Sức ép tiếp tục gia tăng, Ngân hàng Nhà nước có thêm quyết định quan trọng?

Minh Dũng - 06/10/2022 08:47 (GMT+7)

(VNF) - Nguy cơ lạm phát tiếp tục gây sức ép lên điều hành chính sách tiền tệ nhất là trong việc ổn định vĩ mô và bảo vệ giá trị VND. Dự đoán từ nay đến cuối năm, có thể lãi suất điều hành sẽ tiếp tục tăng nhằm giảm sức ép lên tỷ giá.

VNF

Lãi suất điều hành có thể tăng thêm 1 đợt nữa

Sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới tăng lãi suất, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng nâng lãi suất điều hành thêm 1 điểm %. Đây là lần đầu tiên NHNN điều chỉnh lãi suất điều hành sau 2 năm và cũng là lần đầu tiên cơ quan quản lý tiền tệ nâng lãi suất điều hành kể từ tháng 5/2011.

Mức điều chỉnh 1 điểm % cao hơn mức dự báo của nhiều chuyên gia và tương đối lớn so với các quyết định trước đó. Điều này thể hiện sự quyết liệt và mang tính phòng thủ cao của nhà điều hành nhằm đối phó với những tác động từ thị trường thế giới, đặc biệt là trước động thái tăng lãi suất của Fed.

Không dừng ở đó, một số chuyên gia cho rằng, sức ép lên tỷ giá có thể sẽ dẫn đến việc NHNN cân nhắc có thêm một đợt tăng lãi suất điều hành nữa vào cuối năm.

"Với những diễn biến thị trường tiền tệ, tỷ giá vẫn đang căng thẳng, dự trữ ngoại hối đã chạm ngưỡng cẩn trọng và Fed vẫn có lộ trình tăng lãi suất thêm khoảng 1,25-1,5 điểm từ giờ đến cuối năm thì tôi cho rằng NHNN sẽ vẫn phải tiếp tục nâng các loại lãi suất điều hành thêm ít nhất một lần nữa vào quý IV này", ông Trần Ngọc Báu, CEO Wi Group, nhận định.

Đồng quan điểm, PGS.TS Phạm Thế Anh, giảng viên Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) cho biết, từ nay đến cuối năm, nếu Fed tiếp tục tăng lãi suất và kiên định với mục tiêu chống lạm phát, "bão giá" trong nước có xu hướng leo thang thì việc tăng lãi suất điều hành là khó có thể tránh khỏi. Nhưng đợt tăng lãi suất này có biên độ nhỏ hơn so với đợt tăng 1 điểm % vừa rồi.

Báo cáo mới đây của Ngân hàng UOB cũng cho hay, có khả năng NHNN sẽ tăng thêm 100 điểm cơ bản đối với lãi suất tái cấp vốn trong vòng 2 quý tới. Điều này sẽ đưa lãi suất tái cấp vốn lên 5,5% vào cuối năm 2022 và sau đó là 6% vào cuối quý I/2023.

Các chuyên gia phân tích của SSI Research chia sẻ, càng về cuối năm sức ép lên tỷ giá càng lớn và không loại trừ trường hợp NHNN sẽ tiếp tục tăng lãi suất điều hành nhằm giảm áp lực lên tỷ giá. Theo SSI Research, NHNN sẽ cố giữ thanh khoản trên hệ thống ngân hàng ở trạng thái không quá dồi dào trong giai đoạn còn lại của năm nhằm duy trì mặt bằng lãi suất liên ngân hàng VND ở vùng 5-5,5%, để tạo mức chênh lệch hợp lý với lãi suất USD, giảm thiểu áp lực lên tỷ giá. 
 
Trái ngược với các nhận định trên, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) lại cho rằng, từ giờ cho tới cuối năm nay, NHNN sẽ không có đợt tăng lãi suất nào nữa, trong điều kiện Fed tiếp tục tăng lãi suất như trong báo cáo dự báo kinh tế được công bố vào ngày 22/9. Theo ACBS, những động thái gần đây của NHNN nhằm tăng lãi suất điều hành thêm 1 điểm % là một hành động nhằm đối phó với áp lực phá giá ngày càng tăng đối với đồng VND, chứ không phải là động thái cố gắng làm giảm nhu cầu trước tình hình lạm phát gia tăng. 

Theo một số chuyên gia, thay vì cuối năm nay thì NHNN có thể tăng lãi suất điều hành thêm 50 điểm cơ bản trong 2 quý đầu của năm 2023 để kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tỷ giá.

Tác động của việc tăng lãi suất điều hành

Giới phân tích cho rằng, việc tăng lãi suất điều hành có thể sẽ gây nhiều sức ép cho nền kinh tế. Nhưng đây là việc làm cần thiết của NHNN trong bối cảnh Fed kiên trì với lập trường tăng lãi suất, đồng USD tiếp tục tăng giá kéo theo sự mất giá của nhiều đồng tiền trong đó có VND và sự đe dọa của lạm phát.

PGS.TS Phạm Thế Anh nhận định, lãi suất thực tế trên thị trường vốn đã tăng rất mạnh. Động thái tăng thêm 1 điểm % thực tế là việc hợp thức hóa lãi suất điều hành chính thức so với lãi suất thị trường. Tuy nhiên, điều này cũng thể hiện NHNN tương đối quyết liệt trong việc bảo vệ đồng nội tệ, hạn chế việc chuyển dịch dòng vốn đầu tư nước ngoài ra khỏi Việt Nam; phòng ngừa lạm phát từ xa.

Đại diện NHNN trong cuộc họp báo mới đây nhấn mạnh ưu tiên số 1 hiện nay là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Vì thế, cơ quan này buộc phải tăng lãi suất để ổn định giá trị đồng tiền.

"Định hướng là ổn định không có nghĩa là cố định đồng tiền. Nếu để mặt bằng lãi suất ổn định quá lâu sẽ gây áp lực lên tỷ giá và gây bất ổn vĩ mô. Do đó, NHNN thấy cần phải điều chỉnh lãi suất để đối phó với cú sốc của thị trường toàn cầu và neo giữ tâm lý kỳ vọng của thị trường", ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - NHNN, cho biết.

Việc tăng lãi suất điều hành sẽ giúp đảm bảo mức chênh lệch lãi tiền đồng cao hơn so với USD, qua đó, duy trì vị thế nhất định của tiền đồng và giảm áp lực với tỷ giá, đồng thời giữ được sức hấp dẫn với các dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
 

Thống kê cho thấy, đồng tiền Việt Nam vẫn là một trong những đồng tiền mất giá ít nhất so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Tuy nhiên, lãi suất điều hành tăng cũng gây nhiều sức ép cho nền kinh tế. Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cho rằng, lãi suất điều hành tăng sẽ tác động tới các chủ thể trong nền kinh tế như ngành ngân hàng, doanh nghiệp, thị trường chứng khoán và ngay cả tới các hộ gia đình. Với ngành ngân hàng, TPS cho rằng trần lãi suất huy động tăng có thể khiến chi phí đầu vào của các nhà băng tăng, từ đó khiến lãi suất cho vay sẽ tăng theo.

Thực tế, đợt tăng lãi suất điều hành vừa qua đã châm ngòi cho cuộc đua lãi suất huy động mới. Hàng loạt ngân hàng đã tăng lãi suất huy động từ 30-130 điểm %, nhiều kỳ hạn dưới 6 tháng được các ngân hàng niêm yết ở mức tối đa cho phép. Lãi suất tiền gửi tiết kiệm được đẩy lên mức cao nhất tới 8,8%/năm.

Cùng chuyên mục
Tin khác