Sốt ở phía Tây Hà Nội: Khách bỏ 200 tỷ mua 6 biệt thự, sàn thanh khoản 1.000 tỷ/tuần

Xuân Thạch - 18/03/2024 23:43 (GMT+7)

(VNF) - Không chỉ tăng giá ở phân khúc chung cư, phân khúc biệt thự, liền kề đầy đủ pháp lý cũng đã sôi động trở lại. Quỹ đất cho dự án mới không còn, tiềm năng tăng giá, cũng như đón đầu hạ tầng được xem là những lý do chính cho cơn sốt tiếp theo này.

VNF

1.000 tỷ đồng thanh khoản trong chưa đầy 1 tuần

Theo ghi nhận của PV, đầu tháng 3/2024, sau khi chung cư tăng giá liên tiếp, các phân khúc biệt thự cũng nhận được sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư.

Tại dự án Solasta Mansion của chủ đầu tư Nam Cường. Anh Khắc Đạt, môi giới thuộc một sàn BĐS đang triển khai bán hàng dự án cho hay, dự án đang rất hot ở phía Tây Hà Nội, các nhà đầu tư tìm đến tìm hiểu dự án ngày một tăng. Sau khi có thông tin về dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội phải cơ bản hoàn thành vào năm 2026, và thông xe toàn tuyến đường Lê Quang Đạo,lượng khách hàng lại tìm đến ngày càng nhiều.

“Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tuần lễ đầu tháng 3/2024, riêng sàn bất động sản bên em đã bán được gần 30 căn với khoảng 1,000 tỷ đồng tiền hàng được thanh khoản. Khách xem và đặt cọc xuống tiền rất nhanh”, anh Đạt chia sẻ thêm.

Rất nhiều khách hàng đã đến tham quan dự án biệt thự Solasta Mansion (Ảnh Xuân Thạch)

 

Anh Hữu Minh, một chuyên viên môi giới của Mai Việt Land cũng chia sẻ, dự án được mở bán vào cuối tháng 10/2023, nhưng chỉ thực sự sôi động trong khoảng hơn 1 tháng trở lại đây. Đây là cũng là đợt mở bán đầu tiên và hiện cũng không còn nhiều hàng, nguyên 1 dãy đã block có cọc chỉ trong 1 buổi sáng. Chưa kể 18/03 này là đợt mở bán thứ 2, bên em còn 8 đợt mở bán nữa, mỗi đợt giá sẽ tăng thêm 5%.

“Mức giá dưới 30 tỷ thì rất khó chọn mua biệt thự hiện nay, Park City thì không mua được, khu Tây Hồ có StarLake giá thấp nhất căn liền kề là 400 triệu/m2, hay khu BT5 Ciputra cũng hơn 50 tỷ 1 căn. Khách của em vừa lấy liền 6 căn, tổng giá trị tiền hàng gần 200 tỷ chỉ trong 1 buổi sáng”, anh Hữu Minh khẳng định.

Cách đó chưa đầy 15km, dự án với tên thương mại Hinode Royal Park cũng đang rất khát hàng. Dự án này được phê duyệt từ gần 16 năm trước, mới tái khởi động cuối năm 2021. Vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt sai phạm trong quá trình triển khai dự án.

Anh Nguyễn Chí, môi giới một sàn bất động sản cho hay, dự án tăng giá khoảng 40%, sau Tết âm là quãng thời gian tăng nhanh nhất. Hiện tại 1 căn rẻ nhất cũng có giá khoảng hơn 10 tỷ, mà trước đây 8 tháng giá chỉ khoảng hơn 7 tỷ. Hiện tại mức giá đã chớm vượt qua đỉnh của giai đoạn sóng đầu năm 2022, cỡ hơn 100 triệu/m2. Tương lai khu vực này vẫn còn tiềm năng tăng giá,  khi Hoài Đức lên quận, nguồn cung khan hiếm, hạ tầng phát triển nhanh, đặc biệt người Việt vẫn ưa thích kênh đầu tư Bất động sản, an toàn hơn so với các kênh khác.

“Giá tăng, hôm trước hôm sau giao dịch đã có thể chênh 500 triệu đồng 1 căn. Khách hỏi rất nhiều, nhưng quay lại hỏi chủ đất, có ngày gọi gần 20 cuộc điện thoại, nhưng không ai có nhu cầu bán”, Nguyễn Chí nói thêm.

Phân khúc cao cấp khan hàng

Báo cáo tổng quan thị trường quý 4/2023 của Savill Hà Nội cho biết, nguồn cung mới biệt thự, nhà liền kề rất hạn chế. Cụ thể, chỉ có 87 căn, bao gồm: 58 căn từ dự án mới tại Hà Đông và 29 căn từ dự án hiện hữu tại Hoài Đức. Cả năm 2023, tổng nguồn cung mới ước đạt 272 căn, giảm 82% theo năm, là mức thấp nhất 10 năm qua. Ngoài ra, theo thống kê, nguồn cung sơ cấp đạt 710 căn đến từ 16 dự án, cũng giảm 2% theo quý và 23% theo năm; nhà liền kề là sản phẩm chính với thị phần 44%.

Một chuyên gia kinh doanh BĐS tại Hà Nội chia sẻ, đây là phân khúc cao, giá trị lớn, biệt thự có diện tích nhỏ nhất 170 m2, với mức giá hiện nay khoảng 135 - 150 triệu đồng/m2 cả xây, 1 căn cũng có giá thấp nhất trên 20 tỷ đồng. Căn có giá trị lớn nhất giao dịch trong thời điểm đầu tháng 3/2024 vừa rồi là hơn 55 tỷ đồng.

Lý giải cho điều này, vị chuyên gia chia sẻ, thứ nhất là lượng tiền gửi trong ngân hàng rất lớn, hơn 13,5 triệu tỷ đồng, trong đó 80% là tiền gửi ngắn hạn dưới 16 tháng với mức lãi suất thấp. Khách hàng chờ đợt rất lâu để có thể chuyển hướng đầu tư bất động sản, chống lại lạm phát.

Trong khi đó, quỹ đất cho dự án mới không còn, cộng thêm việc thuế đất có khung tính mới, nhiều dự án xây xong thô mà chưa nộp thuế,chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với nhà nước, nên chưa ra sổ. Nếu ra được thì chi phí tài chính cũng rất lớn, khan nguồn cung.

Cuối cùng là đón đầu về hạ tầng giao thông khi đường Lê Quang Đạo kéo dài (đoạn từ Đại lộ Thăng Long, quận Nam Từ Liêm đến vị trí ranh giới với khu đô thị Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội) dự kiến thông xe kỹ thuật vào ngày 1/4/2024, cộng với việc 1 tuyến đường khác chuẩn bị khởi công vào tháng 6, thêm đón quy hoạch vành đai 4 của Hà Nội chạy qua. Khách hàng kỳ vọng vào giá nhà tăng cao khi hạ tầng được hoàn thiện.

“Vị trí đẹp, pháp lý chuẩn, nguồn cùng phân khúc này cũng hạn chế do mức thuế mới tăng cao, chi phí xây dựng cũng rất lớn. Giá bán ra sau này của các dự án mới không thể rẻ hơn được”, vị chuyên gia này khẳng định.

Những căn liền kề thuộc dự án Hinode Royal Park có giá hơn 10 tỷ, mới chỉ xây thô nhưng đã qua nhiều đời chủ từ 2008. (Ảnh Xuân Thạch)

Theo ông Matthew Powell Giám Đốc, Savills Hà Nội, phân khúc biệt thự, liền kề trong quý IV/2023 diễn ra chậm với lượng giao dịch thấp cùng với sự thận trọng của các chủ đầu tư trước việc ra hàng mới. Tuy nhiên, sự hình thành quận mới và cơ sở hạ tầng hoàn thiện dự kiến sẽ dần thúc đẩy sự phục hồi của nhóm này.

TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch hiệp hội môi giới bất động sản (VARS) cho rằng, nhu cầu của xã hội với bất động sản trung và cao cấp ngày càng tăng lên với động lực là nhóm khách hàng có thu nhập cao. Trong bối cảnh thị trường trầm lắng, biệt thự, liền kề hay chung cư cao cấp vẫn là phân khúc có nhiều tín hiệu giao dịch tích cực. Với những người thuộc nhóm thu nhập cao, đòi hỏi về chất lượng cuộc sống của họ tại các khu đô thị cũng phải cao tương ứng. Họ luôn sẵn sàng chi trả một khoản tiền lớn để có nhiều tiện ích cuộc sống được đảm bảo ở tiêu chuẩn hàng đầu.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.