Suốt 14 năm không nhập hàng, giá vàng trong nước tiến lên mốc 70 triệu/lượng
Mai Anh -
02/10/2023 11:22 (GMT+7)
(VNF) - Giá vàng trong nước có xu hướng tăng cao. Vàng miếng SJC sắp cán mốc 70 triệu đồng/lượng. Trước thực trạng thị trường vàng trong nước tồn tại nhiều điểm bất thường, "lạc lõng" với thị trường thế giới, cơ quan quản lý sắp có biện pháp xử lý.
Vàng miếng SJC cán mốc 70 triệu đồng/lượng, chênh lệch bất thường với thế giới
Sáng 2/10, giá vàng miếng gần chạm mốc 69 triệu đồng/lượng. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, giá vàng miếng SJC sẽ sớm lên mốc 70 triệu đồng/lượng, bằng thời điểm này năm ngoái.
Điều đáng nói, giá vàng miếng trong nước duy trì ở mức cao bất chấp đà giảm mạnh của giá vàng thế giới.
Giá vàng miếng luôn cao hơn giá vàng thế giới đến mức phi lý. Chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước với thế giới luôn ở mức rất cao, hiện là 13-14 triệu đồng/lượng. Vào năm ngoái, có thời điểm, mức chênh lệch này tới gần 20 triệu đồng/lượng.
Đáng chú ý, không ít phiên giao dịch, giá vàng SJC diễn biến trái chiều với thế giới. Tức khi giá vàng thế giới giảm mạnh thì giá vàng trong nước vẫn đi ngang hoặc tăng mạnh. Điều này khiến mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế tăng cao.
Nhiều chuyên gia cho biết không có nước nào trên thế giới có mức chênh lệch quá lớn như vậy. Ở nhiều nước, mức chênh lệch giữa giá vàng nội - ngoại chỉ vài USD/ounce.
Giá vàng SJC không chỉ chênh lệch bất thường so với giá vàng thế giới mà còn đắt hơn vàng nữ trang, vàng nhẫn tới mức khó tin. Vàng nhẫn SJC hiện được giao dịch ở 55,9-56,9 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). So với giá bán vàng nhẫn 9999 SJC, giá vàng miếng SJC đang cao hơn tới gần 12 triệu đồng/lượng. Điều này có nghĩa người mua vàng miếng SJC phải chịu thiệt hơn so với mua vàng nhẫn tròn trơn tới gần 12 triệu đồng/lượng trong khi hàm lượng vàng như nhau, chỉ khác về hình thức bên ngoài.
Chênh lệch giá mua vào và bán ra của vàng miếng SJC cũng lớn. Hiện chênh lệch mua - bán của giá vàng miếng SJC dao động 700.000-720.000 đồng/lượng. Tuy nhiên, vào tháng 3 năm ngoái, chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra của vàng miếng SJC trong nhiều phiên đã vượt 2 triệu đồng. Điều này có nghĩa là nếu mua vào 1 đồng thì phải bán ra 2 đồng mới có lãi.
Một điểm lạ nữa trên thị trường vàng Việt Nam là luôn có sự chênh lệch giá giữa các thương hiệu. Thông thường, chênh lệch này chỉ lên tới 1-2 triệu đồng. Nhưng vào đầu năm ngoái, chênh lệch giữa vàng miếng SJC với các loại vàng chất lượng 9999 của các thương hiệu khác có thời điểm lên tới gần 17 triệu đồng.
Có thể thấy, thị trường vàng trong nước còn tồn tại nhiều điểm bất thường và đang "lạc lõng" so với diễn biến trên thị trường thế giới. Trong khi vàng ở nhiều nước trên thế giới được định giá theo cung - cầu, theo tuổi vàng, theo hàm lượng vàng… thì ở Việt Nam, giá vàng miếng SJC dường như nằm ngoài những quy luật chung.
Trao đổi với báo chí, đại diện chuyên gia Hiệp hội Kinh doanh vàng - cho rằng, từ năm 2014 đến nay, Ngân hàng Nhà nước không đưa thêm vàng ra thị trường, chưa kể vàng miếng SJC trong lưu thông thậm chí còn được chuyển hóa để phục vụ cho sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Do nguồn cung bị giảm, giá vàng trên thị trường thế giới tăng cao, các doanh nghiệp lại phòng thủ, dự trữ vàng nên giá vàng miếng SJC ngày càng bị đẩy lên trên mốc 68 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC luôn cao hơn thế giới 14 - 15 triệu đồng/lượng.
Sắp có biện pháp xử lý giá vàng ‘một mình một chợ’
Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng quy định vàng miếng do Nhà nước độc quyền sản xuất. Và từ thời điểm đó, vàng miếng SJC đã được chọn làm thương hiệu vàng miếng độc quyền của quốc gia.
Nhiều người cho rằng, Nghị định 24 ra đời đã góp phần tạo sự ổn định cho thị trường vàng. Nhưng đến nay, một số quy định đã không còn phù hợp. Sự độc quyền khiến giá vàng trong nước, nhất là giá vàng miếng SJC luôn cao hơn giá vàng thế giới đến mức phi lý.
Nhiều đại biểu Quốc hội đã đề nghị cần có giải pháp kéo giá vàng SJC về đúng giá trị thực. Nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên sửa Nghị định 24, làm cho giá vàng trong nước sát với thế giới, tránh tình trạng vàng lậu. Ngoài ra, cần tăng nguồn cung cho thị trường theo hướng hủy bỏ quy định NHNN độc quyền sản xuất vàng miếng và không sử dụng một loại vàng miếng SJC làm thương hiệu độc quyền như hiện nay để bảo vệ quyền lợi người mua vàng.
Mới đây, NHNN đã có báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị định 24 (năm 2012) về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
NHNN cho biết đã tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra trên cả nước để chấn chỉnh hoạt động kinh doanh vàng, xử lý các vi phạm theo thẩm quyền, yêu cầu khắc phục tồn tại phát hiện sau kiểm tra, thanh tra.
Cơ quan này cũng đã báo cáo kết quả công tác kiểm tra tại cuộc họp liên ngành về tình hình thị trường vàng và chênh lệch giá vàng thế giới với giá vàng miếng SJC trong nước do Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì.
Tháng 7/2022, NHNN tổ chức họp lấy ý kiến về chính sách quản lý hoạt động kinh doanh vàng với các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách, gồm: Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam và 33 tổ chức tín dụng, doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh vàng miếng.
Các đại biểu đã thống nhất việc sửa đổi Nghị định 24 là vấn đề cần cân nhắc thận trọng để đảm bảo mục tiêu chống vàng hóa và hạn chế tác động tới thị trường tiền tệ, ngoại hối.
Trong tháng 11/2022, NHNN tiến hành lấy ý kiến 63 NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố về đánh giá, tổng kết Nghị định 24. Trên cơ sở đó, NHNN sửa dự thảo báo cáo đánh giá, tổng kết Nghị định 24.
“Đã đến lúc, Ngân hàng Nhà nước sửa Nghị định 24. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước nên khảo sát đầy đủ để bình ổn thị trường, làm cho giá vàng trong nước sát với thế giới, tránh tình trạng vàng lậu. Cần tăng nguồn cung cho thị trường theo hướng hủy bỏ quy định Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng và không sử dụng một loại vàng miếng SJC làm thương hiệu độc quyền như hiện nay để bảo vệ quyền lợi người mua vàng”, chuyên gia Hiệp hội kinh doanh Vàng ý kiến.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.