VPBank và Techcombank có thể coi là hai ngân hàng tích cực nhất trong việc phát triển ngân hàng số - nền tảng lợi nhuận ngân hàng trong trung hạn, hứa hẹn thứ hạng về ROEA của hai ngân hàng này có thể cải thiện đáng kể trong tương lai, thậm chí vươn lên top đầu.

Trở lại với ROEA hiện tại, hai "ông lớn" BIDV và VietinBank xếp ở nhóm giữa với ROEA lần lượt 6,8% và 6,2%. Tỷ suất sinh lời của các ngân hàng này đang chịu tác động rất mạnh bởi việc gia tăng trích lập dự phòng nhằm xử lý nợ xấu tồn đọng. Thống kê cho thấy, tổng trích lập dự phòng nửa đầu năm 2019 của BIDV và VietinBank lớn hơn 24 ngân hàng cộng lại.

Một số ngân hàng cỡ vừa và nhỏ có ROEA nửa đầu năm nay cao có thể kể đến LienVietPostBank (8,1%), NamABank (7,9%), ABBank (7,4%).

Trong khi đó, nhóm cuối về ROEA đa số là những ngân hàng nhỏ như Saigonbank (2%), PGBank (2%), VietABank (1,7%), VietCapitalBank (1,1%), NCB (0,4%).

Riêng trường hợp SCB, sở dĩ lợi nhuận sau thuế rất thấp so với quy mô (ROEA nửa đầu năm nay chỉ 1%) là do đây là ngân hàng hợp thành từ 3 ngân hàng yếu kém trước đây nên lượng tài sản xấu, tài sản không sinh lời/sinh lời kém vẫn còn rất lớn.

Đối với chỉ tiêu ROAA, nửa đầu năm 2019, Techcombank là ngân hàng đứng đầu với 1,33%, vượt trội so với phần còn lại.

Xếp sau đó là nhóm các ngân hàng VPBank (1,03%), MB (1,03%), VIB (0,96%), TPBank (0,92%).

Tiếp đó là nhóm ACB (0,85%), HDBank (0,83%) và Vietcombank (0,83%).

ROAA của 27 ngân hàng Việt Nam nửa đầu năm 2019

Tổng hợp lại, có thể thấy, trong top 10 ngân hàng có ROEA và ROAA cao nhất hệ thống có tới 9 cái tên chung gồm: Vietcombank, Techcombank, MB, VPBank, ACB, HDBank, VIB, TPBank và LienVietPostBank.

Nếu xét top 5, có 3 ngân hàng lọt cả hai nhóm tỷ suất sinh lời cao nhất là MB, VIB và TPBank.

Cùng chuyên mục
Tin khác