'Chính phủ đẩy nhanh phê duyệt dự án nhà ở để tăng cung, sẵn sàng can thiệp khi tăng nóng, sốt ảo'

Kỳ Thư - 07/03/2024 13:15 (GMT+7)

(VNF) - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị, Chính phủ đẩy nhanh tiến độ phê duyệt các dự án phát triển nhà ở để tăng nguồn cung, sẵn sàng can thiệp khi thị trường có dấu hiệu tăng “nóng”, “sốt ảo”.

VNF
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng.

Can thiệp khi có dấu hiệu tăng nóng, sốt ảo

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị Chính phủ chủ động có các giải pháp hiệu quả để điều tiết giá nhà ở như tập trung phát triển mạnh nhà ở xã hội phù hợp với khả năng chi trả của người có thu nhập trung bình và thấp; đẩy nhanh tiến độ phê duyệt các dự án phát triển nhà ở để tăng nguồn cung, sẵn sàng can thiệp khi thị trường có dấu hiệu tăng “nóng”, “sốt ảo”; quan tâm xây dựng cơ sở dữ liệu, thông tin về bất động sản, nâng cao năng lực quản lý, điều tiết thị trường đất đai, bất động sản, hướng tới công khai, minh bạch và chuyên nghiệp hơn.

Đồng thời, ông Tùng nhấn mạnh, khẩn trương nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt Đề án thí điểm cho phép thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất khác (không phải là đất ở); việc thí điểm nên được triển khai tại một số tỉnh, thành phố lớn... để tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản, giải phóng nguồn lực về đất đai, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, đẩy mạnh triển khai các chính sách, quy định mới về nhà ở xã hội để tăng cường thu hút nguồn lực phát triển phân khúc này, góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung nhà ở vừa túi tiền, góp phần hoàn thành mục tiêu của Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2030".

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng.

Đặc biệt, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, trong năm 2024, Quốc hội thực hiện giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023.

Nội dung giám sát tập trung vào các vấn đề: công tác chỉ đạo, tổ chức thi hành, quản lý điều hành, điều tiết thị trường bất động sản; nguồn cung bất động sản; giao dịch bất động sản; tình hình hoạt động của doanh nghiệp bất động sản; công tác quy hoạch; việc sử dụng đất để thực hiện dự án bất động sản; trình tự, thủ tục thực hiện dự án bất động sản; nguồn vốn cho thị trường bất động sản; kinh doanh dịch vụ bất động sản; công khai, minh bạch thông tin về thị trường bất động sản; công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật, điều tra, xét xử, thi hành án trong kinh doanh bất động sản…

Sớm ban hành văn bản hướng dẫn Luật

Liên quan đến chính sách quản lý bất động sản nhất là sau khi các luật quan trọng như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản được thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh cần bố trí nguồn lực và chuẩn bị các điều kiện bảo đảm cho việc thi hành Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và các văn bản quy định chi tiết Luật; chỉ đạo rà soát các văn bản dưới luật khác có liên quan, kiến nghị sửa đổi, bổ sung (nếu cần thiết) để bảo đảm đồng bộ với Luật Đất đai năm 2024, Luật Kinh doanh bất động sản; đặc biệt đối với 08 luật được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với Luật Đất đai.

Anh Thanh cho biết, để Luật Đất đai sớm đi vào cuộc sống thì các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai phải có hiệu lực đồng bộ với hiệu lực thi hành của Luật, Việc triển khai Luật Đất đai năm 2024 có 97 nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết, 09 nội dung giao các Bộ hướng dẫn thi hành.

Trong đó có một số nội dung quan trọng, liên quan trực tiếp tới quyền lợi người dân: Quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai; Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Quy định về quỹ phát triển đất; Quy định về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; Quy định về giá đất; Quy định chi tiết về đất trồng lúa; Quy định về lấn biển; Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.

Đối với Luật Kinh doanh bất động sản, có 20 nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết, 1 nội dung giao Bộ trưởng Bộ Xây dựng và 3 nội dung giao Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định. Hiện nay, các Bộ, ngành liên quan đang trong quá trình xây dựng các văn bản để bảo đảm kịp thời ban hành khi Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 có hiệu lực.

Đối với Luật Nhà ở, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội kiến nghị Chính phủ chỉ đạo sớm ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Nhà ở bảo đảm tiến độ, chất lượng, đồng bộ với các luật có liên quan mới được Quốc hội thông qua như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng.

Cùng chuyên mục
Tin khác